07/05/2015 15:01 GMT+7

​Ký ức Điện Biên

THỦY TRẦN
THỦY TRẦN

TTO - Nhiều người nhớ về Điện Biên với chiến thắng chấn động địa cầu năm 1954. Tuổi trẻ chúng tôi còn nhớ về Điện Biên với những ký ức hành trình… Hành trình bốn mùa và một điểm nhấn: tháng 5.

Trẻ em chơi trên đèo Pha Đin cũ - Ảnh: Thủy Trần

Đã gần 10 năm trôi qua kể từ cái lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Điện Biên. Dân đi bụi hồi đó không nhiều như bây giờ. Lại lang thang bằng xe máy lên tận phía tây biên giới vào dịp tết thì càng hiếm. 

Mùa xuân sông Mã, Nậm Na

Một ngày mùa xuân dài nhọc nhằn trên con đường bụi mù và gập ghềnh đá sỏi, ngược dòng sông Mã đi Sam Mứn - Điện Biên Đông.

Một đêm đặc quánh và vắng lặng trên đường 279 khi ba chiếc xe lầm lũi nối đuôi nhau chạy về phía Tây Trang, đơn giản chỉ là chạy đến chiếc barie biên giới, chào người lính trực ban vài câu rồi vội vã quay về thành phố. Ngày ấy, Tây Trang chưa phải là cửa khẩu quốc tế, đường vẫn còn đang mở ngổn ngang.

Mồng 4 tết. Chúng tôi nắm tay người Thái múa xòe quanh gốc cây gạo đỏ, ăn bánh chưng đen của người Thái ở Bó Sinh, đón chiều xuống trên đèo Keo Lôm, bỏ lại sau lưng dòng sông Mã anh hùng mùa nước cạn.

Quốc lộ 12 nối Điện Biên và Lai Châu chạy dọc theo sông Nậm Na, hai bên là núi rừng Tây Bắc mênh mang, hùng vĩ. Lần đầu tiên tôi biết đến “Đông Dương đệ nhất cầu” - cây cầu dây văng lớn nhất miền bắc - Hang Tôm.

Hang Tôm với nhiều dân đi bụi trong những năm qua đã trở thành một ký ức quý giá. Không chỉ bởi vẻ đẹp lộng lẫy của nó khi thực hiện sứ mệnh lịch sử nối giữa bên này Mường Lay (Điện Biên) với bên kia Mường So, Phong Thổ (Lai Châu), mà còn bởi vì giờ đây cây cầu ấy đã nằm sâu trong triệu triệu mét khối nước của thủy điện Sơn La.

Cảm giác khi đứng trên cây cầu sắp biến mất thật khó tả, vừa yêu thương, vừa bâng khuâng, lưu luyến. Thấm thía thế nào là “Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”.

Cầu tre trên sông Mã - Ảnh: Thủy Trần

Thủy điện Sông Mã do người dân tự làm

Người Thái ở Sông Mã

 

Mùa hè Pha Đin

Chúng tôi luôn dừng lại trên đèo Pha Đin (nối Sơn La với Điện Biên) như một thứ nghi thức không lời của dân phượt. Tôi say mê cái cảm giác đứng trên lưng chừng núi, nhìn xuống con đường cong cong như một dải lụa đào, giơ máy ảnh lên và những chiếc xe của bạn đồng hành vụt qua.

Đèo Pha Đin dài, thưa dân, ngoằn nghèo, hiểm trở. Thế nên tìm được một nhà dân trên đèo xin nấu nhờ bữa ăn trưa quả là đắc ý.

Người Mông ở đây ít nói, rất lành, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ khách lỡ độ đường. Họ mang bếp, nồi, bát đũa cho mượn, mang cả rau cỏ cho ăn rồi tranh thủ ngồi thêu dưới nắng. Họ sống đơn giản nhưng đã khiến chúng tôi ấm áp vô cùng.

Mùa hè Pha Đin. Nắng rất vàng và Điện Biên rất xanh. Tôi có một đôi bạn nên duyên từ những chuyến đi, họ muốn chụp một bộ ảnh cưới đời thường trên một trong tứ đại đỉnh đèo phía Bắc. 

Chúng tôi ngược dốc lên đường 6 cũ, ở đó có Pha Đin xưa với những khúc cua chóng mặt và chật hẹp nay đã không còn tham gia giao thông.  

Với độ cao trung bình 1.200 - 1.500m, con đèo cũ mang lại cho người lữ khách một tầm nhìn khoáng đạt và bát ngát.

Bạn tôi hái hoa mua làm hoa cưới, nô đùa cùng bọn trẻ chăn trâu, chú rể đèo cô dâu trên chiếc xe - chiến mã, cùng đám bạn tiền hô hậu ủng trong màu áo cờ đỏ sao vàng…

Đèo Pha Đin huyền thoại nay - Ảnh: H.TR.

Mùa vàng Điện Biên

Điện Biên mùa thu. Đứng trên đỉnh đồi A1 huyền thoại giữa buổi trưa vàng nắng, nhìn những du khách Tây, ta say sưa khám phá những chiến hào ngoằn ngoèo hay hào hứng chụp hình bên xác chiếc xe tăng Chaffee 24 trong tôi bỗng dâng lên một cảm xúc thật khó tả. 

Cảm giác ấy càng đặc biệt khi đứng trên tượng đài chiến thắng Điện Biên trong buổi chiều lộng gió ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Mường Thanh vàng rực màu lúa chín. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra ôm lấy các di tích lịch sử của trận chiến ngày nào. 

Cuối tháng 9, lúa mùa trong lòng chảo Mường Thanh đã bắt đầu chín rộ. Một mùa vàng lại về, cả thung lũng chiến trường xưa ngày nào giờ rực lên trong tấm thảm vàng lộng lẫy. Những di tích lịch sử xưa nằm chìm khuất trong lòng thành phố Điện Biên Phủ hiện đại, trong màu vàng ấm no, hạnh phúc như một nhắc nhớ rằng quá khứ đã lùi xa...

Và đến lúc đấy tôi cũng chợt nhận ra ký ức Điện Biên trong mình luôn lấp lánh những chuyến hành trình.

Toàn cảnh cánh đồng Mường Thanh mùa lúc chín nhìn từ tượng đài chiến thắng Điện Biên - Ảnh: H.TR.

Du khách nước ngoài khám phá chiến hào xưa trên di tích đồi A1 - Ảnh: H.TR.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh: H.TR.

Mùa đông A Pa Chải

Mùa đông năm ấy, mùa trở lại. Lần đầu tiên có đoàn du khách gánh gồng xe máy từ Hà Nội lên Mường Nhé, qua đồn biên phòng Leng Su Sìn, vượt suối Sín Thầu vào tận A Pa Chải. Hành trình chinh phục ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung năm ấy có vô số trải nghiệm cùng… xe cộ. 

Thoạt tiên là chuyện đi bộ từ Sín Thầu ra tận Chung Chải để mua xăng, thậm chí phải chặn cả xe sửa đường để xin nhiên liệu. Đoàn phải bỏ lại một chiếc xe máy bên lề đường, hai ngày sau quay ra chiếc xe vẫn nằm im trong bụi cỏ. 

Đêm trở về Chà Cang, người phải vào trạm biên phòng ngang đường ngủ nhờ, 2g sáng cả nhóm vẫn co ro trên đèo sửa xe, đội hình tan tác. Tiếp tục một chiếc xe chết máy trên đèo Cò Chạy ngay cửa ngõ vào thành phố Điện Biên buộc chúng tôi phải gọi xe tải lên đón cả xe và người. 

Rất nhiều sự cố đã xảy ra, đường đến cực tây đầy rẫy những bất ngờ.

Cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á thuở nào - Ảnh: Thủy Trần

 

Trạm kiểm soát Biên phòng A Pa Chải năm 2006 còn rất đơn sơ - Ảnh: Thủy Trần

Năm 2006 đường vào A Pa Chải còn rất khó khăn, vất vả - Ảnh: Thủy Trần

                                                                                  ****

Mỗi khi có dịp ngồi ôn lại kỷ niệm, bạn bè tôi vẫn tự hỏi điều gì đã thôi thúc chúng tôi đi về miền đất ấy? Vì ở đó có điểm mốc ngã ba biên giới? Vì thói quen ham chơi hay vì một điều khó diễn tả bằng lời trong ngực trái? 

Có lẽ vì tất cả để ai cũng được trải nghiệm những năm tháng thanh niên sôi nổi, được tỉnh giấc trong tiếng hô của lính biên phòng 405 khi các anh tập thể dục buổi sáng “Khỏe để bảo vệ Tổ quốc”. Được chung tay và cạn những ly rượu ngô trong vắt với chiến sĩ và đồng bào, ăn cơm gạo đỏ với thịt lợn bản. 

Được gặp mặt và trò chuyện với huyền thoại Pờ Xì Tài, chủ tịch UBND xã Sín Thầu Pờ Dần Sinh và trưởng bản Tá Miếu - bản cực tây Tổ quốc Mạ Gió Tư. Và một tháng sau đó, chúng tôi quay lại mảnh đất của người Hà Nhì, thực hiện lời hứa xây dựng “Thư viện văn hóa A Pa Chải” - như gửi một chút tình về với biên cương.

Bạn kể bây giờ đường vào A Pa Chải đã thênh thang lắm, ôtô vào tận Tá Miếu, lên cả cột mốc số 3. Du lịch Điện Biên ngày càng hấp dẫn với điểm dừng chân mơ ước của bao người, nơi hình ảnh “một con gà gáy ba nước đều nghe tiếng” đã thật sự bước từ trang sách ra đời...

THỦY TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên