01/04/2017 10:38 GMT+7

Học cách nhìn khác về làm du lịch

TRẦN MAI - VIỆT HÙNG
TRẦN MAI - VIỆT HÙNG

TTO - Những ngày qua, nhiều bạn trẻ, người là sinh viên, người là hướng dẫn viên, nghiên cứu viên, số khác là thanh niên địa phương quy tụ lại đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) học làm du lịch.

Nữ giáo sư Ashley Hollenbeck cùng bạn trẻ nhìn nhận thực tế về di sản và bảo tồn phát triển - Ảnh: T.Mai
Nữ giáo sư Ashley Hollenbeck cùng bạn trẻ nhìn nhận thực tế về di sản và bảo tồn phát triển - Ảnh: T.Mai

“Chúng ta có di sản, có thắng cảnh và hình ảnh đang được quảng bá mạnh. Bây giờ chúng ta có thêm một đội ngũ người trẻ làm du lịch kiểu trẻ cùng vào cuộc thì du lịch Việt Nam sẽ cất cánh

Tiến sĩ CHU MẠNH TRINH

Cách thức học tập mới lạ dưới sự hướng dẫn của ba chuyên gia hàng đầu về du lịch trong và ngoài nước.

Giữ lấy những điều nhỏ nhất

Dù đã nhiều lần hướng dẫn những đoàn khách tham quan ở nhiều nơi nhưng lần này Đặng Thị Ngọc Điệp (21 tuổi, quê Hòa Bình) bảo được học một cách làm du lịch mới mẻ.

Hai chuyên gia nghiên cứu phát triển cộng đồng người Mỹ là Ashley Hollenbeck và Nicole Bortley (dạy ở Hiroshima Jogakuin University, Nhật Bản) rong ruổi đến nhiều quốc gia để giúp đỡ người dân làm du lịch cộng đồng.

Hai chuyên gia hướng dẫn các bạn trẻ chia làm bốn nhóm đi khắp đảo Bé để tiếp cận với người dân, hỏi nếu du khách ra đảo Bé du lịch sẽ nhận được những gì và những gì cần phải điều chỉnh để hòn đảo xinh đẹp này hoàn thiện trở thành điểm hút khác trong tương lai?

Nhóm của Điệp khai thác về những tiềm năng con người của đảo. Đây được xem là phần khó nhất bởi làm thế nào để con người cũng trở thành đặc sản du lịch là điều không hề dễ dàng.

Một ngày ròng rã, bảy người trẻ trong nhóm đã có một sơ đồ: câu chuyện từ những người lớn tuổi, đi chơi cùng với những “hướng dẫn viên nhí”, hỗ trợ của những người trẻ có chuyên môn.

Ba nhóm còn lại thì tìm hiểu về tự nhiên, trầm tích, biển, câu chuyện về đảo, môi trường... Trần Thị Thanh Kim Huệ là cô gái sinh ra và lớn lên tại đảo Bé nhưng lần đầu tiên hiểu biết hòn đảo mình theo một cách mới.

Tìm hiểu về môi trường biển, sau khi đưa ra biểu đồ ghi nhận và quan sát, Huệ nói: “Đảo quê mình đẹp nhưng vẫn còn chưa chú trọng đến chăm sóc san hô, dọn dẹp môi trường. Mình cũng có thêm kinh nghiệm để lồng ghép chuyện giữ vệ sinh vào trong lời hướng dẫn du khách. Mình cũng thấy đảo Bé thiếu nước ngọt, sẽ rất khó để giữ khách ở lại qua đêm”.

Hai chuyên gia nước ngoài phân tích Việt Nam có cảnh đẹp nhưng khoảng cách giữa đơn vị lữ hành và người dân bản địa còn rất lớn nên khó giữ du khách lưu trú và trở lại. Họ đúc kết bài học: “Giữ lấy những điều nhỏ nhất để phát triển du lịch bền vững”.

Cơ hội cho du lịch Việt

Tiến sĩ Nicole Bortley ví dụ khi phim Kong: Skull Island công chiếu khắp thế giới đã truyền tải một hình ảnh Việt Nam rất đẹp đến với du khách trong và ngoài nước. “Đó là cơ hội quá lớn cho du lịch Việt Nam. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi muốn khơi dậy tiềm năng từ chính con người để phục vụ di sản tốt nhất” - tiến sĩ Nicole Bortley nói.

Còn giáo sư Ashley Hollenbeck chia sẻ Việt Nam rất đẹp nhưng việc quảng bá còn rất hạn chế. Mục đích những buổi học này là muốn các bạn trẻ Việt Nam có cách nhìn nhận khác về làm du lịch.

“Các bạn phải hiểu là khi du khách đến đây chúng ta không phải đi theo cả đoàn đến một điểm rồi đích thân các bạn nói cho du khách nghe mà phải đưa người dân vào cùng làm. Ví dụ như người thích thăm thú địa chất núi lửa thì đi theo một nhóm riêng.

Người thích làm nông dân ra đồng thì đi một nhóm riêng, người thích du lịch sinh thái kết hợp dọn rác thì đi một nhóm riêng. Cái này người dân bản địa làm tốt hơn hướng dẫn viên nhiều và du khách cũng sẽ lưu trú lại để tiếp tục khám phá hòn đảo.

Và như vậy người dân sẽ có thêm thu nhập, du khách sẽ có thêm những câu chuyện để giới thiệu với những du khách khác đến với các bạn” - Ashley Hollenbeck nói.

30 người trẻ và cán bộ địa phương đã có cách nhìn nhận mới về làm du lịch. Con người không sống dựa vào di sản mà ngược lại phải phục vụ di sản. Ý tưởng bảo tồn khiến cho năm cán bộ trẻ của Ban quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn vỡ lẽ.

Sự kết hợp bốn nhà: chính quyền, doanh nghiệp, ban quản lý, cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch được đặt ra như một thách thức mới cho những người trẻ.

Anh Trần Văn Tùng, cán bộ Ban quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn, nói: “Sau những buổi đi điền dã, cùng kiến thức của những chuyên gia, chúng tôi thấy trách nhiệm không chỉ bảo tồn mà phải nhìn ra những cái gì chưa tốt để “bốn nhà” ngồi lại lắng nghe và cùng nhau thay đổi”.

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, cán bộ Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), cũng tham gia trao đổi cùng những người trẻ. Vị tiến sĩ của du lịch cộng đồng này nói rằng đây là cơ hội cho tất cả những người trẻ và cũng là cơ hội cho di sản Việt Nam được phát huy tốt nhất.

TRẦN MAI - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên