20/03/2016 15:44 GMT+7

Du lịch đường sông vùng phên giậu bị lãng quên

TRẦN THẾ DŨNG (Hiệp hội Lữ  hành Việt Nam)
TRẦN THẾ DŨNG (Hiệp hội Lữ hành Việt Nam)

TT - Mỗi khi nhắc tới vùng Đông Bắc hay Tây Bắc, người làm du lịch đều nghĩ ngay đến các điểm đến đã quá đỗi quen thuộc như quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, Mường Phăng. 

Vẻ đẹp huyền ảo của buổi chiều trên sông Đà - Ảnh: Thế Dũng
Vẻ đẹp huyền ảo của buổi chiều trên sông Đà - Ảnh: Thế Dũng

Nhiều người nghĩ tới những danh thắng lừng danh:  cao nguyên Mộc Châu, Sa Pa, công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), thác Bản Giốc (Cao Bằng), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn)... 

Trong khi đó, ít ai quan tâm tới tuyến đường thủy được hình thành trục chính nối với các tỉnh sau khi hàng loạt công trình thủy điện vùng đóng đập tích nước cách đây đã lâu.

Ưu điểm của những đường thủy này là dài hàng trăm cây số kết nối với các quốc lộ và vươn xa tới các thị xã, những di tích, thắng cảnh như: phía Tây Bắc nếu xuôi dòng sông Đà từ Mường Lay (Điện Biên) sẽ lần lượt đến Tủa Chùa, Quỳnh Nhai và kết thúc tại công trình thủy điện Sơn La.

Thậm chí từ Mường Lay nếu ngược dòng chắc hẳn đến phế tích đèo Văn Long - đền Lê Thái Tổ - bia Lê Lợi (Lai Châu).

Bên cạnh đó về phía Đông Bắc, từ Bắc Mê (Hà Giang) xuôi dòng sông Gâm hướng tới vùng Na Hang (Tuyên Quang) mất khoảng 6 tiếng đồng hồ, còn nếu tiếp tục ngược dòng sông Năng khách sẽ đặt chân đến hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Nếu kết hợp đường thủy kể trên sẽ không chỉ đi tắt rút ngắn thời gian, giúp du khách lấy lại sức, giảm mệt mỏi sau những ngày “hành xác” di chuyển trên đường bộ vốn hầu hết là đường đèo, hiểm trở mà còn tạo sản phẩm du lịch Tây Bắc, Đông Bắc thêm hấp dẫn, phong phú khi được trải nghiệm trên những dòng sông trong xanh như nước biển khơi nằm ở nơi sơn cùng thủy tận.

Thêm vào đó là rừng nguyên sinh, những cụm núi đá vôi muôn hình vạn trạng quanh năm ẩn hiện trong đám mây bồng bềnh và thỉnh thoảng xuất hiện bản làng thơ mộng của bà con người Thái, Tày, Dao, Mông... sống đôi bờ.

Sau chuyến đi trên sông Gâm, bác Nguyễn Vinh Hiển - một du khách sống ở hải ngoại - cho biết từng đi thuyền trên sông Ly Giang (Trung Quốc), dù rất đẹp “nhưng không thể so bì với sông Gâm, một dòng sông đẹp tuyệt vời, đến độ mê đắm”.

Song song với trục đường dài trên sông Đà, sông Gâm còn có tuyến đường ngắn của sông Chảy (Lào Cai), Kỳ Cùng (Lạng Sơn), Quây Sơn (Cao Bằng) chảy dọc vùng thượng du biên giới cũng hứa hẹn tạo nhiều sản phẩm du lịch mới lạ.

Dù chưa được ngành du lịch ngó ngàng nhưng ở những bến thuyền ven sông đều có dân thương hồ mời chào và dùng thuyền sắt để vận chuyển nếu khách vãng lai ngẫu hứng muốn đắm mình trong cảnh sắc núi non, sông nước hữu tình.

Cách làm mang tính chất tự phát tuy phần nào góp phần cải thiện đời sống dân bản địa nhưng vì tận dụng phương tiện sẵn có, máy móc chắp vá chưa chuyển đổi công năng để phục vụ khách du lịch nên chỉ thỏa mãn nhu cầu thăm thắng cảnh trong địa bàn chứ khó bề đảm bảo an toàn khi đi đường xa.

Ngay từ năm 2010 đã có nhiều đoàn khảo sát tuyến du lịch sông Gâm, sông Đà do Tổng cục Du lịch, ngành du lịch địa phương tổ chức nhằm kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện cho các công ty lữ hành mục sở thị để hợp tác mở tour.

Thế nhưng, cái nghèo nàn của cơ sở hạ tầng tại chỗ cùng với tâm lý ngại khó của các nhà lữ hành nên bao hứa hẹn, dự tính ban đầu dần đi vào quên lãng. Có lẽ niềm hi vọng sẽ được thoát nghèo nhờ vào tiềm năng du lịch của bà con địa phương xem ra còn mỏi mòn lắm.

TRẦN THẾ DŨNG (Hiệp hội Lữ hành Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên