07/12/2014 13:31 GMT+7

​Tìm đường cho ẩm thực Việt cất cánh

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Đi chơi, đi du lịch, sau những lúc thỏa thích cùng núi non, sông nước, hoa cỏ, đến lúc tìm quán, chọn món ăn, thế nào cũng có bạn buông câu nói: “Đi đâu rồi cũng nhớ về Sài Gòn”. 

Bà Trần Thị Quyên (phải) giới thiệu các sản phẩm từ trái nhàu rừng Yokdon - Ảnh: Tự Trung
Bà Trần Thị Quyên (phải) giới thiệu các sản phẩm từ trái nhàu rừng Yokdon - Ảnh: Tự Trung

Vì ở Sài Gòn muốn ăn gì cũng có. Nhiều năm nay, cứ cuối năm Sài Gòn lại có lễ hội ẩm thực “Món ngon các nước”. 

Nhưng đến lễ hội ẩm thực không phải chỉ để ăn…

Vừa đi, vừa ăn, vừa xem, vừa học…

Mấy ngày này trời chiều lòng người, Sài Gòn không mưa, nắng cũng không gắt, gió hây hây, hàng ngàn người chen chân đến công viên 23-9. Hàng trăm gian hàng, hàng ngàn món ăn với hàng ngàn màu sắc, mùi vị hội tụ thi nhau làm vừa lòng những người Sài Gòn sành ăn.

Chẳng mấy ai ngồi xuống bàn. Thực khách lại được thong dong đi từ chợ Thái sang phố Nhật, từ chợ miền Tây đến phố Tây thì… sao mà không đi? Món nướng thì xiên que, món chiên thì hộp xốp, món nước thì ly nhựa, thực khách cứ vừa tản bộ, vừa thưởng thức, vừa đi tìm một món mới. 

Gian hàng của Banana Leaf luôn được bao vây bởi vòng trong vòng ngoài trẻ em người lớn, nam phụ lão ấu. Ai nấy say sưa đứng nhìn những ngón tay điêu luyện của các đầu bếp múa trên miếng bột làm bánh roti. Chỉ ba lần nâng lên đập xuống, cục bột bằng ba ngón tay đã trải ra thành một tấm bánh mỏng tang, tròn đều, trong suốt.

Nhìn vào ánh mắt say mê, thán phục của các thực khách xung quanh, đứng rất lâu mà không nghe ai phàn nàn, mới hiểu bánh roti của Malaysia nổi tiếng không chỉ vì vỏ bánh giòn xốp hay nhân bánh mềm dai, đủ mùi vị mà trước hết là vì những ngón tay điêu luyện này. 

Màn trình diễn tung hứng với chiếc bàn sản, quả trứng, ấm rót dầu, hũ tiêu, hũ muối như trên sân khấu xiếc của anh đầu bếp trẻ nhà hàng Nhật Kissho thu hút hàng trăm người đứng nhìn không chớp  mắt với những tiếng “ồ, à” liên tục.

Mấy cậu bé bắt chước đứng múa tay, mấy bà mẹ bảo nhau “đợi xem cuối cùng là món gì”, một cô gái mạnh dạn bước lên, run run cầm cái xẻng chiên thử xoay, tung và hứng quả trứng. Kết quả tất nhiên là quả trứng rơi xuống đất vỡ nát trong tiếng cười ồ của mọi người. 

Anh đầu bếp cười: “Tôi học việc đã làm vỡ mấy rổ trứng”, rồi anh tiếp tục màn biểu diễn băm, trộn trên món trứng tráng trước khi bỏ những vật liệu khác vào. 

Chôn chân cả buổi trong đám đông và còn xoay xở chụp ảnh, ghi chép cẩn thận vào sổ tay để phục vụ cho bài thu hoạch, Quỳnh, sinh viên Trường cao đẳng Du lịch Sài Gòn, nhận xét: “Các món ăn Việt Nam ngon hơn nhưng biểu diễn kỹ thuật nấu nướng thì chưa hấp dẫn bằng”, có lẽ còn phải thêm vào đó là hình thức trình bày, bao gói cũng chưa bằng nữa.

Ai đã từng mua những chiếc bánh mochi Nhật Bản được đặt trang trọng trong hộp giấy cứng, bán trong nhà hàng sang trọng sẽ xót ruột mà nhớ đến những tấm bánh cũng bột gạo, đậu xanh, đậu đỏ gói trong lá chuối bán ở chợ quê VN. Cũng ngần ấy nguyên liệu mà giá trị cách nhau xa quá. 

Tôi đến từ rừng Yokdon

Cuộc thi làm bánh truyền thống với những tấm bánh nếp cuộn thành bông hoa hồng, những bánh chưng, bánh tét, bánh dừa, bánh khoai vuông vức trong lá dong, lá chuối, lá dừa quen thuộc. Vẫn chưa đủ để nâng vượt lên giá trị hạt gạo Việt.

“Các bạn phải làm ra sản phẩm vừa hiện đại lại vừa truyền thống”, lời một cậu bạn người Mỹ đề xuất trong một lần nói chuyện trước đó đã dẫn chân chúng tôi đến với gian hàng Yokdoni trong khu vực của sản vật Đắk Lắk. 

“Đây là các sản phẩm từ trái nhàu rừng Yokdon”, cô gái duyên dáng trong bộ váy trang phục công sở mỉm cười giới thiệu. Đôi chân mày đậm xếch và ánh mắt đen thẳm khiến người bạn đi cùng không thể không hỏi: “Em có phải người dân tộc?”. “Vâng, em là người Êđê, tên H’Wian Niê”, cô gái tự giới thiệu đầy tự hào.

Nước cốt trái nhàu, rượu vang trái nhàu được đóng chai thủy tinh, đựng trong hộp gỗ thông sang trọng, những bình rượu gốm nhiều màu như món quà gói sẵn, những bình rượu tí hon xinh đẹp để trang trí, viên chocolate nhân rượu trái nhàu đặt trong hộp giấy thắt nơ… 

Bà Trần Thị Quyên kể về đam mê chế biến thực phẩm của bà từ ngày còn nhỏ, khi sống trong hiệu thuốc của ông nội ở Huế. Lớn lên, học ngành kinh doanh nhưng lại tốt nghiệp ngay vào thời bao cấp, nghèo, cực lại không có việc làm chuyên môn, vợ chồng bà đến Buôn Ma Thuột lập nghiệp.

“Mở một quán bán hàng lèo tèo kiếm sống, thấy người dân tộc bán cả gùi chuối giá có một đồng, tôi mua ủ rượu thử. Mấy người khách đến ăn cơm, mời chén rượu, họ uống khen ngon và bảo tôi: Làm rượu bán đi”.

Từ đấy bà có nghề ủ rượu bên cạnh quán cơm Huế. Rượu chuối, rượu nho, rượu cam… bà ủ trong thẩu, cất trong bếp rồi chiết ra chai bán cho làng xóm, hợp tác xã.

“Cứ vậy mấy mươi năm ky cóp nuôi con. Rồi con đi học nước ngoài. Sang thăm con, đi siêu thị thấy nước trái cây, rượu vang của họ đắt quá, mà rượu của mình đâu thua kém gì.

Tôi nhớ trái nhàu quê mình mọc dại mà tiếc. Rồi con trai về nước làm dự án trong rừng Yokdon. Đi khảo sát, thấy trái nhàu rừng mọc bạt ngàn, đem phân chất thì hơn xa nhàu thường. Từ đó, tôi mày mò làm rượu trái nhàu, con trai mang sở học của nó để làm marketing”. 

Từ quán cơm gia đình Quyên Quyên mà Công ty TNHH kỹ nghệ thực phẩm Quyên Quyên đã được thành lập, trái nhàu từ trong rừng Yokdon heo hút đã biến hình thành rượu, thành chocolate thật hiện đại để xuống phố.

“Chúng tôi đã xuất được sản phẩm sang Hàn Quốc và đang làm việc với một số đối tác Nhật. Hi vọng sản phẩm này sẽ giúp cải thiện được đời sống người dân trên ấy” -  anh Nguyễn Bách Việt, giám đốc công ty, con trai bà Quyên, nói đầy tự tin. 

Mua chai rượu và vài viên chocolate về với ý định sẽ gửi cho anh bạn người Mỹ, lòng chúng tôi thật vui. Rồi sẽ đến ngày những tấm bánh Việt Nam cũng sẽ được bao gói đi xa, không chỉ làm ấm lòng người xa quê mà còn làm ngạc nhiên khẩu vị người xứ lạ. Văn hóa ẩm thực sẽ không chỉ ẩn khuất nơi góc bếp, quán chợ mà cũng sẽ chu du, cất cánh. 

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên