Đừng chọn ngành này thành mũi nhọn, biến ngành kia thành mũi tù

VŨ THÀNH TỰ ANH 06/04/2009 16:04 GMT+7

TTCT - Vì sao có những con số dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của VN trong năm 2009 khác nhau, thậm chí chênh lệch khá xa? Làm sao giải quyết ách tắc hiện nay, khai thác các động cơ tăng trưởng? TS VŨ THÀNH TỰ ANH, giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, chia sẻ với TTCT.

Phóng to
TS Vũ Thành Tự Anh
TTCT - Vì sao có những con số dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của VN trong năm 2009 khác nhau, thậm chí chênh lệch khá xa? Làm sao giải quyết ách tắc hiện nay, khai thác các động cơ tăng trưởng? TS VŨ THÀNH TỰ ANH, giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, chia sẻ với TTCT.

GDP đo lường giá trị gia tăng mà một nền kinh tế tạo ra được trong một đơn vị thời gian.

Khi tiến hành dự báo tốc độ tăng trưởng GDP, người ta có thể dựa vào các phương pháp, mô hình dự báo và giả định ban đầu khác nhau.Về lý thuyết, dù áp dụng phương pháp nào thì kết quả cuối cùng cũng phải bằng nhau.Vì vậy, sự khác biệt về kết quả dự báo không xuất phát từ phương pháp tính GDP (mặc dù mỗi phương pháp có thể có sai số khác nhau) mà chủ yếu là do các mô hình dự báo và các giả định ban đầu khác nhau.

Chẳng hạn khi sử dụng phương pháp chi tiêu để dự báo GDP của VN trong năm 2009, các nhà dự báo phải đưa ra các giả định về mức tiêu dùng sẽ thế nào trong năm nay, đầu tư tư nhân sẽ thay đổi thế nào dưới tác động của tình hình suy thoái kinh tế hiện tại cũng như tác động của gói kích cầu của Chính phủ, rồi với đà suy giảm của thương mại quốc tế và chính sách tỉ giá như hiện nay thì xuất khẩu ròng của VN sẽ tăng giảm ra sao... Mỗi cơ quan dự báo có thể sử dụng các mô hình thống kê, kinh tế lượng khác nhau với những giả định ban đầu khác nhau, thậm chí số liệu đầu vào cũng khác nhau nên kết quả dự báo khác nhau là điều dễ hiểu.

* Nhưng vì sao Economist Intelligence Unit (EIU) đưa ra con số quá thấp 0,3%?

- Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần biết mô hình, giả định và dữ liệu được EIU sử dụng để dự báo như thế nào. Theo Justin Wood - giám đốc phụ trách Corporate Network tại khu vực Đông Nam Á của EIU, xuất khẩu của VN đã và sẽ còn tiếp tục suy giảm mạnh (-31%) do ba thị trường chiếm đến 60% kim ngạch xuất khẩu của VN là Mỹ, EU, Nhật đều suy thoái trong năm 2009.

Bên cạnh đó, EIU cũng nhìn thấy FDI của VN bị giảm mạnh (-70%), rồi kiều hối sẽ thấp đi nhiều, triển vọng của khu vực ngân hàng cũng không hề sáng sủa do các ngân hàng thắt chặt tín dụng vì thiếu thanh khoản và sợ rủi ro, rồi giá bất động sản giảm sâu cũng làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư... Với những dữ liệu đầu vào và giả định ban đầu rất tiêu cực như thế này, việc kết quả dự báo của EIU rằng nền kinh tế VN chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm 2009 là điều có thể hiểu được.

Tôi không biết mô hình dự báo mà EIU sử dụng như thế nào, tuy nhiên thông thường các mô hình dự báo như thế này đều khá đơn giản. Những giả định ban đầu cũng chỉ có tính tương đối, trong nhiều trường hợp có thể có tính chủ quan. Vì những lý do này, con số dự báo cuối cùng cũng chỉ là con số tương đối mà thôi.

* Vậy thực trạng của nền kinh tế VN đang như thế nào?

Phóng to
Công nhân thao tác trên dây chuyền sản xuất gỗ xuất sang thị trường châu Âu, châu Mỹ của Công ty TNHH chế biến gỗ Tân Phú, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - Ảnh: Thanh Đạm

- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với quý 1-2008, xuất khẩu của VN (không kể việc tái xuất vàng và đá quý) giảm khoảng 15%, FDI giảm 40%, vốn đăng ký của khu vực dân doanh giảm 46%, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,1%. Còn ở bên ngoài, thị trường thế giới chưa hề có dấu hiệu tốt lên. Mỹ tiếp tục phải bỏ thêm 700 tỉ USD để mua tài sản xấu của hệ thống ngân hàng.

Theo Viện Tài chính quốc tế, nếu như năm 2008 tổng lượng vốn FDI đổ vào các nền kinh tế mới nổi là gần 500 tỉ USD thì năm nay ước tính chỉ còn 165 tỉ USD do nhà đầu tư vừa bị cạn kiệt thanh khoản, vừa sợ rủi ro. Thời điểm này người ta cần bảo toàn vốn chứ không dám phát triển vì không có thị trường và rất rủi ro.

Như vậy nguồn vốn FDI đổ vào VN sẽ giảm một cách đáng kể. ODA rồi cũng sẽ giảm do các nhà tài trợ đang vất vả để tự cứu mình, doanh thu du lịch, kiều hối cũng sẽ giảm sút... Tất cả yếu tố đó cho thấy triển vọng nền kinh tế năm nay sẽ xấu hơn năm ngoái. Các động lực tăng trưởng của VN như doanh nghiệp dân doanh, FDI, xuất khẩu... đều đang đi xuống.

* Làm sao giải quyết ách tắc, khai thông ba động cơ tăng trưởng đó của VN, thưa ông?

- Gói kích cầu của Chính phủ là một biện pháp. Vấn đề là ở chỗ cần phải đánh giá đúng đăn tác động của gói kích cầu, cụ thể là gói kích cầu có giúp tăng tiêu dùng, tăng đầu tư hay tăng xuất khẩu hay không. Nhìn vào các con số thống kê mới đây dường như chúng ta chưa thấy những tín hiệu khả quan từ gói kích cầu. Chẳng hạn nếu hoạt động giải ngân gần 160.000 tỉ đồng trong chương trình bù lãi suất 4% được thực hiện một cách hiệu quả thì dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng phải tăng không dưới 10%.

Thế nhưng thực tế cho vay thì nhiều nhưng dư nợ lại chỉ tăng khoảng 1%, điều này có nghĩa tiền không đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh mới mà quay ngược lại ngân hàng, có thể dưới hình thức đảo nợ. Hay chính sách thu hút, giải ngân FDI, ODA và các dự án đầu tư công rất chậm chạp.

Qua những khó khăn của năm 2008 và cho đến bây giờ Chính phủ đã nhận ra nhu cầu phải thay đổi về mặt cơ cấu kinh tế của đất nước và đây cũng là việc Bộ KH-ĐT đang tiến hành. Đó là điều hết sức cần thiết vì chính những tồn tại có tính cơ cấu của nền kinh tế đã đưa chúng ta đến những bất ổn vĩ mô trong năm 2008, và cũng chính những yếu kém cơ cấu này đã làm nền kinh tế VN trở nên dễ bị tổn thương hơn trước khủng hoảng kinh tế bên ngoài.

Cụ thể là nền kinh tế VN tăng trưởng dựa vào đầu tư, trong khi đầu tư lại rất kém hiệu quả, thể hiện ở chỉ số ICOR rất cao so với các nước trong khu vực và vẫn còn tiếp tục tăng. Nền kinh tế của VN cũng đang phụ thuộc quá nhiều vào FDI và thị trường bên ngoài. Hoạt động xuất khẩu của chúng ta chủ yếu vẫn là gia công và tập trung vào một số hàng hóa cơ bản và có giá trị gia tăng thấp.

Không những thế, để có thể xuất khẩu lại phải nhập khẩu rất nhiều. Hệ thống tài chính có mức độ rủi ro cao trong khi năng lực quản trị rủi ro lại rất hạn chế... Đây là những nguyên nhân có tính cơ cấu dẫn đến tình trạng bất ổn vĩ mô bên trong, đồng thời làm giảm sự dẻo dai của nền kinh tế trước những cú sốc bên ngoài.

“...Đừng ngồi lập kế hoạch cho thị trường nữa. Thị trường là thị trường với những quy luật vốn có, với sự năng động và sáng tạo to lớn. Vì vậy, nhiệm vụ cần kíp bây giờ của các nhà hoạch định chính sách là nhận thức rõ những nguyên nhân cơ cấu kia để từ đó phản ứng lại bằng hệ thống chính sách, thể chế, khuyến khích để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh chứ không phải đi ưu tiên ngành này, hỗ trợ ngành kia, chọn ngành này làm mũi nhọn biến ngành kia thành mũi tù

* Nhưng nói thì dễ, thực hiện làm sao cho hiệu quả mới là điều khó?

- Tôi ủng hộ dự án cải cách cơ cấu của Bộ KH-ĐT nhưng có lẽ cần có cách tiếp cận khác. Đó là không nên ngồi nghĩ thay vì hỗ trợ ngành ôtô thì xoay qua ủng hộ đóng tàu, hay thay chương trình ximăng lò đứng bằng đánh bắt xa bờ...

Những cách tiếp cận của nền kinh tế kế hoạch hóa không phù hợp với nền kinh tế hiện đại của thế kỷ 21 nữa. Hệ thống kinh tế đã thay đổi thì hệ điều hành của nó cũng cần phải thay đổi cho thích ứng. Liệu các nhà làm chính sách có đủ thông minh và khôn ngoan để chọn ra một ngành mũi nhọn không? Từ trước tới giờ các ngành mũi nhọn như mía đường, ximăng lò đứng, đánh bắt xa bờ và gần đây là đóng tàu được chọn đã thành công hay thất bại?

Trong khi đó, nhiều ngành không được chọn lại ra mũi nhọn như thủy sản, đồ gỗ hay gần đây là nến (đèn cầy) đâu cần hỗ trợ đặc biệt hay biến thành chương trình mục tiêu của Chính phủ nhưng vẫn phát triển tốt.

Vấn đề là Chính phủ cần tạo ra môi trường và chính sách hợp lý, ổn định được kinh tế vĩ mô, sau đó để cho hệ thống tự vận hành trong khuôn khổ chính sách điều tiết nếu cần thiết. Ví dụ rất thuyết phục về lợi ích của cạnh tranh là so sánh lĩnh vực điện và viễn thông. Từ khi Viettel tham gia thị trường viễn thông, hiệu quả của ngành này được tăng cường trông thấy; trong khi đó quyền thống trị thị trường của EVN làm cho ngành này gần như không cải thiện hiệu quả để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế.

* Xin cảm ơn ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận