09/03/2017 08:29 GMT+7

TP.HCM nên là "thành phố không ngủ" để phát triển du lịch?

VIỄN SỰ - MAI HOA
VIỄN SỰ - MAI HOA

TTO - “Điểm yếu của TP.HCM là thiếu chiến lược phát triển du lịch, chúng ta đã bàn nhiều nhưng sản phẩm chưa có” - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến thẳng thắn đánh giá.

Vẫn còn ít điểm chơi đêm ở TP.HCM cho khách du lịch. Trong ảnh: Khách Tây đi dạo trên phố Bùi Viện, Q1 - Ảnh: Hữu Khoa
Vẫn còn ít điểm chơi đêm ở TP.HCM cho khách du lịch. Trong ảnh: Khách Tây đi dạo trên phố Bùi Viện, Q1 - Ảnh: Hữu Khoa

“10 điểm đến thu hút nhiều khách nhất năm 2016 ở Đông Nam Á không có TP.HCM. Cần xác định mục tiêu lượng khách đến là bao nhiêu, để xác định mức đầu tư

Ông Nguyễn Quốc Kỳ (tổng giám đốc Viettravel)

Ngày 8-3, trong hội nghị triển khai nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn và chỉ thị số 07-CT/TU của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM về phát triển du lịch đến năm 2020, ông Tất Thành Cang - phó bí thư thường trực Thành ủy - đánh giá đây là hội nghị triển khai nghị quyết Đảng “rất đặc biệt” về sự cởi mở khi ngoài những lãnh đạo chủ chốt sở ngành, quận huyện, Thành ủy TP.HCM đã mời cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài...

“Đơn giản hóa thủ tục nữa được không?”

Đó là câu hỏi được ông Scott Hodgetts - tổng giám đốc khách sạn Sheraton Saigon - hỏi lãnh đạo TP.

Được mời đại diện cho các doanh nhân nước ngoài phát biểu, ông Scott Hodgetts đã dành nhiều ưu ái khi nhận xét về du lịch TP như: thị trường còn nhiều mới mẻ và “kích thích hội nhập”, nhiều cơ hội quảng bá với khách quốc tế...

Tuy nhiên, ông cũng mang đến băn khoăn: Năm 2016, khách sạn Sheraton Saigon đón khoảng... 13 đợt thanh tra, kiểm tra lớn nhỏ từ các sở, ban ngành TP, trong đó nhiều cuộc có nội dung trùng lắp hoặc phát sinh những nội dung khiến đơn vị này không kịp chuẩn bị hồ sơ.

Trong 4 năm liên tục, khách sạn đều đăng ký bán bánh trung thu nhưng mỗi năm đoàn kiểm tra lại đưa ra thêm những yêu cầu khác nhau.

Ông Scott Hodgetts cũng cho biết khách hàng thường có phản hồi liên quan đến việc xin visa cũng như quy trình thông quan hàng hóa hội nghị nhập vào VN khi tổ chức sự kiện tại TP.HCM.

“Các vị có thể đơn giản hóa các thủ tục được không? Vậy sẽ dễ dàng hơn cho chúng tôi trong việc thuyết phục khách chọn VN - TP.HCM thay vì các địa điểm khác” - ông nói.

Ngán kẹt xe, thiếu điểm nhấn

Ông Phan Xuân Anh, chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, đánh giá du lịch TP.HCM hiện nay không có điểm nhấn vì chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà... cũng không phải là điểm nhất định phải đến trong đời.

“Khách du lịch quốc tế nói TP.HCM đang mất đi sự cổ điển, giờ là “mega city” - siêu đô thị, bước ra là thấy nhà cao tầng. Họ cảnh tỉnh mình như vậy” - ông Phan Xuân Anh nói.

Theo ông Phan Xuân Anh, có những quy định liên quan du lịch vô lý, “chính mình tự cột tay mình!”.

Ông dẫn chứng: Muốn mở trường trung cấp nghề đào tạo về du lịch phải có 15 tỉ đồng đặt cọc và phải có mặt bằng 1ha trong nội thành. Nếu ở ngoại thành phải 2ha. Có tiền cũng không thể nào kiếm được chừng đó đất.

Hoặc Cần Giờ nhiều tiềm năng nhưng quy định là khu vực biên giới hải đảo nên muốn đưa khách tới đó phải xin giấy phép. Trong khi từ Vũng Tàu xuống Cần Giờ chỉ 10 phút đi tàu...

Nói đến mua sắm, bà Dương Thanh Thủy - giám đốc thương hiệu mua sắm Miss Áo Dài - cho rằng các đơn vị kinh doanh mua sắm hiện nay rất manh mún, thiếu liên kết và tình trạng kẹt xe là một thách thức lớn. Bà cho biết các đoàn du lịch thường di chuyển trên xe 50 chỗ, mà ở TP.HCM di chuyển xong có thể đã hết thời gian mua sắm.

“Chúng tôi muốn TP hỗ trợ về pháp lý và quỹ đất, chúng tôi sẽ liên kết làm một trung tâm mua sắm để tất cả khách du lịch sẽ đến đó mua được tất cả sản phẩm của VN, kết hợp với ăn uống” - bà Thủy kiến nghị.

Bà Thủy khẳng định nếu TP có hành lang pháp lý tốt, tạo điều kiện về quỹ đất... thì việc thu được của mỗi khách từ 500-1.000 USD qua mua sắm là trong tầm tay.

Chấm dứt “mẹ hát con khen hay”

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh La Thăng - bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng du lịch TP muốn vượt lên với các nước, các TP trong khu vực thì cần chấm dứt tình trạng “mẹ hát con khen” mà mạnh dạn đưa ra chỉ tiêu cao để thực hiện.

Ông Thăng yêu cầu phải đánh giá đúng tiềm năng, đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, thương hiệu của TP và liên kết vùng với các tỉnh khác cũng như khu vực Đông Dương.

Nói về việc Thành ủy TP.HCM triển khai nghị quyết Đảng theo hướng cởi mở như tại hội nghị, ông Đinh La Thăng nói: “Đây là cách triển khai nghị quyết ngắn nhất, nhanh đi vào cuộc sống nhất”.

Ông Tất Thành Cang cho biết lãnh đạo TP xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác.

“Riêng TP.HCM đã chính thức xác định điều này trong các văn kiện đại hội hơn 30 năm nay” - ông Cang nói và cho rằng những hạn chế của ngành du lịch chủ yếu là từ quản lý điều hành và cơ chế chính sách.

Việc các ngành nghĩ làm du lịch là chuyện của Sở Du lịch, ông Cang nhấn mạnh đó là tư duy cũ, đồng thời yêu cầu cả hệ thống, mỗi ngành đều phải tham gia.

“Trung ương, Bộ Chính trị đã có nghị quyết, vấn đề còn lại là hành động của mỗi chúng ta” - ông Tất Thành Cang nhấn mạnh.

“Thành phố không ngủ”

Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn ( Saigontourist), cho biết du khách đánh giá sản phẩm du lịch về đêm hiện nay của TP còn nhiều hạn chế, đơn điệu. Do vậy, cần tạo ra các điểm vui chơi sôi động, tạo ấn tượng cho du khách về một “TP không ngủ”.

Ông Tài cho rằng TP cần tạo thêm nhiều sự kiện, dịch vụ vui chơi giải trí, thời trang, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, lễ hội ánh sáng, mua sắm quy mô và tổ chức ít nhất 1 tháng một sự kiện. Việc này cần tổ chức định kỳ, thông tin sớm đến với du khách.

VIỄN SỰ - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên