27/05/2020 18:18 GMT+7

Dự luật PPP: Phải làm các ngân hàng yên tâm rót vốn cho vay

TIẾN LONG ghi
TIẾN LONG ghi

TTO - Ngày 28-5, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự thảo luật được nhiều người quan tâm, bởi lâu nay việc thực hiện dự án PPP có rất nhiều bất cập.

Dự luật PPP: Phải làm các ngân hàng yên tâm rót vốn cho vay - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã ngưng thu phí từ tháng 12-2017 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Đào Việt Dũng và ông Phan Vinh Quang - trưởng nhóm chuyên gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) - gửi Tuổi Trẻ Online bài viết góp ý về dự thảo luật này.

Các dự án giao thông mắc kẹt

Ông Đào Việt Dũng cho biết thực tế vài năm nay hầu như không có dự án BOT nào khởi công vì không thuyết phục được ngân hàng rót vốn.

Theo ông Dũng, mới đây Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các dự án đầu tư công năm 2020 do bộ này quản lý.

Năm 2020, Bộ GTVT được giao khoảng trên 37.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, bao gồm trên 35.000 tỉ được Thủ tướng giao năm 2020 và khoảng trên 3.700 tỉ được kéo dài kế hoạch vốn năm 2019 sang năm 2020.

Đến hết tháng 4-2020, cơ quan này đã giải ngân được 9.208 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm.

Dù kết quả này khá cao so với bình quân chung của cả nước, tuy nhiên phần nhiều vẫn nằm ở hoàn ứng trước kế hoạch (khoảng 5.000 tỉ đồng), hoàn trả quỹ tích lũy trả nợ của 2 dự án BT (khoảng 1.334 tỉ đồng). Phần giải ngân cho giải phóng mặt bằng và các hợp đồng xây lắp chiếm tỈ trọng không lớn trong kết quả giải ngân.

Theo ông Dũng, việc có tiền (đầu tư công) mà không tiêu được là thực trạng kéo dài nhiều năm của ngành giao thông. Năm 2019, kế hoạch đăng ký vốn của Bộ GTVT khoảng 30.100 tỉ đồng nhưng đến hết năm cũng mới giải ngân được khoảng 26.700 tỉ đồng.

Năm 2018, tỉ lệ giải ngân vốn đạt trên 90%, nhưng số tiền tiêu thực tế trong năm chỉ còn bằng 30-40% so với thời "hoàng kim".

Trong khi các dự án giao thông sử dụng vốn ngân sách không thể giải ngân thì các dự án BOT giao thông lại không thể tìm được nhà tài trợ vốn.

Hiện có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỉ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.

Phải làm cho ngân hàng yên tâm

Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết vốn ngân hàng chiếm 70 - 80% tài chính của một dự án PPP .

"Nếu dự thảo Luật PPP được Quốc hội thảo luận tới đây không có những cơ chế đột phá làm cho ngân hàng cảm thấy yên tâm khi cho vay thì nhà đầu tư không thể triển khai được dự án", ông nhấn mạnh.

Cụ thể, theo ông Dũng, dự thảo Luật PPP cần giải quyết thấu đáo vấn đề Nhà nước chia sẻ rủi ro doanh thu và ngoại tệ với nhà đầu tư để bảo đảm tính khả thi của dự án PPP, qua đó củng cố niềm tin cho cả nhà đầu tư và tổ chức tín dụng.

Dự luật PPP: Phải làm các ngân hàng yên tâm rót vốn cho vay - Ảnh 2.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: TL

Bên cạnh đó, chuyên gia của ADB cho rằng cần có dòng ngân sách riêng cho các dự án PPP (phần vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP) thay vì hoàn toàn tuân theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư công như dự thảo Luật PPP đang thể hiện.

Ông Phan Vinh Quang dẫn kinh nghiệm của Indonesia.

Thay vì cung cấp bảo lãnh chính phủ miễn phí, Indonesia thành lập công ty bảo lãnh cơ sở hạ tầng, trực thuộc Bộ Tài chính, chuyên cung cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án PPP.

Công ty này cung cấp bảo lãnh cho các dự án PPP và thu phí bảo lãnh. Sau 10 năm hoạt động, công ty đã cung cấp bảo lãnh cho 21 dự án PPP tại Indonesia với tổng trị giá 14,7 tỉ USD.

Tính đến hết năm 2018, sau 10 năm thành lập, vốn chủ sở hữu tại công ty là 670 triệu USD và 37,5% số này là từ lợi nhuận để lại.

Theo ông Quang, nếu làm theo cách của Indonesia, Nhà nước sẽ có một nơi tập trung nguồn lực và trí lực để thực hiện tốt việc quản lý rủi ro và cung cấp bảo lãnh theo quy trình chuẩn, thống nhất.

Việc này bảo đảm kỷ luật, minh bạch và hiệu quả cho toàn bộ quá trình và rủi ro ngân sách không nhiều và tiên liệu được. Còn đối với tư nhân, họ có yên tâm được một định chế của Nhà nước bảo lãnh, tất nhiên họ phải trả phí.

"Cũng nhờ được bảo lãnh mà một số dự án sẽ tăng tính khả thi cũng như khả năng vay vốn ngân hàng dễ hơn nhiều", ông Quang phân tích.

Cần nhiều cơ chế giám sát các dự án PPP Cần nhiều cơ chế giám sát các dự án PPP

TTO - Các chuyên gia cho rằng phải tạo hành lang pháp lý để cộng đồng dân cư có thể giám sát các dự án PPP trong quá trình xây dựng và khai thác, kết quả giám sát phải có giá trị ràng buộc các bên tham gia.

TIẾN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên