Du lịch rừng sâu: Dấu chân của lòng tôn trọng thiên nhiên

LÊ MY 14/04/2022 04:00 GMT+7

TTCT - Tổ chức khám phá và cắm trại ngay giữa rừng già nguyên sơ với nguyên tắc “bảo tồn đa dạng sinh học”, vào lãnh địa của muông thú nhưng phải cố không chạm mặt chúng là một cách làm du lịch không hề dễ dàng. Nhưng vì vậy lại rất đáng mong đợi.

Sáng 24-3, ở thị trấn Phong Nha, trời mưa lất phất. Nhìn say sưa dòng sông Son xanh biếc nhưng trong đầu tôi là cuộc chạm mặt tưởng tượng với một chú thỏ vằn Trường Sơn - một trong những loài động vật bí ẩn nhất Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

“Có thể sẽ phải giải cứu nó khỏi một cái bẫy dây” - tôi tiếp tục nghĩ, căn cứ vào tình trạng bẫy thú rừng tràn lan ở nước ta và cả tinh thần bảo tồn động vật hoang dã của chuyến đi. 

Xin bạn đọc thứ lỗi cho trí tưởng tượng này, chỉ vì tôi muốn tạm quên thực tế rằng 20km băng rừng, 3km leo núi dốc và hàng ngàn con vắt đang chờ đợi phía trước. 

Đó là hành trình của “” - một tour thám hiểm mới mở ở Quảng Bình nhằm chào đón du khách quốc tế trở lại.

 
 Bên trong hang Ba. Ảnh: Oxalis Adventure

Tránh mặt thú rừng

Khoảng 10h sáng, chúng tôi bắt đầu đi bộ vào rừng. Theo thiết kế, mỗi đoàn trong tour vào rừng sâu này chỉ có tối đa 19 người, trong đó có 6 du khách và 1 kiểm lâm viên.

Cung đường dẫn đến hang động đầu tiên nằm trọn vẹn dưới tán rừng nhiệt đới hàng ngàn năm tuổi, đậm đặc âm thanh của côn trùng và rộn ràng những tổ hợp mùi hương từ đất, thảm mục và cây lá tươi. Nếu không được hướng dẫn, du khách sẽ khó mà nhận diện được đâu mới là đường đi bởi nhiều đoạn chỉ rộng vừa hai bàn chân hoặc bị chắn ngang bởi những dốc đá.

Phần thưởng nho nhỏ dọc đường của tôi là một vài lần hiếm hoi có người reo lên “ở đây có dấu chân”. Cả đoàn dừng lại để phân tích những dấu vết mới in trên đất, nổi bật giữa nền bùn lầy xám xịt xung quanh.

Sau vài giờ đi bộ, chúng tôi đến cửa hang Đại Cáo và tìm thấy dấu chân của một loài móng chẵn. Nhưng chúng ở khá xa so với vị trí đặt bẫy ảnh. Nhật Khoa, hướng dẫn viên của đoàn, nhanh nhảu chép dữ liệu từ bẫy ảnh vào một máy tính bảng. 

Không ghi nhận được hình ảnh nào gần đây. Tuy nhiên, 5 đoạn video thu được trước đó không lâu cho thấy sơn dương thường xuyên đến đây vào ban đêm, đơn độc, để ăn một loại thực vật mọc nhiều ở cửa hang.

Không như những hình thức du lịch động vật hoang dã (wildlife tourism) khác, lộ trình khám phá của chúng tôi được thiết kế để… tránh giáp mặt trực tiếp với thú rừng. 

Du khách vẫn được dẫn đến những nơi mà động vật thường tìm nước uống và thức ăn, nhưng vào thời điểm chúng đã rời đi. Khi đó, con người sẽ chiêm ngưỡng những gì còn lại: dấu chân, phân thú, vết ủi đất và ghi nhận của bẫy ảnh.

“Nếu chúng ta quấy rầy con thú, chúng sẽ sợ và bỏ đi nơi khác”, đơn vị tổ chức tour giải thích. Chúng tôi được yêu cầu mặc trang phục tối màu để không thu hút sự chú ý của động vật. 

Ban đêm, với một thiết bị nhìn đêm, tìm một vị trí kín đáo cách điểm cắm trại 50 - 100m, bạn có thể thử vận may của mình. Không có gì đảm bảo sự xuất hiện của động vật hoang dã, nhưng cũng không ai cố gắng đi tìm chúng.

Dẫu vậy, chúng tôi vẫn biết được sự hiện diện của thú hoang nhờ hệ thống 15 bẫy ảnh được đặt rải rác trên đường trekking và các hang động. 

Bẫy ảnh sử dụng năng lượng mặt trời, được kích hoạt bởi chuyển động của con thú trong một phạm vi nhất định, lập tức ghi lại hình ảnh hoặc video (kèm âm thanh) bất kể là ngày hay đêm.

 
 Vết ủi đất của heo rừng, ngày 25-3-2022. Ảnh: Hoàng Trung/Oxalis Adventure

Kiểm tra bẫy ảnh là một khoảnh khắc mang đến nhiều cảm xúc. Chúng tôi tụ họp quanh chiếc máy tính bảng và chờ đợi. Có một lần chúng tôi thu được một hình ảnh gây tranh cãi rất thú vị: tấm lưng to của một con lợn rừng, mà cũng có thể là của một con gấu chó.

Ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, trừ những lúc vào sâu trong hang động, chúng tôi luôn nghe được vô vàn giai điệu khác nhau của chim muông và côn trùng.

 Trong lĩnh vực nghiên cứu âm thanh sinh học (bioacoustic), có một chân lý: sức sống của một hệ sinh thái rừng thường biểu hiện qua lượng tiếng ồn chứa bên trong nó.

Những cách thức theo dõi động vật hoang dã này vừa thú vị với con người, vừa bình yên với rừng. Kịch bản “giải cứu thỏ vằn” tưởng tượng của tôi sớm phá sản, một phần vì không có chiếc bẫy thú nào trên đường đi - một dấu hiệu của công tác bảo tồn hiệu quả.

 
 Kiểm tra bẫy ảnh. Ảnh: Lê My

Dấu chân con người

Các công ty khai thác du lịch ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng lâu nay cần tuân thủ bộ tiêu chí về phòng chống cháy rừng và đảm bảo vệ sinh môi trường. Để đi từ tiêu chí đến hành động cụ thể đòi hỏi nhiều sáng tạo và sự chu đáo.

Ví dụ, để giảm tiếng ồn từ việc nấu nướng, thức ăn phục vụ khách của Công ty Oxalis Adventure được chế biến sẵn ở Phong Nha rồi cấp đông, vượt nhiều km đường rừng để đến bãi cắm trại. Thức ăn được làm nóng bằng bếp gas.

 Để tránh tạo ra rác thải nhựa, toàn bộ chén đũa, ly tách đều được rửa bằng chế phẩm sinh học, tiệt trùng bằng nước sôi và tái sử dụng. Những gì được mang vào rừng, bao gồm rác thải, sẽ được mang ra khi tour kết thúc. 

Chúng tôi thậm chí còn mang ra khỏi rừng một lượng đáng kể vỏ chai, mẩu thuốc lá, mảnh nilông… từng bị mưa lũ cuốn vào rừng sâu. Và tất cả những gì thuộc về Mẹ thiên nhiên sẽ không được phép ra khỏi rừng.

Nỗ lực giảm thiểu tác động của con người chi tiết đến từng dấu chân vật lý. Chúng tôi được yêu cầu di chuyển theo một đường đi duy nhất, đặc biệt khi tham quan các hang động. 

Theo bà Debora Limbert, chuyên gia thuộc Hiệp hội Nghiên cứu hang động Anh (BCRA), tác dụng lực của chân người và một số loại ánh đèn nhân tạo có thể ảnh hưởng đến đá vôi và hệ sinh vật phát triển trên bề mặt của nó.

Bác Deb - theo cách gọi thân thương của các anh em porter - đã gắn bó với hang động của Quảng Bình hơn 30 năm qua. Có mặt trong tour thử nghiệm lần này, bà tự tay căn chỉnh từng dải ruy băng đánh dấu những nơi được và không được đặt chân.

 
 Không giẫm lên các loài thực vật ở bãi trại. Ảnh: Lê My

Khi chúng tôi tham quan hang khô Vịnh Tròn, tôi hỏi bác Deb: “Còn những dấu chân này thì sao?”. Tôi chỉ tay vào một loạt dấu giày của cả đoàn nối tiếp nhau trên cát, bị giới hạn trong một “con đường quy ước” rộng khoảng 3 gang tay. Nó không đi thẳng mà phải quanh co để né những măng đá. 

“Ở đây không có gió hay nước chảy, nên có lẽ chúng sẽ tồn tại lâu đó" - vị chuyên gia hang động đáp - "Chúng tôi vẫn đang thử nghiệm tour, nên sẽ cần chờ một thời gian nữa xem sao”.

Vịnh Tròn là một hang khô mới được phát hiện vào năm 2021, với lối vào rộng đến 90m và những cấu trúc nhũ đá độc đáo như thể nó thuộc về một thế giới khác. Bẫy ảnh đặt ở lối vào hang, từ tháng 1 đến tháng 3, đã ghi lại sự hiện diện của nhiều cá thể khỉ mốc, voọc, sơn dương, chuột (và cả tấm lưng lợn/gấu gây tranh luận ở trên). 

“Liệu hang Vịnh Tròn, nguyên sơ và đầy sức sống như nó vốn dĩ, có cần chúng ta khám phá?”, tôi thầm hỏi.

Vào buổi sáng ngày thứ 4 của chuyến đi, chúng tôi lên đường ra khỏi rừng. Thỉnh thoảng, Jerry - một trong các trợ lý an toàn - dừng lại và chỉ cho ông Nguyễn Hữu Trí, phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng, vị trí các cây mun hay cây dổi quý hiếm. Đơn vị của ông Trí đang lập bản đồ các loài cây có tên trong Sách đỏ Việt Nam này.

“Chắc chắn là khi có hoạt động du lịch, công tác bảo vệ rừng và bảo tồn của phía kiểm lâm sẽ dễ dàng hơn”, ông Trí nói. Ở những nơi có du khách, lâm tặc sẽ khó hoạt động, “các công nhân viên, hướng dẫn viên du lịch, porter [đội ngũ khuân vác] đều là tai mắt của kiểm lâm”.

Nói như vậy, dấu chân của du lịch có lẽ không hoàn toàn vô bổ, miễn là chúng ta bước đi khiêm tốn và thận trọng với lòng tôn trọng tự nhiên sâu sắc. 

Tour thám hiểm hang Ba là một sản phẩm kinh doanh, và hẳn vẫn còn nhiều vấn đề trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng từ những gì tôi tận mắt thấy, hẳn là câu chuyện “bảo tồn thiên nhiên” đã được những người làm du lịch tính toán kỹ lưỡng và chân thành.

Trên đường khám phá Hang Ba.


Trên thế giới, ý tưởng du lịch thiên nhiên kết hợp sử dụng bẫy ảnh để phục vụ công tác bảo tồn đã xuất hiện từ nhiều năm trước, chẳng hạn như tổ chức phi chính phủ Habitat ID hoạt động ở Campuchia.

Theo bài giới thiệu ngày 6-3-2014 trên trang Mongabay, khi du khách khám phá những vùng rừng hẻo lánh, họ có thể chung tay - theo nghĩa đen - cùng kiểm lâm viên hoặc nhà nghiên cứu gắn/tháo bẫy ảnh.

Phần lợi nhuận từ du lịch cũng có thể hỗ trợ việc mua sắm thiết bị và trả lương cho kiểm lâm. Mô hình du lịch này có ý nghĩa lớn trong việc đo lường độ đa dạng sinh học của những khu vực "bị mặc kệ" và eo hẹp tài trợ.

Với các bẫy ảnh xung quanh hang Ba, đơn vị sở hữu tour là Oxalis Adventure cho biết họ không cung cấp hình ảnh và video cho du khách vì không muốn khuyến khích hoạt động săn bắt thú rừng tại đây.

Liệu những dữ liệu thu được có thể phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn hay không hiện là một câu hỏi mở.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận