13/12/2019 18:48 GMT+7

Dừng đào titan ven biển, dành đất để phát triển du lịch nghỉ dưỡng

B.NGỌC
B.NGỌC

TTO - Tỉnh Bình Thuận vừa kiến nghị Thủ tướng cho chuyển đổi hàng ngàn hecta mỏ titan ven biển sang phát triển 4 dự án du lịch nghỉ dưỡng. Lý do: các dự án khai thác quặng titan xuất khẩu thô không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường.

Dừng đào titan ven biển, dành đất để phát triển du lịch nghỉ dưỡng - Ảnh 1.

Tỉnh Bình Thuận đang đề xuất Thủ tướng cho chuyển đổi hàng ngàn hecta mỏ titan sang làm dự án du lịch nghỉ dưỡng - Ảnh: T.N.

Ông Nguyễn Ngọc Hai - chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Công thương kiến nghị điều chỉnh quy hoạch vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan và khu vực dự trữ quặng.

Lý do điều chỉnh là để thực hiện các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn.

Trước đó, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã giao các bộ, ngành phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai 4 dự án khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng - Mũi Né; khu phức hợp du lịch sinh thái Bãi Dài, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết; khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể thao biển Hòa Thắng; khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí thể thao biển Thư Minh Nguyễn trong thời gian điều chỉnh quy hoạch dự trữ, thăm dò khai thác titan quốc gia.

Để triển khai 4 dự án bất động sản nghỉ dưỡng này, tỉnh Bình Thuận đã báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh khu vực dự trữ quặng titan trên địa bàn rộng 82.700ha, trong đó 57.026ha dự trữ có thời hạn 30 năm, 20.142ha dự trữ lâu dài và đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ khoáng sản khoảng 5.500ha là các khu vực nằm sát bờ biển, thuận lợi cho phát triển du lịch.

Dừng đào titan ven biển, dành đất để phát triển du lịch nghỉ dưỡng - Ảnh 2.

Khai thác titan gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng - Ảnh: TTO

Theo ông Hai, đề xuất chuyển đổi xuất phát từ sự thiếu hiệu quả của các dự án khai thác titan trên địa bàn. Hầu hết các dự án khai thác titan được cấp phép khai thác chỉ xuất thô, không hiệu quả, gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường cảnh quan, làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, nguy cơ sa mạc hóa nghiêm trọng.

Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới việc dừng khai thác titan nếu không có nhà máy chế biến sâu.

"Các dự án khai thác titan trong vùng cũng chồng lấn các quy hoạch khác, gây khó khăn, cản trở, kiềm chế nhiều mặt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiều năm qua, đặc biệt là phát triển du lịch", ông Hai cho biết thêm.

Ủng hộ đề xuất của tỉnh Bình Thuận, Bộ Tư pháp cho rằng để triển khai các dự án, các bộ, ngành cần sớm điều chỉnh quy hoạch dự trữ, thăm dò, khai thác và chế biến titan. Bởi trong số 1.020ha xây dựng khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng - Mũi Né có 185ha nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản titan quốc gia và khoảng 590ha nằm trong khu vực quy hoạch khai thác, chế biến titan giai đoạn đến năm 2020 có xét đến 2030.

Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định các doanh nghiệp được cấp phép thăm dò, khai thác titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang triển khai dự án rất chậm.

Việc chuyển đổi quy hoạch có cơ sở, nhưng để bảo đảm lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp đã bỏ kinh phí thăm dò, khai thác titan, tỉnh Bình Thuận cần giải quyết hài hòa lợi ích các bên.

Bộ Tài nguyên - môi trường cũng nhấn mạnh cả 4 dự án nghỉ dưỡng trên đều chồng lấn lên vùng quy hoạch dự trữ, khai thác titan. Việc triển khai 4 dự án phải tuân thủ quy định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ.

Bình Thuận: Quy hoạch titan kìm hãm kinh tế - xã hội địa phương Bình Thuận: Quy hoạch titan kìm hãm kinh tế - xã hội địa phương

TTO - Các quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan đã chồng chéo với các quy hoạch phát triển du lịch, năng lượng và phát triển 3 loại rừng… tại Bình Thuận.

B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên