Du lịch: Mỏi mòn chờ khách quốc tế

QUỐC NAM - NHƯ BÌNH 31/07/2022 07:20 GMT+7

Sau 3 tháng du lịch mở cửa, chỉ có hơn 413.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đạt chưa đến 10% mục tiêu đón 5 triệu lượt khách đề ra hồi đầu năm 2022.

Du lịch: Mỏi mòn chờ khách quốc tế - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài tham quan quận 1, TP.HCM vào trưa 12-7. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nước nào cũng "ế"

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, tổng giám đốc Công ty du lịch Hòa Bình, cho biết dù đã là tháng 7-2022 nhưng lượng khách nước ngoài đặt tour và dịch vụ ở công ty vẫn chưa khả quan trong khi nhóm khách này thường có thói quen lên kế hoạch du lịch từ rất sớm, trước 6 tháng đến cả năm.

"Nhìn vào lượng booking của khách quốc tế cho những tháng cuối năm, ai cũng sốt ruột, không biết họ sẽ đi đâu vào dịp cuối năm nay nếu không đến Việt Nam", bà Lệ băn khoăn.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc tiếp thị và truyền thông của Lữ hành Saigontourist, cũng cho biết 90% trong số 280.000 lượt khách mà đơn vị phục vụ dịp hè năm nay là khách nội địa. 

Trong kế hoạch đón khách quốc tế cuối năm, doanh nghiệp bà đã chủ động làm việc với các đối tác nước ngoài, hy vọng tình hình sáng sủa hơn từ năm 2023. Với thị trường Mỹ là đón dòng khách du lịch tàu biển quốc tế. 

Theo lịch tàu hiện có từ các đối tác tàu biển của đơn vị, trong năm 2022 - 2023 Lữ hành Saigontourist dự kiến đón 23 chuyến, ước tính khoảng 22.550 lượt khách du lịch quốc tịch Mỹ. Nhưng mức tăng này kỳ vọng đạt được chủ yếu từ năm sau, khi các hải trình du lịch được nối lại hoàn toàn.

Ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói kế hoạch đón khách quốc tế của Việt Nam trong năm 2022 là 5 triệu lượt. 

Ban đầu nhiều người cho rằng đây là con số nhỏ bé, nhưng thực tế còn có thể ít hơn rất nhiều. Bởi trong 6 tháng đầu năm Việt Nam chỉ đón được 413.000 lượt khách quốc tế, tính luôn những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Nếu tính đúng cho một du khách thực sự, có lưu trú khách sạn, sử dụng dịch vụ tour du lịch thì con số này thậm chí còn ít hơn nữa.

Tuy vậy, theo ông Bình, tình trạng "ế khách" không chỉ xảy ra với Việt Nam mà ở tất cả các nước. Nhiều quốc gia có thế mạnh du lịch đã đưa hàng loạt chính sách ưu đãi, cơ chế thông thoáng để đón khách quốc tế nhưng sự hồi phục vẫn chưa như kỳ vọng.

Chưa thực sự mở cửa

Theo các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, cái khó chung hiện nay là tâm lý của du khách trên thế giới. Phần lớn khách còn ngại vì dịch bệnh, trong khi thủ tục, việc đi lại giữa các nước vẫn chưa thông thoáng. 

Riêng thị trường Việt Nam, hiện vẫn chưa có khách đi du lịch tự túc mà chỉ cấp visa cho khách theo đoàn hoặc có chương trình tour đủ 7 ngày qua công ty du lịch. 

Trong khi đó, các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chưa tạo điều kiện cho du lịch quốc tế. Thị trường khách Nga đang bị đóng băng do xung đột Nga - Ukraine.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, cho biết khách quốc tế đến Việt Nam hiện chủ yếu đi theo công vụ, thăm thân nhân, kinh doanh..., còn lượng khách du lịch rất ít do quy định hiện nay chỉ cấp visa cho du khách đăng ký đi tour tối thiểu 7 ngày qua công ty du lịch. 

"Hai nhóm khách còn lại là khách du lịch tự túc và khách du lịch kết hợp hội họp vẫn chưa được tạo điều kiện cấp visa trở lại khiến nguồn khách rất ít", bà Hoàng nói.

Thời gian qua, Vietravel đã dẫn một số đoàn quốc tế như chuyến charter cho khách hàng từ Mông Cổ qua Việt Nam và ngược lại. Nhưng thực hiện chuyến bay đơn lẻ như vậy không dễ. 

Lệ phí thị thực (visa) vẫn là bài toán khó đầu tiên trong việc mở cửa thu hút khách quốc tế trở lại, có thể đón được 3 dòng khách thay vì chỉ 1 đối tượng như hiện nay. 

Ông Nguyễn Ngọc Toản, tổng giám đốc của Images Travel, chuyên thị trường khách Âu, cho biết cái khó của du lịch quốc tế hiện nay còn là thiếu chuyến bay quốc tế dẫn đến tần suất đi lại ít, giá vé cao.

Do nhiều chuyến bay châu Âu nối với Việt Nam còn hạn chế, du khách phải chọn các đường bay quá cảnh với tần suất ít hơn.

Những khó khăn trên khiến cho mảng inbound hồi phục khá chậm chạp. Những tháng cuối năm, các doanh nghiệp lữ hành sẽ tiếp tục gặp khó khăn nếu chính sách mở cửa, xúc tiến chưa có đột phá mới. 

Theo ông Vũ Thế Bình, cái khó nhất vẫn là chính sách visa: Việt Nam đang áp dụng miễn visa chỉ 15 ngày - một quy định rất vô lý khi mà thị trường du lịch quốc tế nhiều nơi đang đề xuất miễn hẳn 60 ngày.

Du lịch: Mỏi mòn chờ khách quốc tế - Ảnh 2.

"Cơ sở nào để cho rằng du khách vào Việt Nam 15 ngày là đủ chi tiêu, đủ thăm thú thì cơ quan quản lý vẫn chưa thể trả lời được. Họ tự đưa ra và chốt con số 15 ngày suốt bao nhiêu năm nay.

Nếu thực sự muốn đón khách, các cơ quan có thẩm quyền phải ngồi lại với nhau, lý giải thuyết phục về việc chỉ miễn 15 ngày cho du khách quốc tế đến Việt Nam", ông Bình đặt vấn đề.

Nhưng ngay cả doanh nghiệp đón được khách đến Việt Nam cũng chưa hẳn đã vui. Bà Cao thị Tuyết Lan, phó tổng giám đốc Viettours, cho biết vừa tổ chức một tour cho đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện; du lịch khen thưởng của các công ty dành cho nhân viên, đối tác) cho công ty nước ngoài ở Việt Nam. 

Dù sắp xếp và đặt phòng từ trước, nhưng hôm đến Việt Nam, rất nhiều khách phải chờ tới 11h khuya ở sảnh, không thể lên phòng nghỉ ngơi vì khách sạn 5 sao này thiếu nhân viên phục vụ phòng, không ai dọn dẹp. 

Để có được các dịch vụ ăn uống, đi lại…, công ty phải liên hệ nhiều nhà cung cấp khác nhau mới đảm bảo cho số lượng 300 khách. 

"Với sự hồi phục các chuỗi dịch vụ chậm chạp như hiện nay, thiếu nghiêm trọng nhân sự ở khách sạn, nhà hàng…, nếu hỏi dám đón đoàn khách quốc tế lớn đến không thì chúng tôi cũng lắc đầu", bà Lan nói.

Với ông Lại Minh Duy, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM: "Các doanh nghiệp rất cần hỗ trợ hoạt động quảng bá, tăng tính nhận diện, thông tin về du lịch Việt Nam ra các nước. Về lâu dài, doanh nghiệp cần tìm cách tăng doanh thu từ khách du lịch thay vì chỉ trông vào số lượt khách".

Các nước làm gì để hút khách quốc tế?

Tổng cục Du lịch Thái Lan đang đề xuất Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) miễn visa đến hết năm 2022 để kích cầu du lịch. Theo đại diện ngành du lịch nước này, việc miễn lệ phí thị thực sẽ tạo động lực để nhiều du khách quốc tế lựa chọn Thái Lan là điểm đến du lịch và cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn trước. 

Ước tính khoảng 5-7 triệu du khách sẽ đến Thái Lan trong 6 tháng cuối năm, mang về doanh thu khoảng 1.500 tỉ baht (tương đương 42,3 tỉ USD).

Các công ty lữ hành cũng đang hối thúc Chính phủ Thái Lan gia hạn thị thực du lịch tối đa đến 45 ngày để khuyến khích du khách lưu trú lâu hơn. 

Tổng cục Du lịch Singapore cho biết ngoài khởi động lại giải chạy bộ, phố mua sắm…, Bộ Y tế nước này vừa thông báo gỡ giới hạn về quy mô tối đa tại các cơ sở kinh doanh giải trí về đêm có hoạt động khiêu vũ từ ngày 14-6.

Khách cũng không cần xuất trình kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) âm tính để vào các địa điểm giải trí này.

Tuy nhiên, các biện pháp quản lý an toàn dựa trên tình trạng tiêm chủng sẽ tiếp tục được áp dụng. Theo đó, các chủ sở hữu đơn vị kinh doanh vẫn phải kiểm tra tình trạng tiêm chủng của khách hàng. Khách hàng sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang trên sàn nhảy. 

Giải trí về đêm là một trong những lĩnh vực cuối cùng được phép hoạt động lại hoàn toàn và đây là một trong những dịch vụ đóng góp lớn cho du lịch nước này. ■

Không nên quá lo lắng

Mặc dù nhìn nhận mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022 sẽ là thách thức rất lớn, nhưng theo ông Vũ Thế Bình, còn quá sớm để đánh giá du lịch Việt Nam có về đích hay không. Bởi trong ngành du lịch đôi lúc sự bùng nổ trong một thời điểm nhất định cũng có thể cứu được chỉ tiêu cả một năm.

"Đến nay vẫn chưa có cơ sở để điều chỉnh số lượt khách quốc tế đến Việt Nam giảm, trong khi cả ngành du lịch vẫn đang xem đây là mục tiêu phấn đấu. Đợi đến ngày 31-12 mọi chuyện mới ngã ngũ", đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam tự tin nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận