20/02/2022 18:38 GMT+7

Du khách vượt hơn 2.000km từ TP.HCM đến Y Tý 'tận hưởng' cái rét sâu của Tây Bắc

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Bất chấp thời tiết mưa rét, nhiệt độ có lúc giảm xuống -1 độ C, nhiều du khách từ TP.HCM, Bình Dương vẫn thích thú khoác áo ấm, quàng khăn... để lên vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) ngắm băng giá, đào rừng nở đỏ những ngày này.

Du khách vượt hơn 2.000km từ TP.HCM đến Y Tý tận hưởng cái rét sâu của Tây Bắc - Ảnh 1.

Chị Trương Thị Phương Như và anh Võ Phước Đức tiếc nuối khi phải về sớm, bỏ lỡ cơ hội ngắm băng giá ngay ngoài cửa sổ homestay ở Y Tý do vướng bận công việc tại TP.HCM - Ảnh: HÀ QUÂN

Tuổi Trẻ Online ghi nhận, hai ngày cuối tuần 19-2 và 20-2, lượng du khách đến xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) tăng đột biến. Có homestay đón 2 - 3 đoàn khách từ Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương…

Những ngày này, trời mưa rét, nhiệt độ thấp kèm theo gió to nên những chuyến khám phá đỉnh Lảo Thẩn - "nóc nhà" của Y Tý, với độ cao 2.860m - không "đắt khách" như thường lệ. 

Mây mù, thời gian "săn mây" ít đi nên nhiều người lựa chọn tham quan bản Choản Thèn của người Hà Nhì, cách trung tâm xã 3km. Ngoài khám phá nhà trình tường cổ của người Hà Nhì, thung lũng ruộng bậc thang…, cây hạnh phúc nằm ở cuối bản là điểm check-in nổi tiếng du khách không thể bỏ qua khi đến đây.

Vượt quãng đường hơn 2.000km, anh Võ Phước Đức (41 tuổi, Bình Dương) cùng nhóm hơn 10 người bạn quyết định chọn Y Tý làm điểm đến thay vì Sa Pa hoặc Fansipan vì nơi đây còn nhiều nhà trình tường của người dân tộc Hà Nhì, đào rừng nở bung đẹp, có cơ hội ngắm tuyết rơi nếu may mắn.

"Mình tranh thủ cuối tuần cùng các bạn lên đây chơi. Trời mưa phùn vào ngày hôm qua nhưng hôm nay trời quang hơn, phong cảnh hùng vĩ nên không bõ công mình từ Sài Gòn ra đây", anh Đức tâm sự.

Đi cùng đoàn anh Đức, chị Trương Thị Phương Như (46 tuổi, TP.HCM) chia sẻ bản thân rất thích thời tiết ở Y Tý lúc này vì thoát khỏi cái nắng của Sài Gòn và cơ hội khám phá cuộc sống, thiên nhiên, con người nơi đây.

"Sài Gòn nóng 32 - 34 độ. Ra đến đây, trời lạnh nên mình rất thích. Chỉ tiếc là chuyến đi ngắn do vướng bận công việc", chị Như tâm sự.

Du khách vượt hơn 2.000km từ TP.HCM đến Y Tý tận hưởng cái rét sâu của Tây Bắc - Ảnh 2.

Nhóm bạn của cô Hoàng Thúy Hạnh (Hà Nội) thích thú khi ngắm thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc ở khu vực cây hạnh phúc cuối bản Choản Thèn - Ảnh: HÀ QUÂN

Còn anh Phạm Đắc Huy (24 tuổi, một du khách từ Hà Nội) vui vẻ chia sẻ: "Mọi người cần lưu ý mang thêm áo khoác kèm mũ trùm có khả năng chống nước, quần áo giữ nhiệt, găng tay và ủng nếu đi khám phá Y Tý bằng xe máy và tiền mặt để mua hàng vì không phải ở đâu cũng có máy quẹt thẻ ATM. 

Mình lên xe giường nằm từ Hà Nội lên bến xe trung tâm Lào Cai, giá khoảng 300.000 đồng. Sau đó, đón xe 16 chỗ lên Y Tý với giá 100.000 đồng. Tuy nhiên, xe này chỉ chạy 2 chuyến 7h15 và 13h15 nên mọi người lưu ý, tránh lỡ chuyến".

Theo chia sẻ của nhiều chủ homestay, trước đây người đến Y Tý rất ít do giao thông khó khăn, dịch vụ vui chơi giải trí hạn chế. Gần đây, Y Tý được biết nhiều hơn do các hình ảnh check-in, video clip về nơi đây được chia sẻ rộng rãi qua mạng xã hội; câu lạc bộ chia sẻ kinh nghiệm do các chủ homestay lập ra cung cấp nhiều thông tin, chi phí dịch vụ được niêm yết rõ…

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Tâm - trưởng Phòng Văn hóa - thông tin huyện Bát Xát - cho biết số lượng du khách tới huyện Bát Xát từ đầu tháng 2-2022 là trên 11.600 lượt, phần đông là đến Y Tý. 

Du khách vượt hơn 2.000km từ TP.HCM đến Y Tý tận hưởng cái rét sâu của Tây Bắc - Ảnh 3.

Nhiều thanh niên người Hà Nhì phải quấn chăn để chống chịu trước cái lạnh ở Y Tý mặc dù đã quen với khí hậu - Ảnh: HÀ QUÂN

Tuy vậy, ông Tâm cho hay du khách đa phần là người nội tỉnh, khách lẻ chứ rất ít đoàn khách đông, do địa thế hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nguồn lực đầu tư chưa lớn, số lượng homestay tại huyện dừng ở con số 43. 

Hiện tại, tỉnh Lào Cai đã xác định nâng cấp các tỉnh lộ tới Y Tý, đề xuất Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tư tuyến đường từ Sa Pa sang Y Tý.

“Địa phương xác định Y Tý trở thành mũi nhọn phát triển nhưng để bền vững thì mật độ xây dựng phải thấp, phát triển tài nguyên nhân văn - sinh thái. Chúng tôi xác định nếu vội vàng thì rất khó tái tạo. 

Tuy nhiên, cần có cơ chế cụ thể như vận động các chủ homestay cải tạo nhà theo nhà trình tường của người Hà Nhì hay nhà truyền thống người Mông, người Dao. Bảo tồn phát huy văn hóa dân gian, phong tục tập quán của bà con dân tộc, nhất là khi 50% số dân trên địa bàn là người Hà Nhì, người Dao, người Mông…”, ông Tâm chia sẻ.

Du khách vượt hơn 2.000km từ TP.HCM đến Y Tý tận hưởng cái rét sâu của Tây Bắc - Ảnh 4.

Nhiệt độ tại khu vực chân đỉnh Lảo Thẩn (huyện Bát Xát, Lào Cai) ở ngưỡng -1 độ C - Ảnh: HÀ QUÂN

Du khách vượt hơn 2.000km từ TP.HCM đến Y Tý tận hưởng cái rét sâu của Tây Bắc - Ảnh 5.

Anh Đắc Huy thích thú với những cành cây đóng băng do nhiệt độ xuống thấp - Ảnh: HÀ QUÂN

Du khách vượt hơn 2.000km từ TP.HCM đến Y Tý tận hưởng cái rét sâu của Tây Bắc - Ảnh 6.

Mạng nhện đóng băng khi nhiệt độ giảm xuống -1 độ C tại khu vực gần sân bay Y Tý cũ - Ảnh: HÀ QUÂN

Du khách vượt hơn 2.000km từ TP.HCM đến Y Tý tận hưởng cái rét sâu của Tây Bắc - Ảnh 7.

Nhiều người dân bản địa phải đốt lửa để hơ tay trong cái giá lạnh cắt da cắt thịt chỉ 2-3 độ C tại trung tâm xã Y Tý - Ảnh: HÀ QUÂN

Dự báo đêm 20-2, tại Lào Cai, nhiệt độ từ 8 - 10 độ C, vùng cao ước khoảng 3 - 5 độ C. Đặc biệt, vùng cao như Sa Pa, Y Tý giảm còn từ 0 đến -2 độ C. Khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá tại một số khu vực vùng núi trong tỉnh, nơi có độ cao từ 2.000m trở lên.

Mưa rét Mưa rét 'thấu xương', du khách đổ lên Sa Pa, Fansipan săn băng tuyết

TTO - Rất đông du khách đã đổ lên Sa Pa và khu vực đỉnh núi Fansipan (Lào Cai) với hy vọng săn băng giá, mưa tuyết trong đợt rét nhất từ đầu mùa.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên