09/07/2018 14:27 GMT+7

Được cứu khỏi hang tối, cầu thủ nhí Thái Lan đối mặt nhiều vấn đề

ĐÌNH HẢI
ĐÌNH HẢI

TTO - Đồng hồ sinh học bị xáo trộn, khả năng nhận thức bị ảnh hưởng, nguy cơ trầm cảm nặng... là những vấn đề các cầu thủ nhí Thái Lan phải đối mặt sau nhiều ngày kẹt trong hang tối.

Được cứu khỏi hang tối, cầu thủ nhí Thái Lan đối mặt nhiều vấn đề - Ảnh 1.

Hình ảnh 4 trong số các cầu thủ nhí bị mắc kẹt dưới hang tối - Ảnh: AFP

Tính đến hôm nay 9-7, đã có 4 trong số 12 cầu thủ nhí cùng huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang đã cứu đưa ra ngoài. 

Tình trạng các cầu thủ được Bộ trưởng Nội vụ Thái Anupong Paojinda xác nhận là ổn, theo Bangkok Post.

Báo địa phương dẫn các nguồn tin cho hay 4 cậu bé sẽ được gặp cha mẹ mình vào cuối ngày hôm nay, song họ phải đứng cách nhau 1-2m cho đến khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy các em không bị bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như leptospirosis và meliodosis.

Tuy nhiên, cho dù không nhiễm bệnh, các cậu bé cũng sẽ đối mặt nhiều vấn đề liên quan sức khỏe do ảnh hưởng của môi trường thiếu sáng suốt nhiều ngày liền.

Theo BBC, ngoài triệu chứng tâm lý nặng nề khi bị kẹt hàng trăm mét dưới lòng đất, môi trường thiếu sáng sẽ gây ra những biến chứng lạ đến khả năng cảm nhận thời gian và nhận thức của các cậu bé. Từ đó, họ có nguy cơ bị trầm cảm nặng, mất ngủ và dễ dẫn đến bất hòa.

Được cứu khỏi hang tối, cầu thủ nhí Thái Lan đối mặt nhiều vấn đề - Ảnh 2.

Michel Siffre đã tình nguyện sống dưới lòng đất trong thời gian dài để nghiên cứu - Ảnh: Getty Images

Đây không phải lần đầu tiên có người bị cô lập trong hang động trong thời gian dài. Vào năm 1962, nhà địa chất học người Pháp tên Michel Siffre tự thám hiểm một sông băng ngầm sau khi phát hiện ra nó.

Suốt thời gian đó, Siffre bắt buộc phải hành động theo bản năng vì anh không hề mang theo đồng hồ, lịch, hay nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Anh ghi chú lại các hoạt động bên dưới và gọi cho đồng nghiệp bên ngoài mỗi khi anh thức dậy, khi ăn và trước khi ngủ. Bạn anh chẳng hề cho biết thông tin về thời gian.

Sau khi đủ 2 tháng, đồng nghiệp thông báo cho Siffre nhưng anh đã không tin: anh nghĩ rằng thời gian mình trải qua chỉ mới 1 tháng. Anh đã gặp vấn đề về khả năng nhận thức thời gian do sinh hoạt trong bóng tối liên tục.

Tương tự, khi thợ lặn phát hiện ra đội bóng Thái Lan đầu tuần qua, một trong số họ lập tức hỏi về khoảng thời gian đã mắc kẹt.

Được cứu khỏi hang tối, cầu thủ nhí Thái Lan đối mặt nhiều vấn đề - Ảnh 3.

Vị trí của SCN - Ảnh: Live Science

Ghi chú mà Siffre thực hiện hé lộ một hiện tượng thú vị: mặc dù anh dùng 1/3 khoảng thời gian để ngủ (như cuộc sống bình thường), chu kỳ ngủ/thức của anh không phải là 24 giờ mà là 24 giờ 30 phút.

Anh đã bắt đầu sinh hoạt dựa trên nhịp độ thời gian riêng, thay vì chuẩn thời gian chung mà thế giới bên ngoài dựa theo, vốn được tính bằng khoảnh khắc mặt trời mọc và lặn.

Hiện tượng này còn có thể được quan sát ở những người khiếm thị. Đồng hồ sinh học mỗi người sẽ khác nhau - một số hoạt động trong chu kỳ dưới 24 giờ, số khác thì gần 25 giờ. Họ không còn phụ thuộc vào giờ giấc thông thường, và trở nên "tự do". Vì vậy, thời gian họ ngủ thay đổi mỗi ngày.

Người với nhịp độ sinh học 24,5 giờ có thể thức dậy lúc 8h sáng thứ Hai, nhưng vào thứ Ba thì tỉnh dậy vào lúc 8h30, còn thứ Tư thì vào 9h. Cứ như vậy sau 2 tuần, cơ thể họ sẽ lầm tưởng mốc 8h tối thành 8h sáng.

Tình trạng này được y học gọi là rối loạn ngủ thức - không - 24 giờ, được phân loại dựa theo khoảng thời gian ngủ: đồng hồ sinh học người bị rối loạn gần như chẳng thể giống với chuẩn thời gian chung và triệu chứng sẽ bao gồm khó ngủ và buồn ngủ nặng vào buổi sáng. 

Rối loạn này được ví như bị jetlag vĩnh viễn (jetlag là tình trạng mệt mỏi sau khi bay do tác động của chênh lệch múi giờ).

Được cứu khỏi hang tối, cầu thủ nhí Thái Lan đối mặt nhiều vấn đề - Ảnh 4.

Ánh sáng nhân tạo có thể được đưa vào hang để khôi phục lại nhịp sinh học cơ thể - Ảnh: Alamy

Theo các nhà khoa học, một cặp nhóm tế bào riêng biệt trong mô não mang tên suprachiasmatic nucleus (SCN) chịu trách nhiệm kích hoạt đồng hồ sinh học trong cơ thể.

Vị trí của SCN nằm phía sau võng mạc. Khi mắt con người nhìn thấy ánh sáng mặt trời, các tế bào nhạy cảm này sẽ tự khởi động lại nhịp độ sinh học, giúp cơ thể đồng bộ với chu kỳ sáng/tối bên ngoài.

Nếu bạn mắc kẹt dưới lòng đất, hoặc chịu tổn thương mắt nặng nề thì não bạn khó cảm nhận được ánh sáng. Từ đó, nhịp sinh học sẽ ‘loạn xạ’, giống như tình trạng đội bóng Thái Lan đang gặp.

Bên trong các mô khác của cơ thể cũng tồn tại đồng hồ sinh học, và SCN giúp chúng đồng bộ với nhau. Khi bị gián đoạn, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng trầm cảm, mất ngủ, rối loạn chuyển hóa nội tiết tố, suy giảm tập trung.

Tuy nhiên, vẫn có phương pháp khắc phục rối loạn. Khi một thợ mỏ 33 tuổi bị kẹt dưới mỏ đồng tại Chile trong 69 ngày vào năm 2010, hệ thống ánh sáng sinh học đặc biệt được gửi xuống nhằm thử thiết lập lại chu kỳ sáng/tối, giúp cơ thể anh đồng bộ với thời gian bên ngoài.

Nhóm thợ lặn tiếp tục vào hang Tham Luang giải cứu đội bóng Nhóm thợ lặn tiếp tục vào hang Tham Luang giải cứu đội bóng

TTO - Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan, ông Anupong Paojinda, xác nhận chính nhóm thợ lặn đã giải cứu 4 em chiều qua (8-7) hôm nay sẽ tiếp tục chiến dịch giải cứu tiếp theo.

ĐÌNH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên