20/03/2019 06:48 GMT+7

Đừng áp đô thị hiện đại vào Đà Lạt

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt vừa được công bố đang vấp phải sự phản đối của nhiều người dân Đà Lạt, du khách.

Đừng áp đô thị hiện đại vào Đà Lạt - Ảnh 1.

Khu Hòa Bình hình thành từ thập niên 1920, đến thời điểm hiện tại trở nên lộn xộn, cần được chỉnh trang - Ảnh: M.VINH

Nhiều chuyên gia quy hoạch, bảo tồn đô thị lo lắng đây là đồ án lạc lõng đối với một đô thị đặc trưng vùng cao nguyên.

Khu Hòa Bình thành trung tâm phức hợp

Theo đồ án, rạp hát Hòa Bình sẽ phá bỏ, dinh tỉnh trưởng bị di dời nguyên khối đến một vị trí thích hợp trong khuôn viên hiện tại để xây dựng 3 khối công trình cao từ 5-7 tầng.

Đồ án này căn cứ định hướng quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014. 

Đồ án xác định thay đổi diện mạo toàn diện khu trung tâm Hòa Bình với 30ha, được thực hiện bởi kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị. Khi đó, khu trung tâm Hòa Bình trở thành một trung tâm thương mại, quảng trường, có lối đi bộ và bãi xe trong hầm ngầm, với 5 phân khu.

Ông Đoàn Văn Việt - chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho rằng quy hoạch này là cơ sở để xây dựng khu trung tâm Hòa Bình thành khu phức hợp, là điểm đến hấp dẫn, nâng cao được chất lượng dịch vụ ở khu vực trung tâm, tạo ra nhiều không gian thương mại, mua sắm, không gian đi bộ, bãi đậu xe... 

Từ đó thu hút nguồn lực đầu tư nâng cao giá trị sử dụng đất thông qua hoạt động dịch vụ, du lịch chất lượng cao.

Theo ông Lê Quang Trung - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, quy hoạch này sẽ xây dựng được trung tâm thành phố du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm quốc gia và quốc tế. 

Cũng theo ông Trung, những công trình không mang tính chất lịch sử phải giải tỏa đi để thực hiện theo ý tưởng tạo ra một quảng trường rộng, phục vụ các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng của người dân.

Phá bỏ di sản?

Đồ án này vấp phải nhiều sự phản đối bởi đã tác động trực tiếp dinh tỉnh trưởng và rạp hát Hòa Bình - hai điểm nhấn, chứng nhân cho những biến thiên lịch sử của thành phố di sản Đà Lạt.

Dinh tỉnh trưởng là nơi sinh sống và làm việc của thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức trước kia. 

Đây là một tòa dinh thự đồ sộ, có kiến trúc đẹp bậc nhất ở Đà Lạt, được người Pháp xây dựng trước năm 1910. 

Đây là vị trí trung tâm của khu trung tâm Đà Lạt với góc nhìn mở rộng về tất cả các hướng. Hiện nay dinh thự này không được tôn tạo, đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Rạp Hòa Bình chứa những ký ức của một đô thị còn trẻ với lịch sử hình thành 136 năm. 

Trên nền đất của rạp Hòa Bình hiện nay là ngôi chợ làm bằng cây được dựng lên vào năm 1929 gọi là chợ Cây. Năm 1937 được xây dựng kiên cố sau sự cố cháy chợ Cây. Và trên nền công trình này về sau hình thành nên rạp Hòa Bình. 

Cùng với khu vực chợ, quảng trường, thương xá xung quanh, rạp Hòa Bình trở thành nơi ghi dấu đời sống đô thị Đà Lạt trước năm 1975.

Với nhiều vị trí thức lâu năm đang sinh sống tại Đà Lạt, không nơi đâu mang dấu ấn cộng đồng của người Đà Lạt nhiều hơn những nơi này. 

KTS Trần Công Hòa - Hội Kiến trúc tỉnh Lâm Đồng - nhận định: "Dù không xếp hạng di sản nhưng chợ Đà Lạt và dinh tỉnh trưởng tự nó đã là di sản vì mang dấu ấn của cộng đồng đô thị Đà Lạt qua nhiều thời kỳ. Chạm đến khu Hòa Bình là chạm đến ký ức của người Đà Lạt và yêu Đà Lạt ở khắp nơi".

Ông Hòa cũng cho biết dự thảo đồ án quy hoạch này được lấy ý kiến góp ý từ cuối năm 2017, ông đã đóng góp bằng văn bản, nhưng không được ghi nhận.

Đừng áp đô thị hiện đại vào Đà Lạt - Ảnh 2.

Phác họa khu trung tâm Hòa Bình trong tương lai (nhìn từ hướng tây bắc) với những công trình cao tầng có khối tích lớn, vật liệu chủ đạo là kính và thép - Ảnh: HTT

"Mang Sài Gòn đặt vào trung tâm Đà Lạt"

Theo KTS Trần Công Hòa, trong quy hoạch tổng thể Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2014 đã có quan điểm phát triển khu trung tâm Đà Lạt không được gây dồn nén dịch vụ, dân cư. 

"Khu vực này quá nhỏ để dồn nén thêm những chức năng của đô thị hiện đại" - ông Hòa nói.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần xác lập khu Hòa Bình là trung tâm di sản của Đà Lạt, kết nối với trục di sản đường Trần Phú - Trần Hưng Đạo giúp Đà Lạt một phần xứng tầm với chức năng đô thị đã được xác lập trong quy hoạch chung là "đô thị di sản - thành phố trong rừng, rừng trong thành phố".

"Để quy hoạch một vùng đô thị, phải đánh giá được giá trị văn hóa và bề dày lịch sử của khu vực. Giá trị gốc là quyền lợi dân cư trong khu vực. Tỉnh Lâm Đồng đã nhầm lẫn chức năng của một trung tâm đô thị thông thường với trung tâm đô thị di sản. 

Đối với quy hoạch khu trung tâm lần này, nếu bỏ qua sự góp ý của dư luận để triển khai thì Lâm Đồng đang mang một Sài Gòn đặt vào trung tâm của Đà Lạt" - ông Sơn trao đổi.

Cũng có ý kiến cho rằng rạp hát Hòa Bình có kiến trúc không còn hợp thời, không còn công năng như ban đầu, cần thay thế; ngoài ra, khu vực này đang quá tải, nhếch nhác cần phải "dọn dẹp". 

Tiến sĩ khảo cổ, bảo tồn Nguyễn Thị Hậu cho rằng không phải cứ "dọn dẹp, giải tỏa" là sẽ đâu vào đấy mà tùy từng khu vực tính chất khác nhau thì có giải pháp khác nhau. Với di sản lại càng thận trọng. 

"Một khu trung tâm thương mại và dịch vụ hiện đại như bản quy hoạch trên có thể xây ở bất cứ đâu, vì sao nhất định phá hủy khu vực mang dấu ấn lịch sử của Đà Lạt?" - bà Hậu đặt câu hỏi.

"Có thể mang nguyên cái đồ án dành cho khu Hòa Bình đó lên phía đông bắc của Đà Lạt. Đất ở đó rộng, không vướng công trình di sản nên có thể tạo điểm nhấn mới cho Đà Lạt. Tại sao phải phá một điểm nhấn di sản để xây dựng một công trình hiện đại?" - KTS Ngô Viết Nam Sơn đề nghị.

Ông Trần Thế Dũng (phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ):

Điều gì níu chân du khách?

thedung-13235 2(read-only)

Những ngày nổi lên tranh luận về quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình (Đà Lạt), tôi dẫn một đoàn du khách đến Sa Pa.

Một Sa Pa so với mười năm trước đã nhiều méo mó, lộn xộn. Nghĩ đến quy hoạch Đà Lạt, nếu không cân nhắc và vẫn thực hiện quy hoạch vừa công bố sẽ dễ đi vào lối mòn Sa Pa.

Du khách đến Đà Lạt vẫn mong muốn tìm lại dáng xưa, từ những biệt thự cho đến những con dốc đều mang dáng dấp đặc trưng của đô thị cao nguyên.

Quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình mới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Đà Lạt lưu dấu trong tâm trí du khách.

Tất nhiên, do lượng khách đến Đà Lạt ngày một đông nên đôi khi khu trung tâm Hòa Bình không còn đảm nhận được vai trò nơi mua sắm, dạo chơi của du khách.

Nhưng có nhiều cách như có thể mở rộng, làm công trình phụ để san sẻ áp lực phục vụ cho khu trung tâm Hòa Bình.

Du khách phương xa và cả người dân địa phương sẽ tìm thấy nét gì riêng ở Đà Lạt? Tương lai điều gì sẽ níu chân lữ khách khi đến thành phố cao nguyên này? Hay chỉ là những công trình mà đâu đâu cũng có, những dịch vụ có thể dễ dàng tìm kiếm bất cứ nơi đâu.

Ông Trương Hoàng Phương (giám đốc Công ty TNHH Exotic Việt Nam):

Phải tôn trọng giá trị Đà Lạt

hoangphuong 2(read-only)

Để Đà Lạt không "chết" phải tôn trọng Đà Lạt, đó là môi trường thiên nhiên, nếu có xây dựng kiến trúc cũng phải phù hợp với cảnh quan. Cách đây 10 năm khách nước ngoài đến Đà Lạt đã giảm và tiếp tục giảm.

Điều này đáng ra phải thức tỉnh những người quản lý đi tìm câu trả lời.

Còn khách nội địa theo xu hướng lên Đà Lạt vẫn tăng, những cơ sở của Đà Lạt đang trong giai đoạn phát triển để đáp ứng sự bùng nổ của khách nội địa.

Không bảo vệ nó thì chắc chắn họ đi một lần vì tò mò nhưng rồi một lần họ sẽ không đến nữa.

Khu trung tâm hiện hữu là trung tâm mua sắm rồi, giá trị truyền thống, chợ rau, chợ hoa... du khách rất mê, giờ chỉ cần sắp xếp, tổ chức lại là đủ. Chứ lên Đà Lạt vào một trung tâm hiện đại, pha phả máy lạnh như Sài Gòn rất kém duyên.

TIẾN LONG ghi

Kiến trúc sư Trần Công Hòa (Hội Kiến trúc tỉnh Lâm Đồng):

Góp ý không được lắng nghe

20190319_185306 2(read-only)

Dự thảo đồ án quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt tỉ lệ 1/500 được trưng bày lấy ý kiến góp ý từ cuối năm 2017.

Đến khi đồ án này được thông qua và công bố vào ngày 15-3, chúng tôi không thấy có sự ghi nhận ý kiến từ đông đảo người dân và giới chuyên môn.

Với tư cách là người dân và là kiến trúc sư, chúng tôi đã đóng góp bằng văn bản nhưng đều không được ghi nhận.

Các ý kiến của chúng tôi có thể tóm gọn ở chỗ chỉ nên chỉnh trang khu vực trung tâm Hòa Bình để trở thành trung tâm thành phố di sản.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên