19/03/2017 12:04 GMT+7

'Hiệp sĩ' Ba Lan trên đất Việt - Kỳ 2:  Nguyên tắc Kazik

ĐOÀN CƯỜNG - VIỆT HÙNG
ĐOÀN CƯỜNG - VIỆT HÙNG

TTO - “Cho đến lúc Kazik đến thì chưa có ai “đụng đến”, trùng tu di tích tháp Chăm” - ông Hồ Xuân Tịnh, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, lúc bấy giờ là cán bộ bảo tàng của tỉnh, nhìn nhận. 

Kazik đứng trên giàn giáo (bìa phải) cùng công nhân Việt Nam trùng tu di tích Mỹ Sơn - Ảnh: Đoàn Cường chụp lại
Kazik đứng trên giàn giáo (bìa phải) cùng công nhân Việt Nam trùng tu di tích Mỹ Sơn - Ảnh: Đoàn Cường chụp lại

Tất cả những phương án tu bổ Mỹ Sơn thời đó đều do Kazik thực hiện. Kazik bắt đầu công cuộc trùng tu di tích theo nguyên tắc của mình là cố gắng giữ gìn nguyên vẹn ở mức tối đa tháp Chăm.

Thiên khiếu

Theo ông Tịnh, Kazik hướng dẫn làm và anh em Việt Nam làm theo. Kể cả những chuyên gia của Viện bảo tồn di tích vào thời điểm đó cũng còn khá xa lạ với tháp Chăm. Lúc đó các nhóm tháp B, C, D dường như chỉ là phế tích, có những tháp bị bom đánh sập và chỉ còn là đống gạch.

Theo ông Tịnh, Kazik chỉ mô phỏng lại hình dáng, phục hồi từng phần mang tính chất bổ khuyết nhằm chống đỡ tầng tháp không cho sụp đổ. Giữ nguyên phần gốc, không làm thay đổi yếu tố gốc. Người ngoài nhìn vào biết đó là phục hồi để phân biệt mới - cũ.

Nhà nghiên cứu Trần Phương Kỳ chia sẻ thêm lúc bấy giờ trùng tu thì cần ximăng, nhưng vác một bao ximăng từ Duy Phú vào đến Mỹ Sơn quá vất vả và chỉ còn nửa bao.

“Hiện nay phương pháp trùng tu là tối kỵ dùng ximăng, dùng vôi, nhưng lúc đó không dùng ximăng thì không biết sử dụng vật liệu nào nữa, làm gì có chất kết dính nào thay thế được?” - ông Kỳ nói.

Ông Kỳ kể nguyên tắc đầu tiên của Kazik là phải cố gắng giữ nguyên gốc các tháp Mỹ Sơn. Kazik có được một thiên khiếu là con mắt thẩm mỹ.

“Sở dĩ nhiều nhà trùng tu Việt Nam sau này thất bại ở nhiều di tích cổ là thiếu con mắt thẩm mỹ, trùng tu một tác phẩm nghệ thuật mà không rõ nó đẹp hay xấu thì sao làm được.

Trùng tu di tích Chăm lại khó khăn hơn bởi không thể làm sai mà làm lại được, gạch tháp rất yếu, cả hàng nghìn năm rồi, trùng tu một lần thôi chứ không thể tháo ra rồi lại trùng tu một lần nữa. Có nhiều nhà trùng tu nhái di tích cũ nhưng Kazik không làm việc đó” - ông Kỳ nói.

Thấy được nguyên gốc và phần trùng tu

Ông Kỳ nói thêm cái hay của Kazik là khi trùng tu phải làm cho hậu thế thấy được di tích nguyên gốc và phần đã trùng tu.

Những tháp Kazik làm, mọi người dễ nhận ra những viên gạch thụt vào so với bản gốc dễ phân biệt. Không có gạch mới nên ông phải tái sử dụng gạch cũ, lượm lặt, phân loại, mài nhẵn từng viên gạch.

Ông Kỳ nhìn nhận: “Nghề trùng tu làm một họ cãi mười bởi có hàng nghìn phương pháp khác nhau. Nhưng với những công trình của Kazik ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu, nhà kiến trúc đánh giá là chuẩn”.

Kazik luôn kiên trì theo đuổi nguyên tắc “trùng tu khảo cổ học”, di tích gốc sẽ được giữ gìn nguyên vẹn ở mức tối đa, việc trùng tu chỉ được áp dụng để duy trì hiện trạng.

GS Hoàng Đạo Kính cho rằng Kazik không chỉ là một nhà khoa học mà còn là nhà phẫu thuật di tích tài ba. Ông luôn quan sát kỹ, bên cạnh những thành phần gốc đã được gia cố, người ta có thể nhận biết được những vết tích can thiệp của nhà trùng tu - nhà phẫu thuật - nhằm giúp di tích trước hết không sụp đổ.

Trong việc trùng tu di tích Chăm bằng đất nung và một phần bằng đá ở dạng phế tích, Kazik tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của trường phái trùng tu khảo cổ học được quốc tế công nhận, đó là giữ nguyên vẹn di tích gốc, không làm sai lệch, không làm giả di tích.

Sử dụng biện pháp gia cố kỹ thuật để duy trì hiện trạng, chỉ phục chế từng phần nếu có cơ sở khoa học, không phục nguyên, không làm lẫn lộn cái gốc với cái mới.

Làm theo bài bản này, các ngôi tháp ở Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận... đã được cứu.

“Là một nhà khoa học, một kiến trúc sư trùng tu di tích của trường phái tu bổ di tích Ba Lan được thế giới thừa nhận, Kazik luôn luôn suy ngẫm, đắn đo, bàn bạc kỹ lưỡng rồi mới cho phép mình đụng chạm vào di tích.

Ông hiểu trước ông không chỉ là một bệnh nhân mà là bệnh nhân của quá khứ không bao giờ trở lại” - GS Kính đánh giá.

Không biết đam mê cái gì mà dữ thế

Khi Kazik đang cặm cụi làm việc tại Mỹ Sơn, những năm 1989 - 1990 Ba Lan thay đổi hệ thống chính trị, chương trình hợp tác trùng tu của tiểu ban Việt Nam - Ba Lan bị khủng hoảng. Thế nhưng Kazik vẫn tiếp tục cống hiến cho những di tích Chăm ở Việt Nam.

Ông tự đi tìm kiếm những nguồn tài trợ từ bạn bè quốc tế để giúp đỡ Mỹ Sơn. Đích thân Kazik trở về Ba Lan và mang qua Việt Nam mấy chục ký chất epôxin (loại hóa chất được dùng để trám vết nứt). Loại hóa chất này ở Việt Nam không có và để mang mấy chục ký tới Mỹ Sơn rất khó khăn.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ kể lúc đó Mỹ Sơn đón một người phụ nữ Đức lặn lội đến đây dù chân bà bị tật sau một vụ tai nạn. Đó là bà Woulb (bạn của Kazik), đang hoạt động trong Hội Ái hữu văn hóa Chăm (Đức).

Bà gặp Kazik ở Mỹ Sơn và chứng kiến những công việc hữu ích của ông nên đã tài trợ hàng chục ngàn USD để dựng phòng trưng bày tại tháp D1, trùng tu lại nhóm tháp E. Khi có nguồn tài trợ, Kazik cùng các cộng sự Việt Nam lại đi mua vật tư để tiếp tục cuộc hành trình.

“Chính Kazik với uy tín của mình cùng những mối quan hệ với các nhà khoa học quốc tế đã giúp Mỹ Sơn rất nhiều” - ông Hỷ nói.

Đầu những năm 1990, giám đốc Sở VH-TT Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Hải Học trong chuyến đi Nga được Kazik mời về thăm nhà ở thành phố cổ Lublin (Ba Lan).

Đến nhà, ông Học mới vỡ ra một điều là nếu Kazik không đến Mỹ Sơn, chỉ cần làm thiết kế ở quê hương mình thôi thì ông có thu nhập “khủng”. Kazik đưa ông Học đi tham quan rất nhiều công trình do ông thiết kế, trùng tu ở quê hương mình.

Điều khiến ông Học bất ngờ là vợ Kazik - giáo viên - phải tiết kiệm nuôi hai con nhỏ.

“Vợ Kazik nói: Không biết ông đam mê cái gì ở Việt Nam mà dữ thế, bỏ lại tất cả những sung sướng của gia đình, uy danh, vật chất ở quê nhà” - ông Học kể.

Trùng tu khảo cổ học

GS Hoàng Đạo Kính nói ông Kazik đã thể hiện một phương pháp rất tốt cho di tích, vừa cứu vãn được di tích với số lượng nhiều nhất. Có nhiều nhóm tháp nếu không làm theo giải pháp mà Kazik chọn lựa thì đã bị mất dạng hoàn toàn.

Ông không làm công việc khôi phục di tích, mà thực hiện trùng tu khảo cổ học. Mãi đến nay bài toán chất kết dính tháp Chăm vẫn chưa được giải. Vì vậy ở thời điểm ấy, việc dùng ximăng, vật liệu mới là hợp lý để vừa bảo vệ, không gây nhầm lẫn giữa cái cũ và cái mới.

THÁI LỘC

Bài học cho những di tích khác

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói ông đã được học nghề từ kiến trúc sư Kazik. Một trong những phương pháp mà sau này ông Hỷ cùng các chuyên gia Việt Nam đã áp dụng thành công là khoan neo POK để trùng tu tháp Chiên Đàn (Quảng Nam).

“Đó là sử dụng ximăng để liên kết. Chỗ nào tường nứt ông dùng khoan neo POK, sau đó dùng hỗn hợp bêtông bơm vào trong. Sau đó lấy gạch trám lại, từ đó không tác động đến tường” - ông Hỷ cho hay.

Từ “bài học” của Kazik mà những người làm công tác trùng tu như ông Hồ Xuân Tịnh cùng các cộng sự đã áp dụng cho những tháp Chăm ở Quảng Nam tới nay vẫn khá tốt.

“Kazik có công đào tạo một lớp cán bộ về bảo tồn, trùng tu di tích ở Việt Nam và trở thành thầy của họ”, ông Hồ Hải Học nhìn nhận.

-------

Đầu năm 1980, thị xã Hội An chỉ có tám phòng nghỉ, nhưng Kazik đã tiên đoán một người dân Hội An trong tương lai sẽ đón ít nhất bốn người khách, trong khi lúc đó Hội An chưa biết khái niệm du lịch. Vì sao?

Kỳ tới: Nhà tiên tri của Hội An

ĐOÀN CƯỜNG - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên