19/07/2019 08:06 GMT+7

Dự án điện bị tắc do vướng luật

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
NGỌC AN - NGỌC HIỂN

TTO - Trong khi ngành điện đang lo thiếu điện, hàng trăm dự án điện đang 'án binh bất động' do vướng các thủ tục của Luật quy hoạch, nhiều dự án điện mặt trời không thể phát lên lưới điện vì chờ bổ sung... quy hoạch dự án truyền tải điện.

Dự án điện bị tắc do vướng luật - Ảnh 1.

Các công nhân thi công một dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: NGỌC HIỂN

Thông tin từ Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, hiện có tới 400 dự án điện đang bị ách tắc do liên quan đến Luật quy hoạch. Dù đã có nghị định hướng dẫn, vẫn còn nhiều lỗ hổng nên không có cơ sở để triển khai, khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh bổ sung các dự án.

Một lãnh đạo của cơ quan này khẳng định nếu không sớm tháo gỡ những vướng mắc, việc cung cấp điện sẽ rất khó đảm bảo.

Mất 13 năm để bổ sung dự án?

Ông Phạm Minh Tuấn - phó tổng giám đốc điều hành Bamboo Capital Group (BCG), chủ đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo, trong đó có dự án đã hòa vào lưới điện quốc gia - cho biết, nhiều chủ đầu tư các dự án điện mặt trời hiện đang đứng ngồi không yên khi dự án đầu tư phải tạm dừng bởi vướng Luật quy hoạch.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, từ giữa năm 2018, doanh nghiệp này đã trình lên Bộ Công thương 3 dự án xin bổ sung quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa nhận phản hồi.

Sau nhiều lần liên hệ tìm hiểu, doanh nghiệp này mới phát hiện hàng loạt dự án của các chủ đầu tư khác cũng đang "án binh bất động", chưa được bổ sung do vướng các thủ tục mới của Luật quy hoạch.

Theo đó, dự án muốn được bổ sung phải phù hợp với quy hoạch của địa phương hoặc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, dù các quy hoạch này vẫn đang trong quá trình xây dựng!

Trong khi đó, nghị định số 37 hướng dẫn thi hành Luật quy hoạch cũng không quy định việc chuyển tiếp với các dự án được bổ sung vào quy hoạch điện VII (điều chỉnh) trước khi quy hoạch điện VIII và các quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

"Việc chậm trễ này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, cam kết với các nhà đầu tư cũng như các cổ đông của doanh nghiệp" - ông Tuấn nói.

Tương tự, một lãnh đạo của Tập đoàn Trung Nam cho biết hàng chục dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp này ở các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk và Trà Vinh đều bị vướng Luật quy hoạch nên chưa thể triển khai. Theo vị này, việc chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch đều phải chạy theo quy trình mới, chuyển hết về Bộ Kế hoạch và đầu tư, và phải phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch biển, quy hoạch đất rồi đến quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh...

"Nếu theo đúng quy trình đó, chúng tôi có một phép tính rất hài hước là muốn bổ sung, chỉnh sửa quy hoạch về điện ở một tỉnh thì mất khoảng 13 năm. Trong khi đó, giá mua điện của các dự án điện gió theo cơ chế hỗ trợ chỉ kéo dài đến năm 2021" - vị này nói, đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý phải sớm có phương án để giải quyết những vướng mắc của luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực điện "sạch".

Dự án truyền tải điện cũng bị vướng

Đại diện Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết tính đến cuối tháng 6-2019, toàn quốc đã có 89 nhà máy năng lượng tái tạo, trong đó có 87 nhà máy điện mặt trời, 2 nhà máy điện gió với công suất đạt 4.544MW, lớn hơn nhiều so với quy hoạch là 1.650MW. Do đó, việc vận hành hệ thống điện và hệ thống truyền tải gặp khó khăn vì quá tải, tắc nghẽn lưới điện khu vực các tỉnh nam miền Trung và Tây Nguyên.

Cũng theo vị này, dù Thủ tướng đã có văn bản về việc bổ sung vào quy hoạch một số lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất, thời gian tối thiểu để thực hiện đầu tư các công trình lưới điện truyền tải mất từ 2-5 năm so với thời gian vận hành dự án điện mặt trời chỉ dưới 1 năm, nên vẫn rất khó khăn.

Trong khi đó, nhu cầu phụ tải tăng cao nên vẫn còn rất nhiều dự án cần tiếp tục được bổ sung, phê duyệt vào quy hoạch để chống quá tải và đáp ứng được yêu cầu cung cấp điện.

"Do những vướng mắc liên quan đến việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nên đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia vẫn chưa thể triển khai các dự án này, gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định cũng như đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương" - vị này nói.

Theo ông Đào Văn Rớt - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận, trên địa bàn hiện có 24 dự án điện mặt trời vẫn chưa được phê duyệt, do vướng phải Luật quy hoạch và hạ tầng đấu nối lưới điện không còn khả năng hấp thụ thêm công suất. Thực tế này khiến việc bổ sung các dự án vào quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh thời gian qua bị kéo dài và đình trệ.

Đặc biệt, Luật quy hoạch chưa xác định rõ phạm vi nguồn và lưới điện được tích hợp trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch tỉnh. "Điều này gây khó khăn cho việc thẩm định, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, nhất là đối với các dự án nguồn điện có công suất đến 50MW và lưới điện cấp điện áp 110kV trở xuống" - ông Rớt nói.

Phải sớm gỡ vướng cho các dự án điện

Nhà máy điện mặt trời

Nhà máy điện mặt trời Cư Jút (Đắk Nông) đã vận hành thương mại, hòa vào lưới điện quốc gia - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bộ Công thương thừa nhận do chưa có quy định rõ ràng phạm vi dự án điện (nguồn điện theo quy mô công suất, lưới điện theo cấp điện áp) trong quy hoạch điện lực quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh dẫn đến khó khăn trong quá trình lập, thẩm định và trình phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho các dự án này.

"Đây là lý do khiến việc điều chỉnh cục bộ các dự án vào quy hoạch giống như lập mới sẽ rất phức tạp, không đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia" - vị này thừa nhận.

Cũng theo vị này, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành các văn bản về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trong giai đoạn chuyển tiếp khi các quy hoạch giai đoạn mới chưa được phê duyệt. Trong đó, sẽ đề nghị cho phép điều chỉnh bổ sung cục bộ được thực hiện theo quy định chuyên ngành, trước khi Luật quy hoạch có hiệu lực, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục so với quy trình lập quy hoạch theo quy định mới.

Dự án điện gặp khó do hết bảo lãnh? Dự án điện gặp khó do hết bảo lãnh?

TTO - Phải xác định rõ vai trò của các tập đoàn, chủ dự án BOT và Ban chỉ đạo quốc gia các dự án trọng điểm về năng lượng trong việc chậm triển khai các dự án điện, gây ảnh hưởng đến cung cấp nguồn điện quốc gia.

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên