19/05/2019 10:17 GMT+7

Theo tiếng gọi chim hoang dã

QUANG THI
QUANG THI

TTO - Niềm đam mê chụp ảnh chim hoang dã được chia sẻ ngày càng rộng khắp đã giúp hình thành một thị trường du lịch kéo khách đến Việt Nam, hoặc đưa các nhiếp ảnh gia Việt đến những đất nước xa xôi…

Theo tiếng gọi chim hoang dã - Ảnh 1.

Chim yểng quạ (Broad billed Roller) mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn chụp ở Kenya

Hiện nay, các tour đưa khách nước ngoài đến Việt Nam được tổ chức khá đều đặn, như tour chụp chim của Nguyễn Hoài Bão; tour dành cho khách châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ của Nguyễn Vũ Phước; tour dành cho khách châu Á của Ngô Đức Cần...

Tuy nhiên, không chỉ có phong cảnh, các loài chim Việt Nam mới thu hút các nhiếp ảnh gia quốc tế. Ngày nay, các tay máy Việt Nam cũng sẵn sàng đến các quốc gia khác để chụp những thứ mình thích, đặc biệt là niềm đam mê chụp chim. 

Có một sự "khác biệt vui": khi chụp ảnh trong nước, các nhiếp ảnh gia có thể bán ảnh (làm lịch, design...) để lấy tiền, nhưng du lịch ra nước ngoài chụp ảnh thì ngược lại, là "đốt tiền" để thỏa niềm vui đam mê nhiếp ảnh và vẻ đẹp các loài chim. 

Theo tiếng gọi chim hoang dã - Ảnh 2.

Chim Twelve wired bird of paradise (Seleucidis melanoleucus) - một giống chim thiên đường mà nhiếp ảnh gia Đoàn Như Hoàn chụp được ở Papua New Guinea

Đi tìm chim thiên đường ở Papua New Guinea

Là một người chụp ảnh chim từ lúc nào không biết, anh Đoàn Như Hoàn (TP.HCM) đặc biệt mê mẩn giống chim thiên đường. Anh kể cách đây vài năm, khi xem một bộ phim tài liệu khoa học về chim thiên đường, anh bị cuốn hút hoàn toàn bởi vẻ đẹp loài chim này. 

Nhưng giống chim thiên đường chỉ có nhiều ở quần đảo Papua New Guinea xa xôi. Không quản khó khăn, anh Hoàn lên kế hoạch để đến tận vùng đảo này.

Từ Sài Gòn, anh Hoàn bay sang thủ đô Jakarta (Indonesia), từ đó mới có chuyến bay đến quần đảo Papua New Guinea. Loài chim thiên đường này có tới hơn 10 giống khác nhau, màu sắc cũng khác nhau, cư trú trên những hòn đảo khác nhau. Muốn chụp giống chim nào phải chọn hòn đảo nơi nó cư trú. 

Sau những chuyến bay là những chuyến đi tàu từ đảo này sang đảo khác, tờ mờ sáng đã vô rừng chờ chim. Có những nơi người dân đã biết làm du lịch để khách tới chụp chim, nhưng cũng có nơi mà thổ dân - theo anh Hoàn mô tả - hầu hết cách biệt với thế giới văn minh. Nhưng sự hoang sơ ấy cũng mang lại những trải nghiệm khó quên.

Anh kể: "Có những nơi tôi được hướng dẫn cách tiếp xúc với thổ dân, nhưng có những nơi hoàn toàn hoang sơ, không rành văn hóa, ngôn ngữ, tập quán... địa phương, lúc đầu tôi cũng sợ sợ. Tôi chọn cách đứng yên, chờ người thổ dân chào mình như thế nào thì mình chào lại như thế đó, không thể hiện trước. 

Ví dụ có bộ lạc khi chào thì họ ra hiệu cho tôi đưa ngón tay ra, dùng hai ngón tay kẹp ngón tay tôi như một cách kiểm tra và phô diễn sức mạnh. Rồi họ đưa ngón tay cho tôi kẹp và cười ngặt nghẽo, có lẽ vì thấy tay tôi... yếu quá!".

Sau những chuyến đi, anh Hoàn đã chụp và quay phim được 7 giống chim thiên đường. Giờ đây, đã có nhiều hướng dẫn viên người Indonesia sẵn sàng đưa khách đến quần đảo Papua New Guinea chụp chim thiên đường, nhưng anh Hoàn mong muốn có thể giúp tổ chức những tour chụp ảnh chim thiên đường cho khách VN.

Theo tiếng gọi chim hoang dã - Ảnh 3.

Chim thiên đường Wilson - Ảnh: Đoàn Như Hoàn

Vẫn là câu chuyện bảo tồn

Đầu tháng 5 này, chị Hạnh Dung ở TP.HCM vừa trở về sau chuyến chụp chim ở Ecuador và Costa Rica - một địa chỉ hấp dẫn vì có nhiều giống chim quý, đẹp, đặc biệt là những loài chim ruồi hút mật. 

"Tôi thấy ở đâu, quốc gia nào cũng đứng trước tình trạng tàn phá thiên nhiên, họ ra lời kêu gọi bảo vệ thiên nhiên ở khắp nơi. Nhưng việc đi xem chim, chụp ảnh chim ở nước ngoài là một ngành thu hút khách du lịch thực sự. VN cũng có tiềm năng này, sẽ rất hay nếu được khai thác đúng cách" - chị nói.

Từng đến Kenya (châu Phi) chụp thiên nhiên hoang dã ở các safari, rồi đến các nước châu Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc... để chụp chim, Nguyễn Tuấn là một trong những nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm ra nước ngoài chụp chim cùng những tên tuổi khác như Tăng A Pẩu, Sâm Thương, Trần Tuấn... 

Nguyễn Tuấn nói loài chim thường sống ở rừng núi, không phải lúc nào cũng dễ chụp, nên các nhiếp ảnh gia thường chọn địa điểm dễ chụp, dù nước họ cũng có giống chim đó. 

Con chim đuôi cụt bụng vằn của rừng Nam Cát Tiên cũng xuất hiện ở Myanmar, Thái Lan nhưng rất khó chụp, vì vậy các tay máy quốc tế mới tìm đến rừng Nam Cát Tiên hằng năm để chụp giống chim này. Sự xuất hiện của họ trong những chuyến đi như vậy đã đem lại tiền tỉ cho du lịch VN.

Theo tiếng gọi chim hoang dã - Ảnh 4.

Chim thiên đường đỏ - Ảnh: Đoàn Như Hoàn

Ngược lại, giống gà lôi đuôi trắng ở các rừng quốc gia phía Bắc cũng có, tuy nhiên các nhiếp ảnh gia chụp chim rất hiếm khi chụp được. Nhưng chỉ cần qua Thái Lan, người dân nước này dễ dàng dụ chim ra bìa rừng, giúp các tay máy thỏa thích bấm. 

Những giống chim quý ở đỉnh Fansipan nước ta cũng khiến các nhiếp ảnh gia gặp khó khăn để tiếp cận, vì vậy họ đi tới núi Baihualing thuộc vườn quốc gia Gaoligongshan, vùng Vân Nam (Trung Quốc) thỏa thích chụp trên cả chục loài. Với một người chụp ảnh chim, một chuyến đi như vậy chụp được bao nhiêu loài chim là được bấy nhiêu "hời".

Điều mà Nguyễn Tuấn tâm đắc nhất vẫn là bài học bảo tồn, khôi phục thiên nhiên ở các quốc gia khác. "Để làm du lịch chụp chim, việc bảo tồn, khôi phục thiên nhiên phải tốt. Những vùng tôi tới ở Trung Quốc đã làm rất tốt việc này. 

Ở Thái Lan trước đây người dân cũng phá rừng bừa bãi như chúng ta, nhưng sau đó họ ý thức được và bảo tồn, khôi phục đúng cách, nhờ vậy du lịch chụp chim của họ thu hút ngày càng nhiều du khách. 

Tôi tâm đắc nhất việc họ đưa nông dân vào những dự án khôi phục rừng này, giúp người dân hưởng lợi trực tiếp từ nguồn lợi du lịch chụp chim, từ đó khuyến khích người dân bảo vệ các giống chim của quốc gia" - anh nói.

Chú đuôi cụt làm "náo loạn" Sài Gòn

untitled-1

Khuya 8-5, anh Nguyễn Mạnh Hùng - TS điểu học, cũng là một người mê chụp chim - cùng một người bạn bắt gấp chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn. Đến nơi lúc 3h30 sáng, hai anh ra thẳng công viên Tao Đàn (Q.1).

Ở đó, hàng chục nhiếp ảnh gia "săn chim" cũng kịp đến. Họ cùng chờ đợi một con chim đuôi cụt đầu đen được biết là vừa di cư đến đây.

chim 6

Chú đuôi cụt đầu đen ở công viên Tao Đàn - Ảnh: Tăng A Pẩu

"Đây là giống chim hiếm gặp, nên có cơ hội là phải chụp ngay. Tôi vô ngày 9-5, đúng một ngày sau chim đã đi..." - anh Hùng nói. TS Nguyễn Hoài Bão cho hay loài chim này có ở Philippines, Indonesia... thường di cư theo mùa mưa.

Cách đây ba năm đã có người thấy giống chim này ở công viên Tao Đàn. Lần này, nhiếp ảnh gia Tiến Dũng phát hiện và công bố trên Facebook, lập tức tạo nên một "cơn sốt" chụp con chim đuôi cụt đầu đen này trong cộng đồng nhiếp ảnh.

chim 5

Các nhiếp ảnh gia chờ chụp con chim đuôi cụt đầu đen ở công viên Tao Đàn ngày 7-5 - Ảnh: Tăng A Pẩu

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu cho hay bạn bè chụp chim của anh từ miền Trung, miền Bắc, miền Tây về chụp con chim này lên tới cả trăm người. "Tôi nghe ở Bình Phước cũng có giống chim này nhưng rất khó chụp, hoặc chưa ai tìm thấy.

Cách đây vài năm có thấy một cặp di cư đến ở Tràm Chim (Đồng Tháp), có người đã đi chụp. Nhưng lần này chim đuôi cụt đầu đen xuất hiện ở công viên Tao Đàn khiến ai cũng phấn khích...".

Đến ngày 10-5, con chim đuôi cụt đầu đen không còn thấy xuất hiện ở công viên Tao Đàn nữa.

Dù không nhiếp ảnh gia nào giải thích được vì sao giống chim này di cư đơn độc, nhưng tất cả đều mãn nguyện với những tấm ảnh chụp con chim trong lần xuất hiện này. Họ ước ao thành phố sẽ có nhiều mảng xanh cây cối hơn, để những loài chim quý trên đường di cư ghé thăm thành phố.

Đẹp ngỡ ngàng thế giới chim muông hoang dã Đẹp ngỡ ngàng thế giới chim muông hoang dã

TTO - Những bức ảnh lọt vào chung kết cuộc thi ảnh chim muông hoang dã quốc tế BPOTY 2018 cho thấy sự sáng tạo về bố cục với những khoảnh khắc đẹp ngỡ ngàng.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên