TTO - Một lần đi trên con đường trơn trượt, ngập ngụa bùn đất, chưa kể phải lội qua 4 con suối lớn chảy xiết và hơn chục khe suối nhỏ mới tới được trường học của các em nhỏ vùng cao để quý trọng hơn từng mét đường bê tông mà công trình "Con đường em đến trường" thực hiện ở Yên Bái.

Vượt hơn 35km đường rừng, sương mù bảng lảng quanh sườn núi, chốc chốc phía xa, đám mây đen bất chợt kéo đến, ánh mắt lo lắng hiện rõ trên gương mặt đồng nghiệp dù bao năm tác nghiệp miền núi và có tiếng "tay lái lụa" chẳng khác gì trai bản.

Ghì số 1, kéo hết tay ga, xe mới vượt qua được những khúc cua tay áo hiểm trở. Mất 2 giờ nữa, những nếp nhà ở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái cũng dần hiện ra trong màn sương mờ.

Nhưng điểm đến của chúng tôi là bản Nả Háng. Muốn đến đây chỉ có hai cách: một là lái xe máy, hai là đi bộ băng rừng nếu trời mưa lớn. Từ nếp nhà đầu tiên của Chế Tạo, phóng tầm mắt hướng "đường chim bay" có thể thấy khói vờn quanh bên kia đỉnh núi.

Muốn đến Nả Háng, còn 15km đường rừng khó khăn nhất nữa cần phải chinh phục.

Bà con dân bản Nả Háng chung tay đào cát, gùi sỏi làm đường, nuôi mong ước về con đường bêtông nối từ Nả Háng tới bản kế bên - Video: NAM TRẦN

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 2.
Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 3.

"Đến Nả Háng, là phóng viên đi đến tận cùng của Mù Cang Chải rồi", một cán bộ huyện xúc động nắm tay nói với chúng tôi.

Chỉ có đến tận nơi, mới thấm thía được gian nan của những đứa trẻ người Mông nơi đây. Với chúng tôi là lần đầu tiên đặt chân đến, còn với Giàng Thị Dua và những đứa trẻ Nả Háng, mỗi ngày đều đến trường trên những con đường "dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm".

Thế nhưng, hầu như chẳng đứa trẻ nào ở Nả Háng bỏ học. Cõng sách, vượt thung sâu nuôi ước mong về một tươi lai tốt đẹp hơn con đường đất mà các em vượt qua mỗi ngày.

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 4.
Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 5.


15 tuổi, Dua được coi là chị cả của đám trẻ trong bản. Dua nhớ suốt chục năm đi học, những ngày rừng đổ cơn mưa, đường đến trường trở thành nỗi ám ảnh. Trơn trượt, ngập ngụa bùn đất, chưa kể, phải lội qua 4 con suối lớn chảy xiết và hơn chục khe suối nhỏ.

"Em với Pằng (đứa trẻ ở bản - PV) rủ nhau đi cùng để có gì giúp đỡ nhau. Đường xấu lắm, mưa là sạt, sơ sẩy chút là ngã ngay", mỗi lần nhớ lại cô bé người Mông vẫn chưa thôi khiếp đảm.

Dua học khá, năm nay đã sang lớp 10, phải ra học trường huyện cách nhà gần 50km, tết hoặc lễ mới được về nhà. Đường xa quá, xấu quá, Dua không tự đi xe được nếu không có chú ruột đánh xe máy đến đưa về. Nhớ nhà, chỉ còn cách đánh điện về.

"Em thương mẹ lắm", Dua buồn buồn. Bố mất năm em học lớp 4, một mình mẹ vất vả lên nương lên rẫy cố nuôi ba chị em đến trường. Dưới Dua còn hai em học lớp 6 và lớp 8. Học xa nhà, thương mẹ vất vả, nhiều lúc nhớ các em lắm nhưng Dua luôn ghi nhớ lời mẹ dặn "cố gắng học, cái gì không làm được thì nhờ thầy cô chỉ dạy".

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 6.

- "Có lúc nào Dua có ý định bỏ học không?", tôi hỏi.

- "Hồi nhỏ cũng có lúc nghĩ", cô bé người Mông thật thà. "Nhưng nay em thích học, em gắng học xong lớp 12, nếu thấy ‘học được’ em sẽ học tiếp".

Có điện thoại, Dua cập nhật tin tức rất nhanh. Ở huyện, em nắm rõ tình hình trong bản, biết các bác các cô, anh chị Đoàn thanh niên đang dốc sức cùng bà con dân bản, có cả mẹ Dua chung tay làm "Con đường em đến trường" bằng bêtông nối từ Nả Háng đến bản Tà Dông kế bên.

"Em mong muốn đường được xây như ở huyện, đi không khó như ngày xưa, để được về thăm mẹ, thăm các em", Dua ước.

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 7.
Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 8.

Nả Háng có 31 hộ dân với hơn 160 nhân khẩu, được coi là bản "4 không": không điện, không đường, không trường, không trạm y tế. Để có điện, dân bản tận dụng sức nước, 3 - 4 hộ gia đình chung nhau một máy phát điện.

Không có trường, học sinh mẫu giáo sang bản Tà Dông cách 15km học nhờ, từ lớp 1 sẽ đi học ở trung tâm xã, học khá sẽ ra trường huyện. Nhưng không có đường là trở ngại lớn nhất. Đau ốm, chỉ có cách đánh đường ra huyện.

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 9.

Nay chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên vận động các nhà hảo tâm ủng hộ ximăng, cả bản mừng rơn. Chiều hôm trước trong cuộc họp bản, bí thư chi bộ Sùng A Cớ và trưởng bản vận động bà con ngày mai đi làm đường.

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 10.

"Với tâm huyết là có con đường cho con cháu sau này được đi học, ai ai cũng sẵn lòng", A Cớ quả quyết.

Theo quy ước hương bản, bà con góp công sức, tùy theo số lượng xi măng mà khoán công cho bà con. Mỗi bao xi măng 50kg tương đương 2 bao cát sỏi. A Cớ nhẩm tính, hiện có 50 tấn xi măng các nhà hảo tâm đóng góp, bản sẽ cần 100 tấn cát sỏi.

8h sáng, thanh niên trai tráng phóng xe máy từ bản, một giờ sau mới đến được con suối lớn đầu tiên. Sau lưng gùi giỏ, sau xe chở bao xi măng.

"May mắn trời thương", một cậu thanh niên dõi theo ánh mặt trời chiếu rọi, ngó xuống đường khô cong mỉm cười.

Xe đỗ xịch ở con suối lớn, trai tráng trong bản hò nhau xuống suối lấy cát sỏi, lựa bỏ những hòn sỏi quá to "không ăn xi". Mỗi người một gùi cát sỏi nước suối còn chảy tong tong, ngược dốc lên điểm tập kết.


Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 11.

"Mệt quá", Giàng A Nù (25 tuổi) nói bằng tiếng Mông. Ước chừng gùi 30 - 40kg cát sỏi, là thử thách không nhỏ với sức vóc vạm vỡ của chàng trai bản.

Liên tục quệt mồ hôi, Nù nói khó nhất là gùi cát, từ con suối lên chỗ tập kết chỉ chừng 200m nhưng phải mất 5 - 10 phút gùi bộ.

"Mệt chứ nhưng gắng thôi, cho các cháu đi học. Góp sức góp công ở đây, mình mong muốn xây con đường đẹp để các em được đi học, sau này con của A Nù cũng được đi trên chính con đường A Nù làm", hướng về những ngọn núi trước mặt ông bố trẻ nói.

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 12.

Tay bổ từng nhát cuốc xuống lớp đất đá, chốc chốc Sùng A Giàng - bí thư chi đoàn bản Nả Háng - ngước mắt lên dõi theo cậu con trai A Tuấn đang chơi bên bờ suối. 4 tuổi, Tuấn chưa được đi lớp mẫu giáo vì nhà xa quá. Sáng sáng lên nương, vợ chồng A Giàng phải gửi con cho ông bà trông nom.

"Mình có con lớn đang học ở xã Chế Tạo, thường cuối tuần đón về nhưng 2 tuần rồi đường trơn trượt, chưa đón được con về", A Giàng thoáng chút buồn.

- "A Tuấn có thích đi học cùng anh Minh không?", ông bố bế đứa con trai vào lòng hỏi.

- "Sáng" (có - PV), cậu bé lanh lợi nói bằng tiếng Mông.

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 13.

Dắt tay con lên dốc thẳng đứng, sau lưng gùi cát sỏi, A Giàng thở hổn hển nói "làm đường này mệt, nhưng đường xa đón con còn mệt hơn". Thường thì tranh thủ chiều chủ nhật anh đưa con ra xã trước, nhưng nếu cuối tuần bận phải đi từ 4h sáng thứ hai mới kịp giờ học của con.

A Giàng nhớ những hôm trời đổ mưa vẫn ráng đưa con đến trường học lấy cái chữ, có lần hai bố con ngã nhào trên đường. Những lần sau chở con đi học qua đoạn đó, con trai A Giàng nhớ lại trêu bố.

"Con hơn mình nhiều chứ, được thầy cô dạy biết cái chữ, biết hát nữa", A Giàng cười tươi nói về cậu con trai lớn.

Ngày ngày những ông bố trẻ như A Giàng, A Nủ vẫn lên nương lên rẫy nhưng hễ có phát động của bản là hò nhau vác cuốc, gùi giỏ đến điểm tập kết làm đường. Họ góp công góp sức, chở xi măng, gùi cát sỏi chung tay xây dựng một con đường nhỏ cho con em, bà con dễ dàng đi lại.

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 14.

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 15.

Giàng A Trang, bí thư Đoàn xã Chế Tạo, ví von nếu "xứ Mù" là vùng đất xa xôi nhất của Yên Bái, thì Chế Tạo lại là xã vùng sâu vùng xa nhất. Thế nhưng bà con bao đời nay truyền tai nhau Chế Tạo là "cái nôi tri thức" với nhiều lãnh đạo, cán bộ sinh ra từ mảnh đất này: đại biểu Quốc hội, con em tham gia quân đội, công an, có người trở thành lãnh đạo địa phương.

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 16.

Đường đến trường qua biết bao con dốc, đèo cao, trùng trùng điệp điệp núi nọ chồng núi kia. Gian nan vất vả thế, nhưng trong những bữa cơm đoàn viên hiếm hoi khi các con được về nhà, ông bố bà mẹ người Mông luôn nhắc nhớ về tấm gương con em hiếu học được chính mảnh đất này dưỡng nuôi.

Ngày 2-9 vừa qua, "Con đường em đến trường" tại Nả Háng chính thức được khởi công với mong muốn nâng bước chân đến trường cho con em vùng cao bớt gian nan.

Bí thư đoàn xã Chế Tạo cho biết hiện Tỉnh đoàn Yên Bái đã chuyển giao 50 tấn xi măng cho bà con. Nhưng đường sá xa xôi hiểm trở, ôtô không vận chuyển được vào tận bản, Đoàn thanh niên phải huy động thanh niên trai tráng "tăng bo" hơn 20km đường vào bản.

Với 50 tấn xi măng, chủ yếu bà con khắc phục những đoạn đường khó, đoạn đường nhiều đá, trơn dốc, tinh thần là làm nơi khó khăn trước.

"Hiện mới chở được 6 tấn xi măng vào tận bản, làm được 60m đường. Dự kiến sắp tới làm xong 1,2km đường bêtông. Năm nay làm 1,2km, mấy năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục xin đầu tư, xin các nhà hảo tâm giúp đỡ xi măng, còn cát sỏi anh em thôn bản tự làm.

Chỉ mong 3 - 5 năm nữa sẽ hoàn thành hết 15km đường", A Trang cho biết.

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 17.

Làm thế nào để thuyết phục bà con cùng chung tay? Bí thư đoàn xã Chế Tạo quả quyết điều này thực ra dễ hơn, bởi chỉ cần nghe làm đường đoàn viên thanh niên, dân bản đồng tình ngay.

"Điều quyết định cao nhất chính là tri thức của các em. Người dân ở đây tiếp cận với xã hội rất ít nên 'đời bố củng cố đời con'. Chúng ta hi sinh, chúng ta không biết rồi, không có học rồi, bây giờ phải đào tạo con cháu tiến kịp với xã hội.

Mong muốn con cái nhà nào cũng phải đi học hết, có trình độ để sau này về phục vụ bản làng, phục vụ vùng sâu, vùng xa", Giàng A Trang bộc bạch.

Đường đến trường nơi tận cùng Mù Cang Chải - Ảnh 18.

HÀ THANH - NAM TRẦN
NAM TRẦN
HẢI PHI
BẢO SUZU
26-10-2020

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên