27/09/2015 10:38 GMT+7

Du lịch ế khách

LÊ NAM (lenam@tuoitre.com.vn)
LÊ NAM (lenam@tuoitre.com.vn)

TT - Trong khi khách du lịch quốc tế đến VN giảm thì các nước trong khu vực lại tăng mạnh, trong đó như Thái Lan so với tám tháng đầu năm 2014 tăng gần 27,4%. Vì sao?

Vịnh Hạ Long là điểm đến không thể thiếu đối với hành trình của du khách. Tuy nhiên muốn khách trở lại thì cần phải có sản phẩm mới lạ trong tour tham quan tại đây - Ảnh: T.T.D.
Vịnh Hạ Long là điểm đến không thể thiếu đối với hành trình của du khách. Tuy nhiên muốn khách trở lại thì cần phải có sản phẩm mới lạ trong tour tham quan tại đây - Ảnh: T.T.D.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, ngành du lịch VN sẽ rất khó vực dậy do các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Campuchia... tung ra nhiều chiêu quảng bá cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách.

Thái Lan tăng 27,4%, VN giảm 7,5%

Tối 17-8, một ngày sau khi ngành du lịch Thái làm lễ đón vị khách thứ 19 triệu, một vụ nổ bom xảy ra ngay sát đền thờ Erawan, trung tâm Bangkok.

Những tưởng du lịch Thái Lan sẽ chịu ảnh hưởng nặng của sự kiện này, nhưng đúng 10 ngày sau (26-8) Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết đã đón vị khách thứ 20 triệu.

So với số liệu được TAT công bố trước đó, dù chưa tính hết tám tháng đầu năm 2015, nhưng lượng khách quốc tế đến quốc gia này tăng gần 27,4% so với tám tháng đầu năm 2014.

Không riêng gì Thái Lan, ngay cả ngành du lịch Campuchia cũng liên tục tăng trưởng trong cả năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.

Số liệu vừa được Bộ Du lịch Campuchia công bố cho thấy lượng khách quốc tế đến Campuchia trong sáu tháng đầu năm đạt 2,301 triệu lượt khách, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Trước đó, trong năm 2014, lượng khách quốc tế đến Campuchia đạt 4,502 triệu lượt, tăng 7% so với năm trước đó.

Trong khi đó, số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy trong tám tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến VN chỉ đạt khoảng 5,06 triệu lượt người, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Và theo số liệu của chúng tôi, kể từ tháng 10-2014 đến nay, lượng khách quốc tế đến VN liên tục giảm đều.

Giới chức làm du lịch VN lý giải rằng biến động đồng rúp đã khiến khách đến từ thị trường Nga sụt giảm, sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường khách nói tiếng Hoa...

Tuy nhiên, theo các công ty du lịch, cũng trong thời gian này khách quốc tế đến các quốc gia trong khu vực vẫn tăng đều.

Thực tế này cho thấy sự sụt giảm của du lịch VN xuất phát từ nội tại ngành du lịch trong nước hơn là nguyên nhân khách quan.

“Nếu không thay đổi, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, ngay cả du lịch Campuchia sẽ qua mặt VN chứ chưa nói đến các quốc gia có ngành du lịch mạnh khác trong khu vực” - giám đốc một công ty du lịch nói.

Đồ họa: Vĩ Cường
Đồ họa: Vĩ Cường

Cảnh đẹp nhưng không biết cách “khoe”

Ngay sau khi clip “Welcome to Vietnam” được Bộ Ngoại giao giới thiệu và quảng bá trên các kênh mạng xã hội, YouTube... giới kinh doanh du lịch chuyên nghiệp đã đánh giá cao về nó, họ cho rằng nếu những động thái như vậy được triển khai sớm với tần suất nhiều thì du lịch VN đâu đến nỗi “ế” dữ vậy, vì VN còn có nhiều thứ hấp dẫn hơn những gì được giới thiệu trong clip này.

Giám đốc điều hành Công ty truyền thông Matterhorn Matthew Underwood xem xong clip này tiếc nuối nhận định đã có quá nhiều cảnh đẹp bị bỏ qua.

“Giá như các hình ảnh đẹp mà du lịch VN đang sở hữu được giới thiệu thường xuyên, cập nhật chắc chắn đã có một lượng khách quốc tế đến VN, tôi biết ở nhiều nước thông tin về VN vẫn còn lạc hậu đến vài chục năm trước đại loại như vẫn còn nhận viện trợ, mới hết chiến tranh” - ông Underwood nói.

Giám đốc một công ty du lịch quốc tế có văn phòng tại VN cho biết chỉ tính riêng nhóm khách đến từ các nước châu Âu đã giảm đến hai con số so với cùng kỳ năm ngoái, công ty đã phải xoay ngay sang thị trường khác để kiếm khách bù đắp nhưng vẫn không có đủ.

“Chúng tôi tổ chức đưa các đoàn nhà báo và công ty du lịch sang VN khảo sát nhưng các đối tác, nơi cấp phép ghi hình... vẫn tính phí như thể chưa từng có chuyện khách đang giảm không phanh” - vị này bức xúc.

“Công nghiệp không khói” bị bỏ rơi?

Khi quyết định miễn visa (thị thực) cho các du khách đến từ sáu quốc gia châu Âu vào VN, có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, được công bố vào tháng 6 vừa qua, nhiều doanh nghiệp du lịch thậm chí xem đây là “kỳ tích” bởi cả ngành du lịch đã phải “đấu tranh” hơn 10 năm ròng rã cho việc miễn thị thực này.

Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia... đã thực hiện chính sách này từ nhiều năm trước, với danh sách các quốc gia (có du khách) được miễn thị thực lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm.

“Lẽ ra việc miễn thị thực này đã được từ lâu, bởi đây là một trong những rào cản rất lớn đối với việc thu hút du khách tại các thị trường tiềm năng. Nhưng thời gian qua, du lịch vẫn chưa được xem là ngành kinh tế mũi nhọn để các cơ quan quản lý quan tâm có chính sách hỗ trợ phù hợp. Dù sao muộn còn hơn không” - giám đốc một công ty du lịch nói.

Và theo vị này, dù thời hạn miễn thị thực không dài ngày như kỳ vọng, không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, nhưng nó cũng mở ra cơ hội để thu hút thêm rất nhiều khách từ các quốc gia này.

Tuy nhiên kéo khách đến là một việc, còn giữ chân khách hoặc để du khách tiếp tục quay trở lại VN là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Trong một cuộc gặp gỡ cách đây không lâu, khi nghe một lãnh đạo Hiệp hội Du lịch VN đặt vấn đề rằng Pháp “thân” với VN hơn nhưng người Pháp du lịch đến Thái Lan trong năm 2014 gấp ba lần VN, vị đại sứ Pháp tại VN cho rằng một người Pháp có thể một năm đến Thái Lan 3 - 4 lần “vì dịch vụ du lịch cái gì cũng có”.

Trong khi đó, khách đến VN du lịch chỉ một lần hoặc nhiều hơn là đến để làm ăn, bởi “dịch vụ du lịch tại VN cái gì cũng thiếu”.

Giám đốc một công ty du lịch lớn thừa nhận đến nay các sản phẩm du lịch VN dường như không phát triển, quá nghèo nàn và chủ yếu khai thác những cái có sẵn.

“Chúng tôi chủ yếu làm tour... khám phá hoặc tour văn hóa bởi không có sản phẩm hay dịch vụ du lịch nào khác hấp dẫn. Do vậy nhiều du khách, đặc biệt là khách châu Âu chỉ đến một lần và không muốn quay lại” - vị này nói.

Trong khi đó, mỗi năm du lịch Thái Lan chào cho đối tác ít nhất năm điểm đến mới, sản phẩm tour mới để khách thoải mái lựa chọn khi quyết định quay lại quốc gia này.

Nhiều du khách quốc tế cảm thấy rất phiền lòng khi bị người bán hàng rong chèo kéo ép mua hàng - Ảnh: Thanh Tùng

Manh mún, chia phần trong quảng bá xúc tiến

Hằng năm ngành du lịch chi nhiều trăm tỉ đồng để mang văn hóa VN ra nước ngoài giới thiệu nhưng chủ yếu là giới thiệu những điều ta đang có trong khi cái du khách cần, cái họ thích thì chẳng ai quan tâm.

Do đó, đến nay chưa từng được nghiên cứu đầy đủ để làm một sản phẩm ra trò đánh đúng vào thị hiếu của du khách.

Du lịch VN chưa từng có một dự án nghiên cứu nghiêm túc về thói quen, ý thích, mong muốn của du khách khi đến VN du lịch, cũng chưa từng có một chương trình nghiên cứu thấu đáo nhu cầu của những du khách tại thị trường du lịch tiềm năng của mình là gì và khác biệt của du lịch VN nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực để quảng bá, lôi kéo du khách đến với mình.

Tổng doanh thu của ngành du lịch VN cả năm khoảng 700 triệu USD, nhưng kinh phí quảng bá xúc tiến du lịch VN chỉ khoảng 1,5 triệu USD, lại chi cho nhiều hoạt động liên quan chứ không đơn thuần là quảng bá, thu hút du khách quốc tế đến VN.

Trong khi đó nhiều khoản ngân sách được đầu tư cho các sự kiện khác lại không mang lại hiệu quả thiết thực.

Do không có một cơ quan chuyên trách về quảng bá xúc tiến, nên các vụ thuộc Tổng cục Du lịch cứ thay phiên nhau đến tham gia các hội chợ, phát những tờ rơi, clip giới thiệu vẻ đẹp VN trên truyền hình...

Việc quảng bá du lịch VN ở các thị trường lâu nay chỉ do những doanh nghiệp lữ hành và Vietnam Airlines tự thân vận động.

LÊ NAM (lenam@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên