03/08/2013 16:59 GMT+7

Du lịch một mình

THÁI NGỌC
THÁI NGỌC

TTCT - Đến giờ tôi vẫn nhớ như in câu nói của Ismui, bạn trẻ người Israel gặp trong chuyến đi bụi một mình lần đầu tiên hơn 10 năm trước: “Đừng ngại ngần gì hết! Tin tôi đi! Khi đi một mình bạn sẽ dễ dàng làm quen, cũng như người khác sẽ dễ dàng làm quen với bạn hơn khi bạn đi chung nhóm...”.

Không chỉ vì lời nói của Ismui mà còn vì nhiều điều kiện khác, từ đó đến giờ tôi hầu như lên đường một mình, và còn gặp nhiều điều hay ho hơn cả những điều bạn đã nói.

YIaBooha.jpgPhóng to
Lỡ chuyến xe duy nhất lúc 5g sáng, tôi cuốc bộ một mình gần 30km tìm đến bảy chiếc hồ xanh Maguzor ở Tajikistan - Ảnh: Thái Ngọc

Một mình chơi với ai?

Lang thang ung dung tự do tự tại một mình quả là thật sự thú vị. Ai đó sẽ nói “bạn sẽ chia sẻ với ai khi gặp những điều kỳ thú đến choáng ngợp hay những khi bệnh tật, tai ương bất chợt?”, “một mình sẽ xử lý như thế nào khi tàu xe lỡ bước lúc đêm hôm khuya khoắt nơi rừng xanh núi đỏ hay chốn giang hồ hiểm nguy?”...

Sẽ rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Không đi sâu chi tiết như ở các tài liệu hướng dẫn, tôi thường trả lời bạn tôi là “chuẩn bị thật kỹ”. Kỹ ở đây là rất nhiều khâu, từ mua bảo hiểm phòng thân, các loại thẻ tín dụng quốc tế, thông tin về cung đường, miền đất định đến... Vẫn chưa đủ, vì sẽ có nhiều điều bất ngờ không như dự định, nên kế tiếp phải là tâm lý và các kỹ năng xã hội.

Tâm lý nên thoải mái trong nhiều việc. Tỉ như lỡ một chuyến xe, mất luôn cơ hội đến một địa danh nổi tiếng thì cũng chẳng tiếc gì - thế giới còn đầy dẫy những điều tươi đẹp khác đang chờ. Như có lần tôi lỡ chuyến đi Manado, tôi nhảy lên xe đi Ampana rồi sửng sốt trước thiên đường hoang sơ Togean, Sulawesi, Indonesia. Tỉ như nếu gặp rào cản ngôn ngữ thì dùng hình thể, hình vẽ...

Như có lần tôi muốn đi cánh đồng hoa hướng dương ở Wang Muan, Lopburi, Thái Lan, các bác tài xe buýt đều không biết nhưng khi tôi nguệch ngoạc vẽ nhanh mấy bông hướng dương và ông mặt trời (xấu hoắc) vào cuốn sổ luôn nhét trong túi, các bác cười hỉ hả lôi tôi đến đúng chiếc xe... Cứ thế tôi lên đường.

Có không những bất trắc? Có chứ. May mắn là chỉ bệnh lặt vặt nhưng có “tổn thất” về tài chính. Một lần bị móc túi ở bến xe Quý Dương, Quý Châu, một lần bị tráo tiền ở ga Nam Ninh, Trung Quốc, một lần bị đè ra lấy máy chụp hình ở Arslanbob, Kyrgyzstan. Hai lần đầu do tôi hớ hênh, cái máy P&S cỡ bao thuốc lá nhét túi áo khoác quên kéo khóa, lại để dây thòng ra ngoài, móc dễ ợt. Tráo tiền thì do vội lên tàu nên lúc đổi tiền lẻ không để ý.

7gpg7abc.jpgPhóng to
Cùng bạn bè khắp nơi lên lưng lạc đà tiến vào sa mạc Gobi, Mông Cổ - Ảnh: Thái Ngọc

Mỗi chuyến đi, một kết nối

Ismui nói “chỉ gần đúng” về cơ hội giao tiếp, làm quen kết bạn mới trên đường du lịch. Vì cơ hội quả là nhiều, nhưng sự khác biệt về cách sống, tôn giáo, văn hóa, sở thích... không đếm hết. Tỉ như các bạn trẻ Âu, Mỹ đi chơi thường có thói quen ngủ trễ, dậy trễ, làm sao có thể rủ dậy từ 3 giờ sáng đi bộ 2 giờ đồng hồ lên đỉnh Nagarkot (Nepal) ngắm bình minh trên Himalaya. Còn có một lý do khác là vùng đó, đất nước đó hoang vắng... hoặc vì lý do chính trị, ít người đi.

Như hôm đi xin hộ chiếu vào Bangladesh ở Kolkata, Ấn Độ chỉ có mình tôi được visa một tháng, các bạn Âu, Mỹ người bảy ngày, kẻ chỉ hai tuần. Thật ra, thời gian đầu còn khó chịu khi cứ lầm lũi một mình, riết rồi quen. Tôi tập cho mình thói quen nếu không có “nhiều mình” thì cứ tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp, đền xưa đài cũ lung linh... một mình.

Nhưng trên đường đi tôi đâu chỉ gặp, chỉ quen những khách du lịch. Tôi còn được nồng hậu chào đón bởi nhiều người dân địa phương thân tình. Sao tôi quên được buổi chiều ngồi một mình trong quán ở quê nghèo Mawlamyine, Myanmar, tự nhiên những bạn trẻ địa phương cầm ly qua chào.

Rồi một bạn đứng lên đi ra ngoài, quay lại với đôi dép xỏ ngón (đặc trưng của Myanmar) tặng tôi “vì lúc nãy bạn là khách, nhưng giờ bạn đã là anh em như người mình, bạn phải mang dép như tụi mình”. Lý do dễ thương đến mức làm tôi nghẹn đắng vì tôi biết thu nhập của các bạn tương đối.

Không thể kể ra hết những tấm chân tình tôi đón nhận từ người dân địa phương hiền hòa mến khách. Nhưng khi nhớ đến, nhiều khi tôi tự hỏi mình sẽ đi tiếp những cung đường vì danh lam thắng cảnh hay vì những tấm chân tình, sự mến khách hiền hòa mà qua đó tôi đón nhận, học hỏi, lớn lên... Mà đôi lúc, sự thân tình ấm áp của người dân địa phương dường như rất giống nhau chẳng phân biệt biên giới, màu da.

Buổi tối trong quán vắng ở Mường Lay, Lai Châu, bác trai ngồi bàn kế nghe tôi huyên thuyên chợt bước qua: “Mấy chục năm rồi tao mới nghe tiếng miền Nam ở đây. Uống với tao nào, tối nay tao mời hết nhé!”. Có khác nào một đêm nửa khuya về sáng ở Trabzon, Thổ Nhĩ Kỳ mấy năm trước, cũng một bác già lớn tuổi: “Mày Việt Nam sao? Tao thích Việt Nam lắm. Mời hết tụi này tối nay nghen!”. Làm cả đám thanh niên Thổ mới vừa quen trợn mắt nhìn mình ngưỡng mộ!

vl06vCaV.jpgPhóng to
Xắn tay phụ dựng lều du mục cùng người dân thảo nguyên Song Kol, Kyrgyzstan hiền lành mến khách - Ảnh: Thái Ngọc
0CWNkYUX.jpgPhóng to
Cùng hòa mình vào nghi thức lội bùn trong lễ hội Bun Bang Fai của người dân Yasothon, Thái Lan - Ảnh: Thái Ngọc
jxowyrTq.jpgPhóng to
Đôi khi một mình vẫn hạnh phúc trước bình minh ở Bandipur khi mây bồng bềnh ngay dưới chân mình... - Ảnh: Thái Ngọc
THÁI NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên