09/07/2020 09:24 GMT+7

Du khách tính không bằng… hàng không tính

ĐẠI LÂM (Đắk Lắk)
ĐẠI LÂM (Đắk Lắk)

TTO - Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tạm ổn, dịch vụ du lịch nhiều khuyến mãi kích cầu, các loại vé máy bay giá rẻ được tung ra... khiến những chuyến đi trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Nhưng liệu thực tế có được như mong muốn?

Du khách tính không bằng…  hàng không tính - Ảnh 1.

Hành khách mệt mỏi đợi tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM khi máy bay hoãn chuyến - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tôi đã mời một người bạn thân ở TP.HCM làm một chuyến du lịch phố núi Ban Mê (Đắk Lắk) từ thứ bảy đến chiều chủ nhật. Bạn đồng ý với dự tính sáng thứ bảy bạn vẫn đi làm nhưng chiều đã có thể vi vu Buôn Ma Thuột. Chúng tôi hào hứng lên kế hoạch để tận dụng thời gian của chuyến đi. 

Dự kiến, 14h20 ngày thứ bảy bạn có mặt ở Đắk Lắk, việc đầu tiên là thưởng thức món cà phê ngon nhất thế giới, tiếp theo sẽ dạo bộ tận hưởng không khí thoáng đãng của phố núi - điều mà ở Sài Gòn đông đúc bạn luôn ao ước. 

Lịch trình cho buổi sáng ngày chủ nhật của bạn cũng sẽ kín đến từng phút. Bạn sẽ được đến một khu du lịch sinh thái nổi tiếng nhất nhì thành phố và thưởng thức các món ăn đặc sản của Tây Nguyên như cơm lam, heo rừng nướng, cà đắng cá khô... Xong bữa trưa bạn sẽ đi thẳng ra sân bay và cất cánh lúc 13h30. Chuyến đi ngắn ngủi sẽ đáng giá đến từng phút giây.

Nhưng người tính không bằng... hãng hàng không tính! Vé máy bay đã mua, kế hoạch đã lên trước nửa tháng nhưng đến phút chót mọi thứ "phá sản" chỉ vì hãng hàng không hoãn chuyến, đổi giờ bay. Đúng một ngày trước khi chuyến du lịch trong mơ bắt đầu, hãng hàng không báo chuyến bay sẽ đổi giờ khởi hành từ 13h30 sang 21h30 cùng ngày. 

Vậy là bạn chỉ còn chưa đến 15 tiếng cho phố núi nhưng oái oăm nhất là đến tận hơn 22h đêm bạn mới hạ cánh. Hai đứa méo mặt vì vé khuyến mãi không đi là mất. Nhưng nếu đi thì thời gian để cho bạn khám phá Buôn Ma Thuột chẳng còn bao nhiêu. 

Bạn than thở: "Chắc tui chỉ bay từ Sài Gòn lên Buôn Ma Thuột ngủ một giấc, uống ly cà phê rồi về! Bỏ vé thì tiếc, mà đi thì bực!".

Câu chuyện này chỉ là một trong trăm ngàn câu chuyện về những chuyến đi lỡ dở vì hàng không hoãn chuyến. Những ngày qua, chuyện hoãn chuyến, trễ giờ nhiều hơn.

Sau những thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19, ngành du lịch nước nhà đang tìm mọi cách để hồi sinh. Nhiều chính sách kích cầu du lịch nội địa được đưa ra. Khách sạn cũng cùng giảm giá phòng, giá dịch vụ. Nhiều người rục rịch chuẩn bị balô lên đường. Cung và cầu đều đang tăng. 

Nhưng nếu chỉ có điểm đến an toàn, thân thiện, giá các loại dịch vụ thôi là chưa đủ. Một yếu tố quan trọng nữa là tỉ lệ hoãn, hủy chuyến của các hãng hàng không. Chính tỉ lệ này sẽ quyết định trực tiếp đến sự hồi sinh của ngành du lịch. 

Nếu tình trạng hoãn, hủy chuyến, trễ giờ tăng lên, nhiều khách buộc phải hủy tour hoặc rút ngắn chuyến đi. Kéo theo đó là sự thất thu cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Mọi nỗ lực của các địa phương sẽ giảm hiệu quả nếu máy bay không cất cánh đúng kế hoạch đã định.

Trong mùa dịch bệnh mới thấy được sức ảnh hưởng khủng khiếp của hàng không đối với ngành công nghiệp không khói - du lịch. Những động thái của hãng hàng không: bán vé trước rồi buộc phải hủy chuyến, hoãn chuyến đến hơn 4 giờ đồng hồ, hoàn vé vào tài khoản bảo lưu chứ không trả tiền vào tài khoản khách hàng... cũng khiến những người muốn đi du lịch phải đắn đo, thậm chí nản lòng, hủy chuyến đi.

Kẹt đường băng, máy bay xếp hàng chờ bay

Trưa 8-7, cơn mưa lớn gần khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khiến hàng loạt chuyến bay đi - đến phải bay lòng vòng chờ hạ - cất cánh. Bên trong nhà ga, hành khách khổ sở ngồi chờ thông báo khởi hành.

Chị Nguyễn Tú (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đi chuyến bay VN1184 của Vietnam Airlines cho biết giờ khởi hành lúc 13h, chị ra sân bay lúc 11h, sớm hơn 2 tiếng theo khuyến cáo của hãng bay. Khi đến khu vực check-in, an ninh, ở cửa chờ ra máy bay, nơi nào cũng thấy hành khách ngồi đông như dịp tết vì nhiều chuyến bay bị trễ chuyến.

"Chuyến bay của tôi cũng bị trễ hơn 20 phút. Khi hành khách đã yên vị trên máy bay rồi thì trời mưa xối xả, máy bay nằm trên đường lăn chờ đến 30-40 phút mới cất cánh. Nhiều người mệt mỏi, có người ngủ một giấc máy bay mới cất cánh" - chị Tú nói.

Theo ghi nhận trên Flightrada24, cùng thời điểm chuyến bay trên, phía sau có 3 máy bay nối đuôi nhau chờ 20-40 phút.

Đại diện các hãng bay cho biết tình trạng máy bay chậm chuyến và xếp hàng chờ đường băng bắt đầu xảy ra từ ngày 1-7, khi đường băng 25R/07L Tân Sơn Nhất và 11L/29R Nội Bài "đóng cửa" để nâng cấp, sửa chữa. Vào khung giờ cao điểm, máy bay lòng vòng chờ hạ cánh.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết tình trạng này không chỉ ảnh hưởng chậm giờ tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà còn ảnh hưởng chậm chuyến dây chuyền ở các sân bay khác. Theo Vietnam Airlines, trước đây chỉ số đúng giờ của các chuyến bay hãng thường đạt trên 90%, nhưng từ ngày các đường băng phải đóng cửa, chỉ số này đã giảm mạnh trên toàn hệ thống, dao động từ 56-88%.

Đại diện Bamboo Airways cho biết hãng phải điều chỉnh hàng loạt giờ khởi hành trên các đường bay nội địa từ ngày 8-7 đến 31-7. Ngoài ra, các chuyến khứ hồi từ TP.HCM - Đà Nẵng, Phú Quốc - TP.HCM với các chuyến bay số hiệu như QH152, QH156, QH157, QH1522, QH1521 vào các ngày thứ hai, ba, năm, bảy phải hủy chuyến.

QUẾ AN ghi

Cần gói hỗ trợ lãi suất cho hàng không Cần gói hỗ trợ lãi suất cho hàng không

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 2-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: ‘Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết'.

ĐẠI LÂM (Đắk Lắk)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên