15/10/2023 11:28 GMT+7

Dựng rạp đám tiệc trên đường: Sao cho đúng quy định?

Dựng rạp cưới trên đường song hành xa lộ Hà Nội (phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM), một hộ dân vừa bị xử phạt vi phạm hành chính vì lấn chiếm lòng đường.

Rạp cưới dựng ở đường song hành xa lộ Hà Nội (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) - Ảnh: Tôi là dân quận 9

Rạp cưới dựng ở đường song hành xa lộ Hà Nội (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) - Ảnh: Tôi là dân quận 9

Nhiều người nêu thắc mắc: TP đã có quyết định cho phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè để tổ chức ma chay, cưới hỏi. Vậy phải sử dụng thế nào để tránh bị xử phạt như vụ việc vừa qua?

* Ông Trần Quốc Hưng (chủ tịch UBND phường Linh Trung, TP Thủ Đức):

Không phải đường nào cũng có thể dựng rạp

Đây là việc làm vi phạm luật giao thông, lấn chiếm lòng đường gây mất trật tự, an toàn giao thông và chủ hộ đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quyết định 32 của TP.HCM về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường hè phố, hoạt động tổ chức đám cưới, đám tang được sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên người dân phải trình báo cho địa phương và không phải đường nào cũng có thể dựng rạp.

Để không mất an toàn và mỹ quan đô thị, địa phương phải lập danh sách các tuyến đường có phần vỉa hè rộng 1,5m dành cho người đi bộ trước khi cho thuê hoặc để người dân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè. Danh sách các tuyến đường này phường Linh Trung vẫn đang triển khai rà soát, thống kê.

Về tiêu chí chọn đường được phép dựng rạp tổ chức ma chay, vỉa hè phải rộng 5,5m. Như vậy, trừ đi rạp rộng khoảng 4m thì mới còn đủ 1,5m dành cho người đi bộ. Tìm được vỉa hè rộng như vậy rất khó. Theo rà soát, vỉa hè rộng nhất của phường hiện chỉ có 3,5m.

* Ông Vương Hoài Nam (chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp):

Địa phương hướng dẫn, giám sát

Ở phường này, khi người dân báo có nhu cầu sử dụng vỉa hè để tổ chức ma chay, cưới hỏi, phường luôn linh hoạt hỗ trợ hết sức. Trên địa bàn phường có khoảng 50% các tuyến đường có thể cho phép người dân "mượn tạm" vào những nhu cầu bức thiết trên.

Tại các hẻm nhỏ, hẻm cụt, khi muốn dựng rạp, phường sẽ hỗ trợ thực hiện trên tinh thần tất cả người dân trong hẻm đều đồng thuận. Nếu phát hiện trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng đường với mục đích riêng mà chưa thông báo, phường sẽ xử lý ngay.

Căn cứ theo quyết định 32, việc tổ chức đám tiệc và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang có sử dụng tạm thời một phần vỉa hè không phải cấp phép sử dụng. Thời gian sử dụng vỉa hè không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ đối với đám tang (với hộ gia đình có đăng ký cư trú tại địa phương). 

Văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định 32 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã cụ thể hóa trách nhiệm của người dân và chính quyền địa phương trong việc sử dụng hè phố tổ chức đám tiệc. Theo đó, tổ chức, cá nhân ngoài thông báo còn phải thực hiện theo hướng dẫn, giám sát của UBND phường, xã.

Sửng sốt vì rạp cưới "chình ình" ở đường song hành xa lộ Hà NộiSửng sốt vì rạp cưới 'chình ình' ở đường song hành xa lộ Hà Nội

Một rạp đám cưới dài vài chục mét chễm chệ ở đường song hành xa lộ Hà Nội (phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM) khiến nhiều người dân sửng sốt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên