21/07/2020 09:41 GMT+7

Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ: Phải bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn

T.LONG - X.LONG - A.NHÂN
T.LONG - X.LONG - A.NHÂN

TTO - Ông Nguyễn Xuân Hải - vụ trưởng Vụ Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án chỉ sử dụng phần bãi và biển, cách xa các tuyến đường thủy hiện tại và dài hạn, không ảnh hưởng đến phần đất liền, các di tích khảo cổ.

Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ: Phải bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn - Ảnh 1.

Khu vực dự kiến triển khai khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 20-7, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên - Môi trường, lần đầu tiên Vụ Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Bộ TN-MT) đã trả lời các câu hỏi về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Nếu chủ đầu tư không thực hiện theo đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và nếu để xảy ra sự cố môi trường phải dừng hoạt động.

Ông NGUYỄN XUÂN HẢI

Ông Nguyễn Xuân Hải - vụ trưởng Vụ Thẩm định ĐTM - nói: "Đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên chúng tôi đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt ĐTM. Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, ĐTM của dự án đã được thông qua bởi hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu, được tiến hành thận trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật".

Trước những quan tâm của dư luận về dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (dự án lấn biển Cần Giờ - NV), Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hải xung quanh vấn đề trên. 

Ông Hải nói: "Với biện pháp thi công xây dựng tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất, kết quả đánh giá báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua các mô hình toán cho thấy dự án lấn biển Cần Giờ tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ".

Phù hợp pháp luật Việt Nam, pháp lý của UNESCO

* Dư luận quan tâm đến quá trình thẩm định và xét duyệt dự án, đặc biệt là phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, ông có thể nói rõ hơn về các quy trình được thực hiện như thế nào?

- Việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án lấn biển Cần Giờ được thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 điều 25 Luật bảo vệ môi trường. Quá trình xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. 

Mọi hoạt động phải dựa trên sự phát triển bền vững sinh thái, đảm bảo mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn Cần Giờ và có các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường. Đồng thời hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với dòng chảy, xói lở, thoát nước... 

Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, báo cáo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được thông qua.

Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, cẩn trọng, hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án còn có các báo cáo chuyên đề do các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài có uy tín thực hiện.

Sau khi được hội đồng thẩm định thông qua, báo cáo đánh giá tác động môi trường còn tiếp tục được đánh giá độc lập một lần nữa bởi hai tổ chức uy tín trong và ngoài nước, là Công ty TNHH ERM Việt Nam (công ty đa quốc gia tư vấn về môi trường, y tế và các dịch vụ tư vấn liên quan đến phát triển bền vững có chi nhánh tại Việt Nam - PV) và Trung tâm Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) theo ý kiến tại mục 1 thông báo kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ số 409/TB-VPCP ngày 4-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ.

* Ông nói quá trình xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường đặt mục tiêu phát triển kinh tế, nhưng đảm bảo mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn Cần Giờ. Tuy nhiên vẫn có nhiều lo ngại mục tiêu này khó có thể đảm bảo?

- Theo báo cáo từ Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB/Việt Nam), vị trí dự án quy mô 2.870ha thuộc xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh nằm kế cận vùng chuyển tiếp khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. 

Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã có văn bản xác định dự án nằm kế cận vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn. Khu vực dự kiến thực hiện dự án là vùng biển nông, không có rừng.

Mặt khác, dự án chỉ sử dụng phần bãi và biển, cách xa các tuyến đường thủy hiện tại và dài hạn, không ảnh hưởng đến phần đất liền, các di tích khảo cổ, các dự án hiện tại. Dự án cũng không gây ra tình trạng mất đất ở, không có di dân, tái định cư. 

Do đó, dự án không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản của địa phương, mà chỉ ảnh hưởng đến vùng bãi nuôi nghêu cho năng suất thấp tại khu vực bãi biển. 

Như vậy, việc thực hiện dự án có vị trí không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ, tại khu vực kế cận vùng chuyển tiếp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO.

Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ: Phải bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn - Ảnh 3.

Khu vực sẽ triển khai khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết

* Một số ý kiến cho rằng việc đánh giá báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án còn chưa đầy đủ, cụ thể là trong quyết định phê duyệt vẫn có tới 15 điều kiện kèm theo cần được bổ sung?

- Quyết định phê duyệt báo cáo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường thực hiện theo đúng quy định. Theo đó, quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM gồm ba nội dung chính: xác định phạm vi, quy mô; các yêu cầu về bảo vệ môi trường; các điều kiện kèm theo. 

Như vậy, tất cả các quyết định phê duyệt báo cáo báo cáo đánh giá tác động môi trường đều có điều kiện kèm theo chứ không phải chỉ riêng dự án này. 

Theo tôi, việc có các điều kiện kèm theo đối với dự án có quy mô lớn, nhiều dự án thành phần, thời gian triển khai xây dựng dài và được đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn đề xuất chủ trương đầu tư càng hợp lý và cần thiết.

Ví dụ, ở 15 điều kiện kèm theo của dự án lấn biển Cần Giờ, mục 3.1 có yêu cầu "Tiếp tục nghiên cứu trong các giai đoạn tiếp theo tác động của việc triển khai dự án đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đến xói lở, bồi tụ và dòng chảy các khu vực xung quanh dự án và có biện pháp giảm thiểu thích đáng các tác động tiêu cực".

Như đã nói ở trên, thực tế báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đánh giá tác động xói lở, bồi tụ dựa trên số liệu tính toán từ các mô hình để từ đó đưa ra kết luận và biện pháp giảm thiểu kèm theo. 

Tuy nhiên vì vị trí dự án khá nhạy cảm nên chúng tôi đã nêu ra mục 3.1 này để yêu cầu chủ đầu tư phải tiếp tục có các nghiên cứu tiếp theo dựa trên số liệu thật khi thi công kết hợp với các điều kiện về thời tiết cực đoan có thể phát sinh (do thời gian triển khai dự án tương đối dài). 

Từ các nghiên cứu bổ sung để đề xuất thêm hoặc điều chỉnh các giải pháp giảm thiểu tác động cho phù hợp hơn.

Hay ở điều kiện thứ 2 trong quyết định nêu lên: "Chỉ được tiến hành triển khai dự án khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư". Đây là nội dung phải có trong trình tự và thủ tục triển khai dự án đã được quy định và chắc chắn chúng tôi không thể làm trái.

Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ: Phải bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn - Ảnh 4.

Đồ họa: T.ĐẠT

* Sau khi dự án được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng với các bộ, ngành, địa phương liên quan sẽ làm gì tiếp theo để giám sát việc thực hiện, triển khai dự án của chủ đầu tư?

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được phê duyệt chưa phải là hết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với dự án này. Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng đã phân công cụ thể các công việc cần triển khai của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan. Như vậy, Bộ Tài nguyên - Môi trường có trách nhiệm phối hợp cùng UBND TP.HCM giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án, đảm bảo mục tiêu đã đề ra.

Bộ sẽ kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo, các quy định của pháp luật khác về bảo vệ môi trường. Đảm bảo mục tiêu ban đầu là mọi hoạt động của dự án phải dựa trên sự phát triển bền vững sinh thái, đảm bảo mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn Cần Giờ.

Không để Cần Giờ mãi là bãi hoang hóa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy tại buổi làm việc với Thành ủy, UBND TP.HCM chiều 20-7. Đề cập đến dự án lấn biển Cần Giờ và một số công trình trọng điểm khác, Thủ tướng cho biết cơ bản đồng ý với kiến nghị của TP.HCM và nêu rõ tinh thần trung ương ủng hộ TP.HCM phát triển xứng tầm.

Cũng theo Thủ tướng, từ lần làm việc với TP vào đầu năm 2020, Thủ tướng đã chỉ đạo TP.HCM cần chú ý phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế đô thị, nhất là các huyện, nơi có nhu cầu phát triển rất lớn. Cụ thể về khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, Chính phủ phải họp hai lần để xem xét các yếu tố về môi trường nhằm giải quyết vấn đề này, không thể để nó mãi là bãi hoang hóa.

Lần đầu tiên Bộ TN-MT lên tiếng về quá trình thẩm định ĐTM dự án lấn biển Cần Giờ Lần đầu tiên Bộ TN-MT lên tiếng về quá trình thẩm định ĐTM dự án lấn biển Cần Giờ

TTO - Sáng 20-7, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên - môi trường, lần đầu tiên Vụ Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lên tiếng trả lời các câu hỏi về thẩm định ĐTM dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

T.LONG - X.LONG - A.NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên