05/04/2020 09:33 GMT+7

Du lịch mùa COVID: 'Khó chồng khó'

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kéo dài khiến hoạt động của ngành du lịch bị xáo trộn một cách nặng nề. Hàng loạt tour tuyến trong nước và quốc tế bị hủy đột ngột theo quy định chống dịch của các nước.

Du lịch mùa COVID: Khó chồng khó - Ảnh 1.

Đoàn du khách Pháp tham quan TP.HCM trên xe buýt hai tầng ngày 26-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các doanh nghiệp du lịch rất đề cao chữ tín, bởi đây là lĩnh vực có chuỗi cung ứng được phân công rõ ràng, chuyên nghiệp. Sự hợp tác lâu dài hay không là tùy thuộc vào đối nhân xử thế với nhau, đặc biệt trong hoàn cảnh gian nan.

Ông Trần Thế Dũng (phó tổng giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ)

Trong tình hình dịch bệnh thay đổi từng ngày, doanh nghiệp gần như khó có thể đảm bảo các quy định về thời gian báo hủy dịch vụ theo hợp đồng, thì việc chia sẻ rủi ro, thiệt hại giúp các doanh nghiệp dìu nhau qua bão dịch.

Hàng không đẩy khó cho đối tác

Sau khi đưa đoàn khách Pháp cuối cùng rời VN về nước, Công ty Images Travel mới có thời gian bắt tay vào xử lý công nợ với đối tác là nhà hàng, khách sạn và hãng hàng không với gần trăm tour bị hủy trong tháng 3, hơn ngàn lượt du khách.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toản - giám đốc Công ty Images Travel, những tưởng trong hoàn cảnh bất khả kháng như dịch bệnh, việc xử lý bồi hoàn, công nợ sẽ thuận lợi hơn nhưng thực tế không như vậy.

"Chúng tôi đang có nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng tiền cọc vé máy bay với một hãng hàng không trong nước. Đây là vé bay nội địa của những hành khách quốc tế vào VN, nhưng do chúng ta đóng cửa chống dịch nên những du khách này không thể vào du lịch như dự kiến. Vậy mà đến nay chúng tôi không thể hoàn, hủy, nhận lại tiền vé. Chỉ riêng chi phí hủy vé cũng bị trừ đến 350.000 đồng/vé, với số khách trong mùa cao điểm, số tiền này nhân lên là rất lớn" - ông Toản cho biết.

Kinh doanh du lịch nhiều năm, ông Nguyễn Ngọc Toản cho rằng quan hệ đối tác rất quan trọng, nên những hành xử trong lúc khó khăn sẽ quyết định hợp tác lâu dài sau này. Vì vậy, việc áp dụng các chế độ, điều kiện vé khắt khe cho tình huống bất khả kháng (cả nước đóng cửa, tạm ngưng du lịch...) là không chia sẻ với doanh nghiệp lữ hành, đẩy cái khó về cho đối tác.

Đại diện Công ty Asev Travel cũng cho biết rất thất vọng vì cách xử lý của hãng hàng không trên khi DN này chịu thiệt hại không nhỏ với phí hủy vé. Hãng hàng không trên cũng đưa ra phương án chấp nhận hoàn tiền cho số vé báo hủy sớm hơn nhưng bắt buộc chuyển số tiền vào tài khoản EMD (tài khoản giữa DN và hãng hàng không) với điều kiện chỉ dùng cho việc đặt vé máy bay với tên khách hàng cũ có giá trị trong một năm.

"Đó là sự đánh đố vì không DN lữ hành nào có thể đảm bảo du khách sẽ quay lại VN trong vòng một năm tới" - đại diện Công ty Asev Travel nói. Theo các DN, cùng rơi vào trường hợp tương tự nhưng một hãng hàng không đã hoàn lại toàn bộ tiền cọc vé cho các DN trong tháng 3, có hãng chủ động hoàn nhưng chỉ xin trả chậm vì cũng khó khăn.

Chia sẻ để đi lâu dài với nhau

Ấm ức không kém đến mức quyết định sẽ "chia tay" đối tác là trường hợp đoàn khách của Công ty du lịch Viking. Ông Trần Xuân Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Viking, cho biết trong những ngày dịch bùng phát, cũng như nhiều DN khác, đơn vị này phải hủy tour của hàng trăm khách và đều hoàn tiền 100% cho các đoàn vì ai cũng hiểu dịch COVID-19 là điều không mong muốn và không tránh được.

Thế nhưng, một khách sạn 5 sao mà DN này có hợp đồng khá lớn vẫn quyết tính phí đầy đủ dù đoàn khách không thể tới, với lý do không thông báo trước sáu ngày như hợp đồng. "Nếu căn cứ theo hợp đồng thì khách sạn đúng nhưng trong tình hình dịch bệnh, khách sạn vẫn cứng nhắc như vậy thì thật vô cảm. Chúng tôi có đề nghị khách sạn này giảm tiền phòng họp, tiền ăn sáng để giảm thiểu thiệt hại nhưng vẫn không được chấp nhận" - ông Hùng nói, đồng thời khẳng định sẽ không bao giờ đưa khách quay lại khách sạn này nữa.

Theo ông Trần Văn Tâm, giám đốc khách sạn Continental thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), trên thế giới có những quy ước trong lĩnh vực du lịch trở thành ứng xử chung cho toàn ngành. Theo đó, trong những hoàn cảnh bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh... thì sức khỏe, tính mạng con người luôn được ưu tiên.

"Chúng tôi cũng bị ảnh hưởng trong mùa dịch, nhiều đám cưới, tiệc đặt xong rồi cũng vì dịch mà không thể diễn ra. Trong những tình huống đó, chúng tôi khuyến khích khách dời ngày, dời cho đến khi nào hết dịch thì tổ chức chứ không nên hủy" - ông Tâm nói. Cũng có khách sạn ở TP.HCM "chịu chơi" khi hoàn lại toàn bộ số tiền cọc không nhỏ cho một sự kiện lớn, với hi vọng khách sẽ quay lại và tiếp tục đồng hành cùng nhau khi hết dịch.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên - giám đốc điều hành Công ty Asian Trails, cho biết từ đây đến hết tháng 4-2020, DN không còn khách, đây là tình cảnh chung của các nhiều công ty lữ hành hiện nay. Trong bối cảnh này, việc DN trong chuỗi cung ứng của ngành du lịch ngồi lại cùng tìm ra phương án, chia sẻ thiệt hại sẽ giúp DN có nguồn lực vực lại sau dịch.

Liên kết khôi phục du lịch sau dịch

img_7257 3(read-only)

Du khách mang khẩu trang khi tham quan trung tâm TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ông Trần Thế Dũng, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ, cho biết TP hiện nay có hơn 1.103 công ty du lịch đủ điều kiện hoạt động, trong đó có những đơn vị đầu tư du lịch kết hợp với thương mại hoặc những ngành nghề khác, cũng có công ty chỉ làm thời vụ sau đó tạm ngưng. Sau dịch, con số này sẽ có thể vơi dần.

Theo các DN du lịch, dịch COVID-19 không chỉ thổi bay doanh thu của ngành du lịch mà sẽ vẽ lại thị trường sau dịch. Các mối quan hệ đối tác, cách thức phát triển thị trường lẫn sản phẩm sẽ phải thực hiện khác đi để thích ứng với điều kiện mới. Nghiên cứu mới đây của Savills Việt Nam cho rằng dù là ngành dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sự bất ổn kinh tế - xã hội nhưng qua các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đại dịch SARS 2003... cho thấy ngành du lịch luôn phục hồi mạnh mẽ chỉ trong khoảng sáu tháng.

Riêng dịch bệnh COVID-19 có tác động sâu rộng hơn các cuộc khủng hoảng trước, ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế thế giới nên có thể thời gian phục hồi của ngành du lịch sẽ lâu hơn. Nhiều DN đang tạm đóng cửa để tiết kiệm chi phí và chờ "khởi nghiệp" lại sau dịch. Khi dịch đi qua, các DN lớn, nhỏ đều trở về vạch xuất phát.

TP.HCM: doanh thu du lịch mất 10.000 tỉ đồng

Theo Sở Du lịch TP.HCM, tác động của dịch COVID-19 làm cho tổng lượng khách tới TP.HCM trong quý 1-2020 giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của du lịch TP.HCM cũng mất gần 10.000 tỉ đồng. Các DN du lịch lữ hành là nhóm chịu tổn thất nặng nề nhất do lượng khách giảm đến 95%, toàn bộ tour tuyến đều bị hủy, hoãn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết bên cạnh các giải pháp đề xuất miễn, giảm, giãn thuế, sở đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM về việc cung cấp thông tin DN du lịch vay vốn bị thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra và cần sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc vay vốn để tháo gỡ những khó khăn. "Chúng tôi đang xúc tiến và đánh giá khẩn trương với mục đích làm sao doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ càng sớm càng tốt" - bà Hoa cho biết.

Du lịch TP.HCM giảm hơn 84% lượt khách, hụt thu gần 10.000 tỉ đồng Du lịch TP.HCM giảm hơn 84% lượt khách, hụt thu gần 10.000 tỉ đồng

TTO - Lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành ở TP.HCM liên tục giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Du lịch TP.HCM ước tính hụt thu gần 10.000 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên