06/04/2012 09:38 GMT+7

Du khách bị bắt chẹt: Tôi đã lấy lại lòng tin

NGÔ THỊ BÍCH TUYỀN ghi
NGÔ THỊ BÍCH TUYỀN ghi

TT - Trước khi về nước, chị Ono Ayumi, nạn nhân trong vụ tài xế taxi bắt chẹt du khách Nhật (Tuổi Trẻ ngày 4-4), đã thông qua bạn mình gửi gắm một số suy nghĩ từ sau sự cố này của chuyến đi.

Tạm đình chỉ tài xế taxi bắt chẹt du khách NhậtĐừng để tài xế taxi làm tiền du khách

2DLx2FKz.jpgPhóng to
Khách quốc tế đón taxi tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM chiều 5-4 - Ảnh: Minh Đức

Tôi đã từng đến Việt Nam, từng yêu đất nước và con người Việt Nam. Và lần này để khám phá nhiều hơn nữa về Việt Nam, tôi đã đến với tư cách là khách du lịch với chuyến đi bốn đêm năm ngày.

Chuyến đi đã cho tôi nhiều khám phá, nhiều bài học cũng như biết thêm nhiều người, cả người tốt lẫn người xấu ở Việt Nam. Người tài xế taxi đã cho tôi thêm kinh nghiệm trong việc đi taxi. Các bạn khi đón taxi ở sân bay nên mua vé taxi ngay bên trong sân bay và khi đến khách sạn nên để tài xế mang hành lý mình xuống trước rồi mình mới xuống và thanh toán tiền.

Tôi thật bất ngờ khi việc tìm lại đồ bị mất ở Việt Nam lại khó khăn và mất thời gian như thế.

Và càng bất ngờ hơn về cách giải quyết thiếu tích cực của những người quản lý hãng taxi. Mặc dù đã xác nhận được chính xác nhân viên của họ có chở tôi nhưng dường như họ không nôn nóng trong việc tìm hành lý cho tôi. Có lẽ họ không phải là người bị mất đồ nên họ không hiểu được cảm giác của một người mất tất cả hành lý ở nước ngoài như tôi!

Tôi dường như bị mất tất cả lòng tin và hi vọng về việc có thể tìm lại hành lý, cho đến khi tôi đến sân bay và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của anh Trần Văn Thiện trong ban quản lý đội an ninh trật tự bến xe sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Anh Thiện đã giúp tôi lấy lại hành lý, lấy lại lòng tin, rằng vẫn còn có sự công bằng cũng như những người có trách nhiệm, đồng cảm với nỗi lòng của những người bị hại như tôi.

Tôi và những khách du lịch khác cần lắm những người làm việc có trách nhiệm như anh Thiện.

Tôi chân thành cảm ơn anh Thiện. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày mà tài xế hẹn để trả đồ lần hai, ngày đó mặc dù có bão và cũng không phải là ca trực của anh Thiện nhưng anh đã không ngại đến sân bay cùng tôi đợi tài xế từ 15g đến tối. Và tôi cũng không quên bữa ăn tối ấm áp mà anh mời dù bên ngoài trời đầy mưa bão.

Anh TRẦN VĂN THIỆN (nhân viên đội an ninh trật tự bến xe sân bay Tân Sơn Nhất):

Không để du khách chịu thiệt

Trong ca trực của tôi có xảy ra sự cố của chị Ayumi. Tôi đã liên lạc với tài xế và anh này hẹn đến 15g ngày hôm sau sẽ mang hành lý trả lại cho khách. Tuy không phải là ngày trực nhưng tôi vẫn muốn trực tiếp giải quyết chuyện này nên đã cùng chị Ayumi đến sân bay để chờ hành lý. Chúng tôi đợi đến 19g cùng ngày thì tôi vào ca nên vẫn có điều kiện tiếp tục theo vụ việc. Đến 20g thì nhận lại được hành lý của chị Ayumi.

Anh em an ninh chúng tôi khi ghi nhận có trường hợp mất mát đồ đạc, hành lý, đồ quý... sẽ ngay lập tức hỗ trợ, tìm kiếm lại hành lý, cho dù đó là người Việt Nam hay người nước ngoài. Nhiều trường hợp dù không lấy lại được nhưng với sự nỗ lực hết sức của anh em trong đội, nhiều hành khách đã tỏ ra thông cảm.

Chúng tôi không muốn du khách nước ngoài có cái nhìn xấu về đất nước Việt Nam. Qua thời gian làm việc ở bến xe này, chúng tôi nhận thấy du khách Nhật rất hay bị rơi vào tình trạng như chị Ayumi, vì vậy anh em trong đội chúng tôi cũng đặc biệt theo dõi để có thể hỗ trợ.

Quản lý taxi chặt chẽ hơn

Theo ông Thạch Như Sỹ - phó chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT), sau đợt thanh tra cuối năm 2011 của Bộ GTVT thì hoạt động taxi tại TP.HCM có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu. Thanh tra Bộ GTVT đã đề nghị thanh tra Sở GTVT TP.HCM tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm với những trường hợp taxi gian lận cước, lấy đồ của khách, từ chối chở cuốc gần và các hành vi tiêu cực khác.

Theo thanh tra Bộ GTVT, hoạt động taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất có đặc thù là thường xuyên tiếp xúc với du khách quốc tế nên cần phải tập huấn cho tài xế taxi về cung cách phục vụ khách, nội quy hoạt động tại sân bay trước khi cho phép họ hành nghề tại đây. Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Toản - phó giám đốc Trung tâm An ninh sân bay Tân Sơn Nhất - cho biết thời gian qua mới có khoảng 6.000 (chiếm hơn 50%) tài xế taxi hoạt động tại đây được tập huấn. Ông Toản cho rằng một mặt cần mở rộng số lượng tài xế taxi được tập huấn, mặt khác cần có giải pháp kỹ thuật (như gắn chip điện tử vào thẻ tập huấn) để kiểm soát chỉ cho những tài xế đã được tập huấn vào đón khách tại sân bay.

Từ đầu năm 2012 đơn vị quản lý sân bay Tân Sơn Nhất đã ban hành quy định theo hướng thắt chặt kỷ luật: trong vòng một tháng hãng nào có năm lỗi nghiêm trọng hoặc 30 lỗi bất kỳ trở lên sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động (trước đây chỉ tính các lỗi nghiêm trọng). Ông Đỗ Xuân Toản cho biết quy định này nhằm ràng buộc trách nhiệm của các hãng taxi. Ví dụ trường hợp tài xế Hãng taxi Sài Gòn Hoàng Long bắt chẹt du khách Nhật ngày 29-3 là một lỗi nghiêm trọng, ngoài việc đình chỉ tài xế thì Hãng Sài Gòn Hoàng Long cũng bị tính một lỗi nghiêm trọng để xem xét chế tài.

Với nhiều quy định chặt chẽ như vậy, hi vọng bản thân mỗi tài xế và các hãng taxi phải tự nâng cao ý thức và xây dựng uy tín nghề nghiệp thì mới tạo dựng được hình ảnh tốt trong lòng hành khách.

NGÔ THỊ BÍCH TUYỀN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên