23/08/2015 13:52 GMT+7

Giới du lịch lo âu với rác tại Phú Quốc

KHOA NAM - TIẾN TRÌNH - QUANG KHẢI - LÊ NAM ghi
KHOA NAM - TIẾN TRÌNH - QUANG KHẢI - LÊ NAM ghi

TT - Trong khi Phú Quốc chưa có hệ thống xử lý rác thải và nước thải, trách nhiệm của chính quyền địa phương ra sao?

Mỗi ngày đội vớt rác công trình đô thị vớt 3 - 4 mét khối rác thải trên sông Dương Đông - Ảnh: Q.Vinh

* Ông TRẦN ĐẠT DUY (phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL):

Du khách sẽ đặt vấn đề chuẩn sao của khách sạn 

Trên thế giới, thông thường các tổ chức đánh giá đẳng cấp khách sạn đều dành sự quan tâm đáng kể tới không gian môi trường xung quanh nơi khách sạn tọa lạc, bởi rõ ràng yếu tố này ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng vệ sinh bên trong khách sạn.

Còn với đảo Phú Quốc, đến nay Tổng cục Du lịch cấp tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao cho nhiều cơ sở lưu trú là đều dựa theo Tiêu chuẩn quốc gia 2009. Bộ tiêu chí này đặt yếu tố vệ sinh dưới cùng, sau các tiêu chí: vị trí, kiến trúc, trang thiết bị, tiện nghi phục vụ...

Ảnh: Khoa Nam
Ảnh: Khoa Nam

Trường hợp đảo Phú Quốc chưa có hệ thống xử lý rác thải và nước thải, dù trước mắt chưa ảnh hưởng tới cấp “sao” của các khách sạn, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ tác động tiêu cực ngược.

Chẳng hạn như rác thải phía trước khách sạn, nước thải bẩn trên bãi biển gần khách sạn, không khí đầy bụi xung quanh khách sạn... sẽ khiến du khách đặt vấn đề về chuẩn “sao” mà khách sạn được công nhận và đang quảng bá.

Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Ảnh tư liệu

* Ông NGUYỄN QUỐC KỲ (tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel):

Đừng nghĩ đó là việc của công ty du lịch

Nếu chính quyền sở tại và người dân địa phương Phú Quốc hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn môi trường sẽ mang lại lợi ích về mặt tài chính, kinh tế và bảo vệ sức khỏe cho họ thì việc tạo một môi trường vệ sinh, sạch sẽ hoàn toàn không khó.

Bằng chứng đã có những địa phương như Hội An, Đà Nẵng làm được điều này, du khách đến đây đông một phần vì cảnh quan và môi trường sạch sẽ.

Một khi môi trường địa phương ngăn nắp, sạch sẽ, tâm lý khách tham quan cũng thoải mái, thích thú vui chơi mua sắm, trải nghiệm, gián tiếp tạo công ăn việc làm và nguồn thu cho địa phương. Du khách đến địa phương sạch cũng không dám xả rác trong một môi trường sạch như vậy.

Hiện nay công ty chúng tôi vẫn phối hợp với Đoàn thanh niên, ban quản lý chợ ở địa phương trồng cây xanh, dọn rác (nhân viên và khách của Vietravel cùng dọn rác) ở địa phương khách đến, giữ gìn không xả rác trong suốt hành trình tour.

Nhưng điều đáng buồn là địa phương cứ nghĩ chúng tôi đang làm hộ cho họ chứ không hề nghĩ mình phải là chủ thể chính thực hiện việc giữ gìn môi trường. Thậm chí có nơi còn yêu cầu công ty chúng tôi đưa tiền cho họ mới làm, không có tiền họ không tham gia.

* Ông NGUYỄN HỮU THỌ (chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN):

Trách nhiệm ở địa phương rất lớn

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị vào tháng 7-2015 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém thúc đẩy du lịch phát triển, trong đó có yêu cầu UBND các huyện, xã tăng cường đảm bảo vệ sinh, lòng đường đảm bảo thông thoáng, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây mất trật tự vệ sinh... 

Việc này chính quyền địa phương nếu thật sự quan tâm hoàn toàn có thể giải quyết được. Vì sao tôi khẳng định điều đó?

Thực tế chẳng những ở Đà Nẵng, Hội An và một vài khu vực ở TP.HCM đã tổ chức và giữ gìn vệ sinh môi trường rất tốt mà ngay cả các huyện biên giới như Hương Sơn, Nghi Sơn... (Hà Tĩnh) khi tôi đến cũng rất bất ngờ khi nhìn thấy đường phố ở đây vô cùng sạch sẽ, xanh thì cớ gì những địa phương khác không làm được.

* PGS.TS PHÙNG CHÍ SỸ (Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường TP.HCM):

Nhà nước phải thể hiện vai trò

Rõ ràng với diện tích, dân số (kể cả du khách), lượng rác phát sinh chưa đủ để các nhà đầu tư bên ngoài chọn công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường để đầu tư vì ít khả năng thu hồi vốn.

Do đó việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư lĩnh vực xử lý rác cũng khó thành công, thay vào đó Nhà nước phải thể hiện vai trò trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên phải tạo một cơ chế đặc biệt cho Phú Quốc, chứ nếu dùng ngân sách cho việc xử lý môi trường tại Phú Quốc như một huyện bình thường thì vấn đề xử lý rác tại đây sẽ khó đạt được hiệu quả.

Với điều kiện tự nhiên thì Phú Quốc nên chọn công nghệ xử lý rác: phân loại làm phân compost, tái chế hoặc đốt rác phát điện chứ không nên dùng công nghệ chôn lấp.

Ôhg Mai Văn Huỳnh - Ảnh: Tiến Trình

* Ông MAI VĂN HUỲNH (phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang):

Chậm xử lý rác do thiếu tiền

Quan điểm của Kiên Giang là chỉ đạo quyết liệt để Phú Quốc sớm có nhà máy xử lý rác, nhưng hiện tỉnh chưa có tiền còn nhà đầu tư thì đòi hỏi đủ thứ điều kiện, trong đó có giá xử lý rác lên tới 30-40 USD/tấn nên không thể chịu nổi.

Hiện tại tỉnh đang thương thảo giá xử lý rác với Công ty ximăng Holcim, giá cao quá thì ngân sách không chịu nổi, bởi nguồn thu ngân sách của Phú Quốc một năm không có bao nhiêu.

* Ông HUỲNH VĨNH LẠC (chánh văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang):

Ngay trong năm nay sẽ chọn xong nhà đầu tư

Trước đây UBND tỉnh chỉ định Công ty Tâm Sinh Nghĩa làm nhà máy rác nhưng dự án chậm triển khai. Một phần nguyên nhân do doanh nghiệp thiếu năng lực, một phần khác do bãi rác phải dời vị trí sau khi điều chỉnh quy hoạch chung của đảo.

Một nguyên nhân nữa là chi phí xử lý rác trước đây quá cao. Lúc đó tỉnh chưa lường trước điều này, nhưng hiện nay công nghệ xử lý rác cho phép thu được sản phẩm sau xử lý nên giá thành xử lý rác đã giảm đáng kể.

Và sắp tới nhiều khả năng tỉnh sẽ chọn nhà đầu tư có công nghệ tận dụng nhiệt thải từ quá trình đốt rác. Ngay trong năm nay tỉnh sẽ chọn xong nhà đầu tư để sang năm có thể khởi công nhà máy xử lý rác. 

KHOA NAM - TIẾN TRÌNH - QUANG KHẢI - LÊ NAM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên