13/04/2021 09:20 GMT+7

Dùng cát nhân tạo, tại sao không?

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Đứng trước nạn khai thác cát trái phép rầm rộ ở nhiều địa phương, rồi chuyện thổi giá cát vô tội vạ, người dân có nhu cầu về xây dựng có lựa chọn nào khác không? Câu trả lời có ngay: cát nhân tạo.

Dùng cát nhân tạo, tại sao không? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, cát nhân tạo hoàn toàn có thể thay thế cát tự nhiên trong xây dựng - Ảnh: TỰ TRUNG

Cả nước hiện có nhiều cơ sở sản xuất cát nhân tạo, cát nghiền bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng tương đương cát tự nhiên.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam, nhu cầu cát xây dựng của Việt Nam năm 2020 khoảng 130 triệu tấn, phần lớn nhu cầu tiêu thụ cát hiện nay vẫn đang dựa vào nguồn khai thác cát tự nhiên.

Về giá cả, cát xây dựng và cát tự nhiên không chênh nhau nhiều, những khu vực cát tự nhiên khan hiếm thì giá cát tự nhiên cao hơn cát nhân tạo, ngược lại khu vực sẵn có mỏ cát tự nhiên, gần các mỏ cát tự nhiên thì giá cát tự nhiên rẻ hơn cát nhân tạo.

Tại TP.HCM, giá cát tự nhiên được Công ty TNHH MTV vật liệu xây dựng Hiệp Hà bán ra quý 1-2021 là 150.000 đồng/m3 cát san lấp, 180.000 đồng/m3 cát xây, tô trát; 290.000 đồng/m3 cát trộn bêtông, cát vàng.

Giá cát theo thông báo của Sở Xây dựng TP.HCM vào tháng 12-2020 có nhiều mức giá khác nhau tùy theo địa bàn các quận huyện. Trong đó, giá cát san lấp 118.000 - 300.000 đồng/m3, cát xây tô 126.000 - 430.000 đồng/m3, cát trộn bêtông từ 163.000 - 458.000 đồng/m3. Trong khi giá cát nhân tạo trên thị trường được ghi nhận 280.000 - 300.000 đồng/m3.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Bắc - vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết hiện có nhiều cơ sở sản xuất cát nhân tạo nhưng giá cát nhân tạo, cát nghiền phụ thuộc vào điều kiện từng nơi. Những vùng có sẵn nguồn nguyên liệu để nghiền cát nhân tạo như mỏ đá vôi, quặng, phế thải công nghiệp thì giá cát nhân tạo sẽ rẻ hơn cát tự nhiên.

Bộ Xây dựng không có thống kê cụ thể về số lượng cát nhân tạo được sản xuất hằng năm, nhưng theo quy hoạch sản xuất vật liệu đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 thì lượng cát nhân tạo được sản xuất năm 2020 khoảng 10 triệu tấn, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ nhu cầu tiêu thụ cát trên thị trường vật liệu xây dựng.

Cũng theo ông Bắc, cát là vật liệu sản xuất thông thường được phân cấp cho địa phương quản lý, cấp phép khai thác, sản xuất. Bộ Xây dựng chỉ quản lý về quy hoạch, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất cát nhân tạo.

Hoạt động sản xuất cát nhân tạo do các địa phương cấp phép, cát nhân tạo nếu sản xuất đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn khi sử dụng tại các trạm trộn bêtông sẽ tốt hơn cát tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay người dân chưa có thói quen sử dụng cát nhân tạo, chỉ có các trạm trộn bêtông sử dụng nhiều cát nhân tạo.

Theo ông Thái Duy Sâm - phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, hoạt động sản xuất cát vật liệu xây dựng nhân tạo, cát nghiền đến nay khá phổ biến. Tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng cát nhân tạo, cát nghiền trong bêtông đã được Bộ Xây dựng ban hành từ năm 2012.

Cũng theo vị này, về cơ bản giá cát nhân tạo và cát tự nhiên không chênh nhau nhiều. Chẳng hạn tại Quảng Ninh, giá cát nhân tạo do Công ty Thiên Nam sản xuất từ đá cát kết của mỏ than Cọc Sáu thải ra khoảng 343.000 đồng/m3, tương đương với giá cát tự nhiên dùng trộn bêtông trên thị trường.

Cát nhân tạo đã sử dụng ở nhiều công trình lớn

Ông Thái Duy Sâm khẳng định việc dùng cát nhân tạo trong xây dựng luôn bảo đảm chất lượng công trình. Nhiều công trình thủy điện lớn ở những vùng khan hiếm cát tự nhiên như thủy điện Sơn La, Lai Châu, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4... thời gian qua đã sử dụng cát nhân tạo để xây dựng các đập thủy điện.

Tuy nhiên, so với cát tự nhiên thì bề mặt cát nhân tạo không được trơn tru như cát tự nhiên nên khi đưa vào trộn bêtông phải tính toán cấp phối bêtông phù hợp. Tỉ lệ hạt mịn trong cát nhân tạo hiện khoảng 30%, trong khi theo yêu cầu cần giảm xuống ngưỡng 15-16%, ông Thái Duy Sâm lưu ý thêm.

Cạn kiệt cát xây dựng, các nước dùng cát nhân tạo Cạn kiệt cát xây dựng, các nước dùng cát nhân tạo

TTO - Với tình trạng cát ngày càng khan hiếm cộng với việc các chính phủ siết chặt quy trình khai thác, xuất khẩu khiến giá cát tăng cao. Nhiều quốc gia đã phải sử dụng các phương pháp xây dựng hạn chế tối đa sử dụng cát.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên