14/05/2006 04:38 GMT+7

Du lịch ghép tạng

L.XUÂN tổng hợp
L.XUÂN tổng hợp

TT - Số bệnh nhân giàu có chờ được cấy ghép nội tạng đang ngày càng tăng cao trong khi số bộ phận nội tạng hiến tặng có giới hạn. Để tìm lối ra, nhiều bệnh nhân “đi du lịch” đến các nước đang phát triển.

F7i3FnHQ.jpgPhóng to

Quan chức y tế Trung Quốc dùng hình ảnh phản bác những lời tố cáo về chuyện bán nội tạng tử tù - Ảnh: Reuters

TT - Số bệnh nhân giàu có chờ được cấy ghép nội tạng đang ngày càng tăng cao trong khi số bộ phận nội tạng hiến tặng có giới hạn. Để tìm lối ra, nhiều bệnh nhân “đi du lịch” đến các nước đang phát triển.

Tại các nước phát triển, việc mua bán nội tạng bị cấm đoán. Ở Mỹ, gần 400.000 người trông chờ nhận quả thận mới trong tuyệt vọng. Theo một điều luật của Mỹ ban hành năm 1984, những người vi phạm lệnh cấm buôn bán nội tạng người sẽ bị phạt 50.000 USD và năm năm tù giam.

Do vậy, thời hạn chờ đợi có thể kéo dài đến 10 năm nếu “hàng” khan hiếm, dĩ nhiên bệnh nhân sẽ không thể sống được đến thời gian này.

Theo nhật báo Le Temps, tại Thụy Sĩ, danh sách bệnh nhân chờ đợi được cấy ghép nội tạng luôn ở số 1.000 và trong năm 2004, có khoảng 40 người đã chết trước khi có thể lên bàn mổ để nhận cơ quan nội tạng mới. Tại Pháp, số người chờ ghép thận là 10.000 người và chỉ 1/3 trong số đó tìm được người hiến tặng. Tại Anh, tình trạng khan hiếm cơ quan nội tạng là nguyên nhân tử vong sớm của 400 người/năm.

Vì thế, không khó hiểu khi “thị trường đen” cơ quan nội tạng bắt đầu bùng nổ từ những năm 1980. Theo nhà khoa học Nancy Scheper - Hughes thuộc Trường đại học Berkeley (California, Mỹ), ngoài thận, người ta có thể tìm mua gan, võng mạc, toàn bộ cơ quan mắt, van tim hay các phần của bộ não.

“Tất cả đều được cung ứng đầy đủ trên thị trường đen” - nhà khoa học khẳng định. Theo đó, một xác người hiện được định giá 220.000 USD. Trong khi ở Mỹ giá một quả thận trung bình 45.000 USD, thì tại Trung Quốc (TQ) chưa đến 20.000 USD.

Và tại đây, người ta có thể mua một lá gan với giá 40.000 USD, một giác mạc 5.000 USD... Đường đi của những cuộc cấy ghép này thường thông qua du lịch.

Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế và Organs Watch, các chuyến du lịch gắn với cấy ghép nội tạng đặc biệt nổi trội ở các nước: Brazil, Bulgaria, Haiti, Ấn Độ, Mexico, Moldova, Mozambique, Pakistan, Paraguay, Peru, Romania, Salvador và Thổ Nhĩ Kỳ với hàng ngàn vụ cấy ghép bất hợp pháp được thực hiện mỗi năm cho các khách du lịch giàu có...

Sức hấp dẫn nằm ở ưu thế chính: giá cả cho những ca ghép đã tính chi phí lưu trú, nghỉ dưỡng chỉ bằng 50% so với chi phí phẫu thuật tương tự ở châu Âu. Tại hầu hết các bệnh viện của TQ, người ta dễ dàng nhìn thấy các mẫu quảng cáo cấy ghép nội tạng dán trên tường như một dịch vụ công khai.

Mới đây, chính quyền TQ đã ban hành các biện pháp nhằm siết chặt dịch vụ này. Theo đó, chỉ có các bệnh viện lớn đăng ký mới được phép thực hiện dịch vụ cấy ghép nội tạng, bệnh viện phải có giấy ủy quyền của người hiến nội tạng và đối tượng này có quyền thay đổi ý kiến bất cứ lúc nào. Thế nhưng, đối với những bệnh viện tư và bệnh viện có qui mô nhỏ, không ai có thể bảo đảm luật sẽ được tôn trọng.

Do có những dư luận về việc chính quyền TQ làm ngơ cho việc buôn bán nội tạng tử tù, ngày 10-4, cơ quan y tế TQ đã công khai bác bỏ những đồn thổi này. Theo người phát ngôn Bộ Y tế TQ Mao Quần An, những bộ phận nội tạng được sử dụng trong các ca phẫu thuật cấy ghép tại nước này từ những người tình nguyện ký giấy hiến tặng trước khi họ qua đời.

Đối với những tù nhân phạm tội nghiêm trọng chờ thi hành án tử hình, các phần thân thể của họ chỉ được sử dụng nếu họ đã ký giấy đồng ý hay được gia đình họ chấp thuận cùng với sự chuẩn y của cơ quan công quyền.

Ông cho rằng tiến trình này cũng tương tự như việc hiến tặng nội tạng của công dân bình thường. Ông Mao buộc tội một số cơ quan thông tin nước ngoài đã thông tin sai lệch đến công chúng trong vấn đề này.

L.XUÂN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên