04/11/2012 06:18 GMT+7

Du lịch và mua sắm

M.LÝ - L.NAM - V.N.A.
M.LÝ - L.NAM - V.N.A.

TT - Với những người thích mua sắm thì các cửa hàng mới là điểm tham quan chính trong những chuyến đi. Nhưng ngay cả khách du lịch thông thường cũng khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của các tủ kính bày biện đẹp mắt và cuốn theo bầu không khí mua bán tấp nập tại các đô thị lớn.

wWGv60ni.jpgPhóng to
Du khách Việt mua sắm ở trung tâm Potomac Mills (bang Virginia, Mỹ) - Ảnh: Lê Nam

Trẻ, đẹp và là giám đốc một công ty đa quốc gia tại VN, N.T. thường xuyên đi công tác cũng như có các kỳ nghỉ định kỳ tại nước ngoài. Mỗi chuyến đi dài mấy tuần như vậy cũng là dịp để N.T. mua sắm thỏa sức.

“Nghiện” và “chi sộp”

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, thỉnh thoảng vào mùa mua sắm hoặc có các chương trình giảm giá lớn ở các nước trong khu vực hoặc có hứng thú, N.T. lại tranh thủ lên đường. Đi riết thành nghiện, hành trang những chuyến đi Singapore, Thái Lan thường xuyên của N.T. là một túi xách nhỏ đựng vài đồ dùng cần thiết, hai bộ quần áo và bộ vali bốn cái to đùng lồng vào nhau.

Sau một chuyến đi 3-4 ngày, quần thảo ở các trung tâm mua sắm lớn, “chỉ có thời gian chọn chứ không có thời gian thử”, bốn vali đã đầy ắp với hơn trăm bộ quần áo, hơn chục túi xách và vô số đồ dùng lặt vặt. Có chuyến đi Mỹ, ngoài mấy vali chật cứng, N.T. còn vác về mấy bộ chăn drap gối “vì nó quá đẹp, không cầm lòng nổi!”.

Nói về mua sắm khi đi du lịch, người Việt không xếp hạng thấp so với các quốc gia trong khu vực. Hướng dẫn viên Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist Huỳnh Công Hiếu cho biết du khách VN đi mua sắm ở nước ngoài thường chia làm các nhóm khách: nhóm thứ nhất đi trong khu vực ASEAN (Malaysia, Singapore, Thái Lan...), nhóm thứ hai đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Trung Quốc và nhóm cuối đi Mỹ, châu Âu.

Ở nhóm đầu tiên, những năm trước thường chi tiêu nhiều cho các khoản mua sắm tại các điểm kinh doanh buôn bán trong chương trình bán thuốc, đồ trang sức, đồ da... Tuy nhiên, những năm gần đây lượng khách này không còn chi tiêu nhiều vì hàng hóa không còn gì lạ, hầu như có thể mua được ở VN. Phần lớn khách VN đi du lịch ở các nước trong khu vực thường mua hàng hóa (quần áo, giày dép, đồ hiệu...) tại các trung tâm thương mại lớn ở nước ngoài và chi tiêu đôi khi còn lớn hơn số tiền mua tour, trung bình 400-500 USD/người.

Khách hàng nhóm thứ hai chọn các mặt hàng mỹ phẩm, sâm, quần áo (Hàn Quốc, Hong Kong). Trong đó, khách chọn tour đi Nhật khó mua hàng hóa hơn vì phần lớn người Nhật không nói tiếng Anh và khả năng giao tiếp của bản thân khách Việt cũng hạn chế, phải phụ thuộc vào hướng dẫn viên tiếng Nhật.

Số lượng không nhiều, đại trà như nhóm khách đi trong khu vực ASEAN nhưng nhóm khách đi Mỹ, châu Âu chi tiêu khá nhiều cho các mặt hàng cao cấp như quần áo, giày dép có thương hiệu, thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính bảng...), đồng hồ cao cấp... Hiếu kể chuyện khách Việt mua các túi xách, ví da có thương hiệu cao cấp giá 3.000-5.000 USD là chuyện bình thường và hầu như trong tour nào cũng có vài khách mua. Thậm chí có khách mua cả đồng hồ Rolex giá đến 16.000 USD.

Vất vả do thích mua sắm

Các hướng dẫn viên đi theo đoàn kể điểm đặc trưng của du khách Việt đi du lịch nước ngoài là thường dành rất ít thời gian tham quan các danh thắng, “lúc nào cũng đòi đi mua sắm”. Và thời gian đi mua sắm dường như không bao giờ đủ nên thường xuyên xảy ra tình trạng “vỡ kế hoạch trong hẹn giờ khi đi mua sắm”. Hàng gì cũng thấy nhà mình cần dùng, món nào cũng thấy tiện dụng và giá hời hơn so với VN. Vậy là cứ quẹt thẻ, ngoại tệ đơn vị tính nghe không nhiều như xài VND, nên tiêu tiền cảm giác không thấy tiếc.

Không chỉ thuần túy du lịch ngắm cảnh, thưởng thức văn hóa, mua đôi chút quà lưu niệm lưu giữ ký ức đẹp vùng đất mình tới thăm, người Việt vốn có tâm lý chuộng đồ ngoại nhập, vì vậy hễ có dịp ra nước ngoài là tranh thủ mua sắm, nhưng nhiều khi mải mê mua sắm mà quên mất mục đích chính là du lịch, thưởng ngoạn.

Những bước chân cứ ròng rã khắp các gian hàng, mắt đã hoa lên vì màu sắc, kiểu dáng, tay đã mỏi rời vì chọn đồ nhưng nghe tiếng máy tính tiền bíp bíp lại thấy đầy ma lực, vẫn ôm mớ đồ tới xếp hàng... Vậy là dù thời tiết đẹp xấu ra sao, công trình kiến trúc lịch sử có đồ sộ lâu đời thế nào, nhà hát hay bảo tàng có nhiều hoạt động giải trí, tham quan đến mấy cũng không màng đến.

- Gần như tất cả sản phẩm mang tính “souvenir” giá rẻ, dễ mua như quốc kỳ, quốc huy và đặc trưng nhất của các điểm đến nổi tiếng trên thế giới đều là hàng sản xuất ở Trung Quốc. Nhiều món thậm chí chất lượng kém. Vì vậy, bạn nên chọn cửa hàng bán những nhãn hiệu của riêng địa phương, giá có thể cao hơn nhưng món đồ khi ấy sẽ thật sự khác biệt và có ý nghĩa.

- Hạn chế mua nhu yếu phẩm sử dụng hằng ngày như dầu tắm, dầu gội... Thức uống, đồ ăn nếu mua phải tìm cách đóng gói an toàn và đảm bảo chất lượng thực phẩm vẫn ăn uống được khi về đến nhà.

- Với xu hướng toàn cầu hóa và mật độ phủ dày của các nhãn hiệu thời trang lớn trên khắp thế giới, vấn đề bạn cần tính toán là mua gì, ở đâu thì có lợi nhất. Máy ảnh, máy tính và đồ điện, điện tử mua ở Mỹ, Canada là rẻ nhất do thuế thấp và tỉ giá chênh lệch giữa đồng euro/USD, nhưng các sản phẩm xuất xứ Nhật Bản chất lượng cao nhất lại được bán ở Nhật. Với người không cầu kỳ và kỹ tính thì các thiên đường mua sắm ở châu Á như Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, Hong Kong... có đủ thứ họ cần, giá tốt.

- Nên chuẩn bị giày êm chân, đeo balô khi đi mua sắm nhiều giờ liền ở các trung tâm mua sắm lớn. Ghi ra giấy danh mục đồ cần mua và tìm trước trên mạng địa chỉ nơi bán để tiết kiệm thời gian. Xài thẻ, tránh mang tiền mặt lớn gây chú ý cho kẻ trộm, móc túi.

- Với khách du lịch thông thường, chỉ nên mua sắm những thứ cần thiết nhất. Tránh lãng phí thời gian để có thể chiêm ngưỡng các kỳ quan, danh lam thắng cảnh, ăn thử đặc sản địa phương. Không sa đà để trễ giờ ra sân bay, lạc đoàn...

M.LÝ - L.NAM - V.N.A.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên