23/03/2015 09:52 GMT+7

Thưa thớt du khách ngoại, du lịch VN hết hấp dẫn?

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Ngay thời gian cao điểm phục vụ khách nước ngoài vào VN,  theo Tổng cục Du lịch VN, lượng du khách quốc tế đến VN trong hai tháng đầu năm nay giảm 10,6%.

Du khách nước ngoài tham quan cồn Thới Sơn (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) - Ảnh: Lê Nam

Ngay trong thời gian cao điểm phục vụ khách nước ngoài vào VN (inbound), theo Tổng cục Du lịch VN, lượng du khách quốc tế đến VN trong hai tháng đầu năm nay vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng điểm đến du lịch VN không hấp dẫn du khách?

Nhiều điểm đến du lịch dành cho du khách quốc tế ở các tỉnh miền Tây dịch vụ gần như không có gì thay đổi nhiều năm qua, trong khi đó tại nhiều nơi khác, du khách than phiền tình trạng ô nhiễm, thiếu thông tin...

Theo chân một đoàn du khách nước ngoài, PV Tuổi Trẻ đã ghi nhận và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao khách ngoại ít quay lại VN?

Nhiều du khách khó chịu khi đi du lịch VN chính là thông tin ít hơn hẳn Campuchia và Thái Lan. Ngay cả ở nơi tôi kỳ vọng sẽ có nhiều thông tin, tờ bướm, hướng dẫn các điểm đến du lịch tại VN là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì tôi cũng lại thất vọng
Bà KATHERINE RAINGER (quốc tịch Úc)

Sản phẩm nghèo nàn

Đón chúng tôi bằng một nụ cười rất tươi, chị Ngô Nguyễn Thúy Oanh - hướng dẫn viên Công ty du lịch sinh thái Tiền Giang - niềm nở đưa nhóm khách xuống chiếc tàu gỗ đang đậu chờ ở bến tàu du lịch Mỹ Tho (Tiền Giang).

Cả bến lúc này có khoảng chục chiếc tàu đang chờ du khách, mấy cô hướng dẫn viên rảnh rỗi ngồi mở điện thoại chơi game, hai cô nhân viên bán hàng lưu niệm bỏ quầy thư thả buông cần câu cá ngay mép rào chắn sau lưng quầy hàng của mình.

“Khách vắng lắm, khách Nhật chẳng thấy mà khách Tây còn thưa thớt hơn trong khi giờ này năm ngoái tụi tui bận rộn dữ lắm” - ngồi trên tàu chở du khách băng ngang sông Tiền hướng về cồn Thới Sơn, chị Oanh than thở. Gần 20 năm làm hướng dẫn viên ở đây, chị Oanh cảm nhận rõ sự thay đổi về lượng khách đến bến tàu này.

Ngồi ở điểm bán mật ong Hoa Nhãn (ấp Thới Thạnh, Thới Sơn, TP Mỹ Tho) chờ khách nghỉ ngơi uống trà mật ong, chị Oanh giải thích vì sao khách quốc tế đến ít dần: “Dịch vụ mình kém quá, nhiều năm qua làm hướng dẫn viên ở đây tôi không thấy có sản phẩm du lịch gì mới cung cấp cho du khách, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có uống trà mật ong, ăn trái cây, nghe ca vọng cổ, chèo xuồng... trong khi du lịch theo tôi hiểu đa dạng dịch vụ lắm”.

Sau nhiều năm cùng chồng đầu tư mua tàu chở khách du lịch tham quan các cồn xung quanh sông Tiền, chị Thùy Linh quyết định đầu tư hơn 200 triệu đồng để mở điểm bán trà mật ong Hoa Nhãn.

Chủ quán Hoa Nhãn cho biết khu nghỉ chân có thể phục vụ cùng lúc khoảng 200 khách, hoạt động được ba năm và được đầu tư giống hệt mô hình kinh doanh của bốn điểm dừng chân tương tự đang hiện hữu ở cồn Thới Sơn với các dịch vụ: cho xem và cầm tổ ong mật, chụp hình với trăn, bán mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa, rượu thuốc và các loại mứt.

Khu bán đồ lưu niệm cuối vườn chị Thùy Linh để cho em trai bán các loại túi xách, áo thun... “Thấy người ta làm sao thì tôi làm vậy thôi, làm mới làm chi mà cũng không biết làm gì” - chị Linh chia sẻ.

Chiếc tàu mang số hiệu TG0058 chở 11 khách Mỹ, Úc, Thụy Sĩ và Indonesia đã có gần 20 năm tuổi rẽ sóng lướt ngang qua cồn Phụng.

Chị Oanh chỉ về phía nhà hàng Diễm Phượng với mái ngói đỏ lấp ló giữa lùm cây cho biết nhiều năm trước nhà hàng này là nhà lá và chỉ được nâng cấp sau khi lượng khách tụt giảm. “Phải chi có nhiều nhà đầu tư mới, nâng cấp các loại hình dịch vụ ở khu vực này chắc chắn chất lượng dịch vụ ở đây sẽ nâng cao hơn, khách chắc cũng đến nhiều” - chị Oanh tâm sự.

Tài công đồng thời là chủ chiếc tàu TG0058 Nguyễn Thanh Vũ đã có 14 năm lái tàu du lịch ở đây cho biết việc đầu tư một chiếc tàu mới để chở khách du lịch là điều rất khó, bởi chủ đầu tư không nhìn thấy khả năng thu hồi vốn nên không ai dám “xung phong”.

Theo anh Vũ, một chuyến chở khách chủ tàu như anh chỉ được trả gần 200.000 đồng mà phải đảm bảo các chi phí nhiên liệu, bến bãi, dừa tươi cho khách uống nên chỉ “đủ tiền chợ mỗi ngày thôi”.

Liếc nhìn cả chiếc tàu anh đang chở khách có lẽ chỉ có 12 chiếc ghế sắt bọc nhựa đóng chặt xuống sàn tàu là còn tương đối mới, mọi thứ còn lại đều đã “có tuổi”, cũ kỹ, ván gỗ cong vênh, mái tôn rách, lủng lỗ chỗ...

Du khách nước ngoài cầm tổ ong mật tại một điểm du lịch ở cồn Thới Sơn (Tiền Giang) - Ảnh: Lê Nam

Chẳng có nhiều khác biệt

Đưa máy ảnh lên chụp thêm một tấm ảnh Bưu điện trung tâm TP.HCM sau một vòng tham quan bên trong tòa nhà này, ông Carlo Campisrn - du khách người Ý - cho biết đã cùng bạn gái có bốn tuần đi dọc VN từ Sa Pa, Hà Nội, vịnh Hạ Long, Huế, Hội An.

Là người sinh ra và lớn lên ở thành phố du lịch nổi tiếng Venice của Ý, ông Carlo cho biết mỗi sáng mở cửa ra là đã thấy du khách quốc tế tràn ngập phố.

“Chúng tôi muốn kinh doanh dịch vụ, kiếm tiền từ du khách nên mọi người phải vắt óc nghĩ ra các cách kinh doanh khác nhau, xoáy vào những sở thích, tạo tiện ích để du khách cảm thấy hài lòng, phải để họ hiểu rằng mình được chiều, được cung cấp thông tin, dịch vụ thì lúc đó họ sẵn sàng trả tiền.

Tuy nhiên, dường như tôi chẳng thấy điều này trong suốt gần một tháng lang thang các TP du lịch lớn của VN. Các di tích, điểm tham quan tại VN có nhiều nhưng chưa được đầu tư hấp dẫn nên chỉ xem qua một lần là đủ” - ông Carlo tâm sự.

“Liệu ông có quay lại VN?” - chúng tôi đặt câu hỏi. Ông cho hay hiện chưa hề nghĩ đến dù phong cảnh VN đẹp nhưng ô nhiễm quá.

“Ở Hạ Long vẫn thấy rác nổi lềnh bềnh trên biển, phố ở Hà Nội cũng thấy nhiều rác. Khi lang thang ngắm cảnh chúng tôi luôn bị những người bán hàng rong chèo kéo, mời chào... Chưa kể với những du khách không theo tour như chúng tôi, di chuyển từ nơi này đến nơi khác bằng phương tiện vận chuyển công cộng chưa thật sự thuận tiện vì thiếu thông tin” - ông Carlo phân tích.

Tổng giám đốc một công ty lữ hành quốc tế lớn tại VN cho rằng nếu chỉ so sánh với những quốc gia trong khu vực, chưa nói đến các quốc gia lớn khác, VN đã quá lạc hậu.

Các công ty du lịch như công ty ông mỗi năm đều được đối tác Thái Lan gửi thông tin giới thiệu họ đã có thêm ít nhất năm điểm du lịch mới từ lớn đến nhỏ. “Trong khi chương trình tour đến VN nhiều năm liền các đối tác chẳng giới thiệu nổi chương trình tour có thay đổi, đầu tư mới” - vị tổng giám đốc này nói.

Theo ông Phạm Hà - nhà sáng lập, giám đốc Công ty Luxury Travel (Hà Nội), chuyên đón khách du lịch cao cấp, có nhiều lý do khiến khách quốc tế ít chọn VN, trong đó có việc quảng bá và tiếp thị du lịch VN chưa tốt, khách hàng thiếu thông tin về điểm đến và sản phẩm mới.

“Tôi nghĩ khách ít chọn du lịch VN vì thái độ làm du lịch không nghiêm túc của chúng ta và dịch vụ không được cải thiện, điểm đến ô nhiễm” - ông Hà phân tích.

Dự báo khách Nga sẽ giảm 40%

Ông Nguyễn Đức Tấn, giám đốc điều hành Công ty Anex Tour VN chuyên đón khách Nga, cho biết tình hình kinh tế khó khăn, đồng rúp mất giá đã khiến lượng khách Nga đi du lịch nước ngoài giảm hẳn. Ông Tấn dự báo năm 2015 lượng khách Nga đến VN sẽ giảm ít nhất 40%.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Khoa - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, lượng khách Nga đến Bình Thuận đang sụt giảm, dự kiến năm 2015 tổng lượng khách Nga đến Bình Thuận sẽ giảm mạnh, có thể hơn 60% so với năm ngoái.

Thống kê của Tổng cục Du lịch VN (VNAT) cho thấy riêng thị trường khách Nga hai tháng đầu năm chỉ có hơn 68.000 lượt khách đến VN, giảm 25,7% so với hai tháng cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê của VNAT cho thấy một số quốc gia và vùng lãnh thổ có khách đến nước ta giảm nhiều: Trung Quốc giảm 40,3%, Đài Loan giảm 27,4%, Hong Kong giảm 51%, Campuchia giảm 13,1%, Thái Lan giảm 11,1%, Malaysia giảm 14,8%...

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên