24/04/2015 23:11 GMT+7

​Chăm chút cho “linh hồn của Huế”

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Theo đồ án qui hoạch chi tiết đôi bờ sông Hương (Huế) của đơn vị tư vấn Hàn Quốc, dọc sông Hương sẽ hình thành không gian du lịch liên tục và xây dựng mạng lưới giao thông đường thủy.

Sông Hương đoạn chảy qua đô thị Huế. Đây là khu vực quan trọng nhất của qui hoạch chi tiết hai bờ sông Hương - Ảnh: Thái Lộc
Sông Hương đoạn chảy qua đô thị Huế. Đây là khu vực quan trọng nhất của qui hoạch chi tiết hai bờ sông Hương - Ảnh: Thái Lộc

Ngày 24-4, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng thảo luận về qui hoạch chi tiết hai bờ sông Hương tại cuộc hội thảo do tỉnh Thừa Thiên - Huế và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại VN tổ chức.

Sông Hương được xem là linh hồn, là trục cảnh quan quan trọng bậc nhất của đô thị Huế. Rất nhiều cuộc tranh luận ồn ào từ Huế trong thời gian qua đều xuất phát từ việc đụng chạm vào sông Hương khi nó chưa có một bản qui hoạch chi tiết. Trước thực trạng đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc đã tài trợ 6 triệu USD để thực hiện quy hoạch này, đồng thời lựa chọn hai cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc là Viện nghiên cứu đô thị Hana và Công ty tư vấn kỹ thuật Dohwa để xây dựng đồ án.

Hình thành không gian du lịch dọc sông Hương

Trình bày đồ án qui hoạch chi tiết đôi bờ sông Hương, ông Ohn Yeong Te, quản lý dự án của đơn vị tư vấn Hàn Quốc, cho biết phạm vi dự án thực hiện là 15km sông Hương đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh. Với chiều rộng từ bờ sông ra mỗi bên 100m, diện tích nghiên cứu thực hiện trong khoảng 365ha. Khu vực này đang có nhiều công viên, nhiều kiến trúc ven sông, một số làng cổ, làng nghề, phố xá, chợ búa và các đảo nổi…

Phương án cơ bản lấy nền tảng là đặc điểm tự nhiên của sông Hương và đô thị Huế. Dọc sông Hương sẽ hình thành không gian du lịch liên tục và xây dựng mạng lưới giao thông đường thủy. Việc khai thác du lịch với định hướng xây dựng các điểm du lịch ven bờ sông với một số tuyến đi bộ ven sông; một số điểm nhấn du lịch dịch vụ được xây dựng: các điểm lưu trú, nghỉ dưỡng được xây dựng; cùng một số khu trải nghiệm với môi trường sinh thái sông Hương…

Phương án này đề xuất xây dựng khu du lịch trung tâm TP Huế tại cồn Hến (đảo giữa sông Hương) gồm khu biểu diễn nghệ thuật và sân khấu ngoài trời. Một khu phức hợp văn hoá, phim trường cũng được đề xuất tại làng Tiên Nộn ven sông Hương…

Phải làm từ từ, để khỏi sai lầm

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng Huế là đô thị di sản và đô thị sinh thái đặc sắc duy nhất của Việt Nam và thuộc hàng hiếm trên thế giới. Trong đó, sông Hương là thành tố đặc sắc chủ đạo, tạo nên hình thái, thuộc tính duy nhất, không lặp lại, là linh hồn của Huế. Do đó, trong quy hoạch và xây dựng, phải ứng xử tương xứng với vai trò đặc biệt ấy.

Theo ông Kính, muốn Huế cạnh tranh được thì cần làm theo cách khác với các đô thị khác, đặc biệt đối với “di sản” sông Hương thì phải nghĩ kỹ, cho thấu đáo và phải làm từ từ, để khỏi sai lầm.

KTS Hồ Viết Vinh (ĐH Kiến trúc TP.HCM), khuyến cáo nhóm thực hiện không nên giới hạn trong 15km, mà nên mở rộng phạm vi nghiên cứu từ thượng nguồn cho đến đầm phá để có cái nhìn tổng thể. Bề ngang khu vực cũng nên mở rộng lên 200m tính từ mép sông. KTS Vinh đề ra bốn nguyên tắc tổ chức không gian sông Hương, gồm: đảm bảo tính nhất thể và mối liên hệ tương hỗ giữa hai bờ; can thiệp cảnh quan phải thích ứng di sản; làm sống lại cấu trúc đô thị phong cảnh duy nhất của VN và phải thay thế phương pháp tiếp cận quy hoạch cho phù hợp với đô thị di sản.

Theo đề xuất của KTS Lã Thị Kim Ngân (Hội KTS VN), khu vực nghiên cứu không nên hạn định chiều rộng 100 hay 200m, mà nên lấy theo lộ giới con đường ven sông để thuận tiện thực hiện qui hoạch và quản lý.

KTS Ngô Viết Nam Sơn (Hội KTS TPHCM), dựa trên phân tích ba khu đô thị của Huế (đô thị thế kỷ 19 bờ bờ bắc sông Hương, đô thị thế kỷ 20 ở bờ nam sông Hương và đô thị thế kỷ 21 ở An Vân Dương), đã đề xuất nên thực hiện dự án thí điểm, thay thế Đập Đá bằng cây cầu để “kéo” sông Hương về khu An Vân Dương; ở mõm cồn Hến nên bố trí công trình văn hoá nhỏ có tính chất điểm xuyết; phát triển hệ thống đi bộ xuyên suốt ven bờ sông, biến bờ sông thành nơi mát lành để tụ hội mọi người; có phương án nối kết từ bờ sông đến nhiều khu vực khác của thành phố.

Theo chuyên gia qui hoạch đô thị Nguyễn Đỗ Dũng (Singapore), sông Hương với nhiều người đã quá đẹp, đó là một thách thức đối với nhà tư vấn trong việc phải làm cho nó đẹp hơn. Ông Dũng nêu ra sáu bước để thực hiện thành công quy hoạch bờ sông Hương. Đó là: có mục tiêu rõ ràng; có tầm nhìn dài hạn; giải pháp nguyên thuỷ từ Huế và của Huế chứ không “nhập khẩu”; cân bằng giữa giải pháp xây dựng và cảnh quan tự nhiên, cân bằng giữa các dự án phát triển dọc bờ sông và các công trình hiện hữu; công tư cùng thực hiện; cộng đồng cùng tham gia qui hoạch.

Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết các cơ quan xây dựng bản qui hoạch này sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp và tiếp tục tham khảo các chuyên gia cho đến khi hoàn chỉnh đồ án. 

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên