30/01/2012 07:38 GMT+7

Đừng để lễ hội thành nỗi sợ

THU HÀ
THU HÀ

TT - Xuân đã sang, cũng là lúc mùa lễ hội bắt đầu. Lễ hội pháo Đồng Kỵ sáng mồng 4 tết người chụp ảnh đông hơn dân làng dự lễ, lễ hội chùa Hương khai mạc sáng mồng 5 tết thì từ 23g mồng 4 đã có hàng chục ngàn người nhanh chân đến trước kẻo sáng ngày khai hội không còn chỗ đặt chân.

Hơn 50 nghìn người chen chúc trẩy hội chùa HươngLễ chùa đầu năm là thế này sao?

150.000 người trên các ngả đường hành hương về ngôi chùa tọa lạc trong địa điểm được mệnh danh “Nam thiên đệ nhất động” chỉ trong ngày đầu tiên của mùa lễ hội quả là con số... ngạt thở. Cả mùa lễ hội (kéo dài đến hết mùa xuân), lượng người đổ về chùa Hương chưa bao giờ dưới 3 triệu, liên tục hơn 10 năm nay.

Mồng 10 này khai hội Yên Tử. Từ ngày có cáp treo, những ngôi chùa ngàn năm nép bóng rừng tùng rừng trúc trên đỉnh non thiêng, nơi gần 700 năm trước Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn làm nơi mở trúc lâm thiền phái, xa lánh bụi trần, nay đã trở nên sầm uất đông vui. Cáp treo Yên Tử mùa lễ hội nào cũng chuyên chở đến 20.000 khách/ngày. Trúc Yên Tử đã bị vạt đi từng mảng rừng, vì những cây già nhất, to nhất, cứng cáp dẻo dai nhất đã bị chặt cho người hành hương mua làm gậy chống để leo núi và để mang về làm... kỷ niệm

7.342 lễ hội diễn ra trên khắp đất nước trong năm (con số thống kê của Cục VHTT cơ sở năm 2008), trung bình một ngày có 20 lễ hội. Là nước nông nghiệp, có 90% lễ hội xuất phát từ các làng xã với tiêu chí ban đầu là cầu mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng bội thu, tưởng nhớ người có công với làng, với nước. Cho nên, hầu như quy mô ban đầu của lễ hội cũng chỉ bé bé sau lũy tre của một làng, cùng lắm một tổng hoặc một dải làng xóm có chung một vị thần, hay chung một mỹ tục như lễ hội thập tam trại, hội Lim...

Sự ồn ào, chen lấn, quá đông và phô trương đều xa lạ với các lễ hội nguyên gốc của người Việt. Những mâm lễ cao ngất ngưởng, có đủ bia, rượu tây lẫn gà, heo đặt trên bàn thờ Phật, những đồng tiền rải trắng xóa các bàn thờ, từ thờ Phật, thờ anh hùng dân tộc, thờ Thành Hoàng đến thờ tứ phủ... mà các thân chủ dâng lên đầy tính mục đích cụ thể lại càng đối nghịch với sự thanh tịnh cả thể xác lẫn tâm hồn mà hành vi tế lễ đòi hỏi.

Công luận nhiều lần phản ánh, các nhà nghiên cứu đã phân tích, mổ xẻ nguyên nhân của thực trạng lễ hội, các nhà quản lý đã đau đầu với việc xử phạt vi phạm đủ kiểu cách, hình thức nhưng nhiều lễ hội vẫn biến tướng, xa dần bản chất tốt đẹp ban đầu.

TS Lê Thị Minh Lý - nhà nghiên cứu văn hóa phi vật thể, từng là nhà quản lý văn hóa - chia sẻ bà từng đứng rất lâu trước nhà thờ gỗ Kon Tum nhìn giáo dân đạp xe đến trong trật tự, hành lễ trong nền nếp trang trọng. Sau đó, họ ra bãi lấy xe về trong sự bình an, thanh thản, không chen lấn, xô đẩy. Bà lý giải đó không chỉ là tính kỷ luật, mà bởi vì người hành lễ hiểu rõ việc mình đang làm, tin tưởng vào nó, vì vậy họ tôn trọng người xung quanh.

Bà Lý cho biết cũng từng thán phục trước những người dân góp giỗ chay trong lễ hội Nguyễn Trung Trực và những người tình nguyện đến nấu cỗ, dọn mâm, đón khách, chia cơm... trong ngày lễ này.

Bao nhiêu năm, ngày giỗ Nguyễn Trung Trực đã thành ngày hội của người dân khắp lục tỉnh Nam kỳ và sự bình an, nề nếp, vui vẻ trong lễ hội này bắt đầu từ tôn kính thành tâm với anh hùng dân tộc, được duy trì bởi tấm lòng bất vụ lợi của những người tham gia lễ hội.

Mất đi hai thành tố cơ bản ấy, không còn là lễ hội nữa. Chỉ có đông và chen, chỉ có mâm cao cỗ đầy dâng cúng toan tính vụ lợi, lễ hội rất có thể biến thành nỗi sợ trong tâm lý cộng đồng.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên