25/03/2015 13:54 GMT+7

Khó phát triển du lịch nếu “mạnh ai nấy làm” 

LÊ NAM ghi
LÊ NAM ghi

TT -  Hoạt động quảng bá du lịch cần chuyên nghiệp hơn, đồng thời VN cần cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ để hấp dẫn du khách.

Du khách nước ngoài tham quan sông rạch ĐBSCL - Ảnh: Lê Nam

Trong khi lãnh đạo ngành du lịch khẳng định sẽ tăng cường công tác quảng bá để kéo khách đến VN, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia ngành du lịch cho rằng hoạt động quảng bá cần chuyên nghiệp hơn, đồng thời VN cần cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ để hấp dẫn du khách.

* Ông PHẠM TRUNG LƯƠNG (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch VN):

Thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động quảng bá

Du lịch vốn là ngành kinh tế tổng hợp nên chịu sự tác động của nhiều ngành khác, trong khi nền kinh tế của VN vận hành theo kiểu “ngành nào biết ngành nấy”, chạy theo thành tích nên có thể là “thành tích” của ngành này nhưng lại gây hậu quả cho ngành khác. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch.

Chẳng hạn, thành tích doanh thu của ngành hàng không gắn với việc tăng giá vé máy bay đồng loạt, tăng không cần phân biệt khách du lịch hay không sẽ làm giá tour VN không thể cạnh tranh được. Tương tự, chính sách visa có thể đem lại “thành tích” cho ngành ngoại giao thông qua việc thu phí visa song lại hạn chế khách quốc tế đến VN...

Trong khi đó, Tổng cục Du lịch (TCDL) chưa thật sự coi trọng công tác nghiên cứu làm cơ sở cho đề xuất các chính sách, chưa chú trọng tập trung tháo gỡ những vấn đề lớn liên quan đến chức năng quản lý nhà nước mà nguồn lực bộ máy chỉ tập trung cho những hoạt động có tính tác nghiệp của các đơn vị sự nghiệp.

Chẳng hạn, các vụ chức năng của của TCDL chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ của chương trình hành động quốc gia, xúc tiến quốc gia trong khi về bản chất đấy là những việc của các đơn vị sự nghiệp (trước đây có thêm Cục Xúc tiến).

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch VN do TCDL tổ chức cũng rất thiếu chuyên nghiệp. Làm quảng bá, xúc tiến du lịch mà không hề nghiên cứu thị hiếu khách hàng muốn gì, mong chờ gì, chưa kể đến “gu” thưởng thức của mỗi thị trường cũng khách nhau.

Tuy nhiên, theo tôi, cũng phải chia sẻ với TCDL vì với cơ chế vận hành và tổ chức trong bộ máy hiện nay rất khó có thể thực hiện được những gì ngành mong muốn. Đây cũng chính là nguyên nhân của tình trạng nhiều địa phương phải “trả lại tên cho em”, tách sở du lịch ra khỏi sở VH-TT&DL mà đi đầu là TP.HCM.

* Ông VÕ ANH TÀI (tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist): 

Tăng cường chất lượng dịch vụ

Các đối tác nước ngoài hiện nay đều yêu cầu các tour du lịch VN có chính sách giá cạnh tranh, khuyến mãi ngắn và dài hạn để thu hút sức mua và đảm bảo lợi nhuận để họ có thể đầu tư, tập trung nguồn lực để đẩy mạnh tiếp thị bán sản phẩm.

Để đáp ứng được các yêu cầu này, theo tôi, VN phải có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau (lữ hành, hàng không, lưu trú, vận chuyển, điểm đến du lịch tham quan, ăn uống...), giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành du lịch, giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, với các địa phương.

Đặc biệt, cơ quan quản lý du lịch phải tạo được một môi trường cạnh tranh, phát triển lành mạnh, ngăn chặn các loại hình kinh doanh du lịch núp bóng, không phép, trái luật, cạnh tranh bất bình đẳng, bán các sản phẩm du lịch kém chất lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch VN.

Có thể khẳng định rằng dù quảng bá tiếp thị tốt và chuyên nghiệp nhưng nếu sản phẩm không ổn định, giá cao, giao thông quốc tế và nội địa không thuận lợi, thủ tục visa du lịch khó khăn... như hiện nay sẽ làm giảm sức hấp dẫn, cạnh tranh của du lịch VN trên thị trường quốc tế.

* Ông LƯƠNG HOÀI NAM (tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu):

Tạo quỹ phát triển bằng thuế, phí du lịch

Du khách nước ngoài thường chọn điểm đến trước rồi mới chọn các nhà cung cấp dịch vụ ở điểm đến đó. Do đó, điều đầu tiên là phải làm tốt hoạt động quảng bá điểm đến VN, giúp du khách nước ngoài biết đến du lịch VN và muốn đi du lịch VN thay vì đi nước khác.

Theo tôi, cần xem du lịch là ngành kinh tế chiến lược và đặt ra mục tiêu tăng trưởng du lịch cao hơn nhiều trong thời gian tới. Ngành du lịch VN đóng góp trực tiếp 6-7% vào GDP, chưa kể các ngành gián tiếp liên quan đến du lịch (vận tải, mua sắm, ăn uống, giải trí...).

Thế nhưng, sự đầu tư cho du lịch lại rất hạn chế, mỗi năm cần vài triệu USD để quảng bá du lịch VN trên các kênh truyền hình lớn (như CNN, Discovery) cũng không có nguồn, chưa nói gì đến mấy chục triệu USD như các nước khác.

Các cơ quan phát động du lịch Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... hoạt động rất tích cực ở VN để khuyến khích người VN ra nước ngoài du lịch (khoảng 3-4 triệu lượt người mỗi năm), trong khi ngành du lịch VN chưa mở được phòng quảng bá, phát động du lịch ở nước ngoài.

Nếu ngân sách nhà nước không bố trí được nguồn kinh phí thỏa đáng đầu tư cho du lịch, nên tính một cách nghiêm túc đến việc áp dụng thuế hoặc phí du lịch. Tại hàng loạt thành phố châu Âu và Mỹ, thuế hoặc phí du lịch thường được áp dụng cho các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, thuê xe, vận tải hàng không...

VN cũng nên nghiên cứu kinh nghiệm các nước để ban hành và áp dụng thuế, phí du lịch cho các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, hàng không, tạo ra nguồn kinh phí ổn định và tăng dần cho việc đầu tư phát triển du lịch.

Nguồn thu đó phải được sử dụng một cách minh bạch và hiệu quả cho ba nội dung chính: quảng bá du lịch; đào tạo, phát triển nguồn lực du lịch; bảo tồn, phát triển các tài nguyên du lịch.

* Ông HÀ VĂN SIÊU (phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN):

Sẽ đẩy mạnh quảng bá điểm đến VN

Trong năm 2015, ngành du lịch sẽ có những giải pháp trọng tâm đặc biệt về quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, xúc tiến tập trung vào các phân đoạn thị trường mục tiêu ưu tiên Nhật Bản và Hàn Quốc, khai thác triệt để thị trường các nước ASEAN, đồng thời mở hướng thị trường mới đầy tiềm năng, đó là Ấn Độ và Indonesia.

Thực hiện chiến dịch kích cầu du lịch nội địa với khẩu hiệu: Người VN ưu tiên đi du lịch VN - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc, trong đó coi trọng yếu tố liên kết tạo ra hiệu ứng tổng thể để giảm thiểu chi phí cho chuyến đi chất lượng và những giá trị trải nghiệm du lịch cao nhất.

Bộ VH-TT&DL cũng sẽ phối hợp với các bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng thực hiện việc miễn visa theo đúng tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách đến du lịch VN, tiếp cận các điểm đến của VN thông qua áp dụng các hình thức thị thực linh hoạt như cấp thị thực rời, thị thực tại cửa khẩu, thị thực điện tử trực tuyến.

Bộ VH-TT&DL cũng đã đề nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng miễn thị thực cho công dân 9 quốc gia: Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Canada.

L.NAM ghi

 

LÊ NAM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên