19/07/2022 10:03 GMT+7

Đốt rác phát điện: quá chậm

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Khởi công vào cuối 2019 nhưng các dự án nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM vẫn chưa thể đưa vào vận hành. Tương tự, tại Hà Nội cũng chung cảnh ngộ.

Đốt rác phát điện: quá chậm - Ảnh 1.

Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn của Công ty Tâm Sinh Nghĩa tại huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó khối lượng rác thải tại hai TP lớn này đang tăng lên mỗi năm và rác vẫn đang được xử lý chủ yếu bằng cách... chôn lấp.

Chưa biết khi nào được đốt... rác

Hiện lượng rác phát sinh tại TP.HCM gần 10.000 tấn/ngày, dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên 12.500 tấn/ngày. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP, cho biết định hướng đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải phải được đốt phát điện và tái chế. Vậy tiến độ xây nhà máy đốt rác ra sao?

Cuối năm 2019, 3 dự án nhà máy đốt rác phát điện ở TP.HCM đã được khởi công, dự kiến xử lý 6.000 tấn rác/ngày mà không cần phân loại rác tại nguồn, dự kiến cuối năm 2020 hoàn thành. 

Đó là Nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar, Nhà máy xử lý, đốt rác của Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa (nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi) và Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần môi trường Tasco cũng nằm ở huyện này.

Nhưng đến nay, cả 3 nhà máy đều chưa hoàn thành. Ông Ngô Như Hùng Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar, cho biết hiện công ty đã hoàn thiện lắp đặt và vận hành 3 dây chuyền phân loại rác, làm đường rộng 27m dẫn vào nhà máy đốt rác phát điện, san lấp mặt bằng 45.000m2, ký hợp đồng và trả tiền đặt cọc cho các thiết bị chính yếu nhập từ nước ngoài...

"Chúng tôi sẵn sàng hết rồi nhưng quy hoạch điện VIII chưa được duyệt nên cứ đợi vậy, không biết tới khi nào. Máy móc để lâu không dùng thì sẽ có hư hao nhất định", ông Việt nói.

Theo tìm hiểu, quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt vì chưa làm rõ được tính khả thi về điện mặt trời và về quy hoạch điện khí. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt dẫn đến nhiều dự án phát triển điện chưa thể triển khai.

Tương tự theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hai đơn vị còn lại là Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần môi trường Tasco cũng vẫn chưa thể hoàn thành các nhà máy đốt rác phát điện do vướng nhiều thủ tục. 

Một đơn vị khác cũng xin chủ trương chuyển đổi công nghệ xử lý rác qua đốt rác phát điện là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM. Tuy nhiên đề xuất của đơn vị này chưa được chấp thuận.

Đốt rác phát điện: quá chậm - Ảnh 2.

Rác tại TP.HCM xử lý ra sao? - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Tiếp tục chôn lấp

Với những hệ lụy từ việc chôn lấp rác gây ra như ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất, mùi hôi phát tán, nước rỉ rác chảy ra môi trường..., TP.HCM đã lập ra đề án quy hoạch xử lý rác TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. 

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, khoảng 80% rác trên địa bàn TP được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện hoặc tái chế, giảm dần và tiến tới không còn chôn lấp. Riêng rác của huyện Cần Giờ định hướng nghiên cứu, vận chuyển về xử lý tại Khu công nghệ Môi trường xanh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Từ lúc lập đồ án đến năm 2025, rác được xử lý (chủ yếu là chôn lấp) tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh), Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi), Khu công nghệ Môi trường xanh. 

Từ giai đoạn 2025 - 2050, rác được chuyển về xử lý hoàn toàn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc và Khu công nghệ Môi trường xanh. Các bãi chôn lấp cũ như Gò Cát, Đông Thạnh được định hướng cải tạo phục vụ công cộng, xây dựng các mảng xanh cho TP.

TS Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện kinh tế tài nguyên và môi trường, cho rằng các dự án nhà máy đốt rác phát điện khởi công nhưng chưa triển khai xong có thể do nhiều vấn đề chưa giải quyết được như doanh nghiệp thiếu định hướng, thiếu vốn đầu tư, thiếu phương án kỹ thuật đốt rác phát điện. 

Ngoài ra thiếu quy hoạch phát điện cũng là nguyên nhân cốt lõi bởi 1MW phát điện phải có quy hoạch mới đấu nối được. 

"Do đó mục tiêu đốt rác phát điện để giảm thiểu ô nhiễm là khó thực hiện trong 5 năm tới. Để khắc phục những yếu tố trên, TP có thể thay đổi các nhà đầu tư khác, thay những nhà đầu tư không đủ khả năng hoặc chỉ định Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP thực hiện. Đồng thời quyết liệt trong việc giải quyết các vướng mắc về thủ tục cho doanh nghiệp", ông Thuận phân tích.

Còn GS.TS Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM, nhận định: "TP.HCM đã quá chậm trong việc này rồi. Chúng ta phải có ý kiến đến các bộ, ngành cần tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục hành chính để các dự án được triển khai thuận lợi".

Phải tiến tới "tuần hoàn rác thải"

TS Phạm Viết Thuận đánh giá việc xử lý rác theo phương thức hoàn lưu (tuần hoàn) là cổ điển nhưng phù hợp với đất nước nông nghiệp nhiệt đới như Việt Nam.

Theo TS Thuận, thành phần rác hữu cơ trong chất thải ở các vùng miền nước ta chiếm tỉ trọng trên 65% nên việc xử lý rác theo phương thức tuần hoàn là việc cần làm...

Quá trình xử lý rác có các chất xúc tác của sinh học để giảm mùi, nhanh phân hủy, giảm nước rỉ rác là những kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu xử lý rác theo phương thức này. Sau quá trình xử lý, rác hữu cơ trở thành mùn hữu cơ bổ sung trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp và sản xuất phân bón.

Hà Nội chờ nhà máy đốt rác ngàn tỉ

Hơn một năm nay người dân Hà Nội không ít lần phải chứng kiến cảnh rác thải sinh hoạt ngập ngụa đường phố.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do bãi rác, hồ chứa nước rác tại bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) quá tải. Trong khi đó các nhà máy đốt rác được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vẫn chưa hoàn thành.

Anh 3 HN QT 1(Read-Only)

TP.HCM đã khởi công xây 3 nhà máy đốt rác nhưng chưa hoạt động. Tại Hà Nội cũng không khá hơn. Trong ảnh: nhà máy đốt rác tại xã Việt Hùng (huyện Đông Anh, Hà Nội) trong tình trạng cỏ dại bủa vây - Ảnh: Q.THẾ

Nhiều dự án dở dang

Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết trên địa bàn TP mỗi ngày phát sinh 6.500 - 7.000 tấn rác thải, được xử lý chủ yếu tại hai khu xử lý rác Nam Sơn (5.000 - 5.500 tấn/ngày, đêm) và Xuân Sơn (1.500 tấn/ngày, đêm).

Hiện UBND TP Hà Nội đang tập trung thúc tiến độ nhiều nhà máy đốt rác như: Nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, 4.000 tấn/ngày, đêm), Nhà máy điện rác Seraphin (thị xã Sơn Tây, 1.500 tấn/ngày, đêm), Nhà máy xử lý chất thải Đồng Ké (1.500 tấn/ngày, đêm) và Núi Thoong (450 tấn/ngày, đêm) cùng ở huyện Chương Mỹ.

Dù yêu cầu cấp bách nhưng việc xây dựng các nhà máy đốt rác trên địa bàn TP chưa đảm bảo đúng tiến độ. Nhà máy điện rác Sóc Sơn do Công ty cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 8-2019, vốn 7.100 tỉ đồng, dự kiến hoạt động tháng 10-2020. Theo chủ đầu tư, chậm tiến độ là do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngoài ra, nhiều nhà máy đốt rác chậm tiến độ một phần do sau khi triển khai, chủ dự án tiếp tục đề xuất UBND TP Hà Nội xin nâng quy mô. Được giao 10ha đất để xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong (xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ), đến năm 2014 UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư với quy mô 500 tấn/ngày, đêm.

Tuy nhiên sau đó chủ đầu tư dự án này đã đề xuất nâng quy mô lên 2.000 tấn/ngày, đêm. Trong thời gian chờ nâng quy mô thì nhiều hạng mục đang có dấu hiệu xuống cấp.

Tương tự, được đầu tư từ năm 2016, dự kiến tháng 4-2017 hoạt động với công suất xử lý khoảng 500 tấn rác/ngày, đêm nhưng dự án nhà máy đốt rác trên địa bàn xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) vẫn đang trong tình trạng cỏ dại bủa vây.

Người dân sống cạnh nhà máy cho biết đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng cấp huyện, TP phản ánh nội dung thu hồi đất nông nghiệp làm dự án nhưng sau khi hoàn thiện thì bỏ hoang phế, lãng phí.

DJI_0287 2(Read-Only)

Nhà máy điện rác Sóc Sơn vốn 7.100 tỉ đồng đang chậm tiến độ - Ảnh: M.THẮNG

Không thực hiện sẽ bị thu hồi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Sáng, chủ tịch UBND xã Việt Hùng, cho biết đến nay dự án nhà máy đốt rác vẫn chưa được vận hành.

UBND xã Việt Hùng tiếp tục kiến nghị lên UBND huyện Đông Anh và UBND TP Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư sớm đưa dự án vào hoạt động.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết TP đang nỗ lực "thúc" tiến độ các nhà máy xử lý rác thải. "Đối với các dự án không triển khai TP sẽ giao Sở Kế hoạch - đầu tư kiểm tra, xem xét năng lực, nếu không thực hiện theo tiến độ sẽ thu hồi để tiếp tục kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư công...", lãnh đạo UBND TP Hà Nội chia sẻ thêm.

Để gỡ vướng cho nhà máy đốt rác, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp đẩy nhanh tiến độ đóng điện Nhà máy điện rác Sóc Sơn.

Đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết nguyên nhân dẫn đến chậm triển khai là do công tác giải phóng mặt bằng, đến nay UBND huyện Chương Mỹ mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra do chủ đầu tư có văn bản xin đề xuất điều chỉnh nâng công suất của nhà máy nhưng chưa phù hợp với quy hoạch chung về quản lý rác thải của Chính phủ. Sở Kế hoạch - đầu tư đã báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét điều chỉnh quy hoạch cho dự án này.

QUANG THẾ

Phú Quốc đau đầu vì rác

8896c5f1fe8c3cd2659d 1(Read-Only)

Bãi rác lộ thiên tại xã Cửa Cạn, thành phố Phú Quốc - Ảnh: C.HẠNH

Vấn đề lớn nhất của "đảo ngọc" Phú Quốc (Kiên Giang) là thu gom, xử lý rác, nước thải.

Hơn hai năm trước, một lãnh đạo tỉnh Kiên Giang từng hứa khẩn trương kêu gọi đầu tư, xây dựng nhà máy thu gom xử lý rác thải đủ hiện đại, đủ công suất cho 10 - 20 năm tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Phú Quốc.

Nhưng thực tế hiện nay, mỗi ngày Phú Quốc thải ra khoảng 180 tấn rác sinh hoạt, do chưa có nhà máy xử lý nên rác được thu gom rồi chất đống tại các bãi rác ở xã Cửa Dương (thành phố Phú Quốc). Lượng rác tại đây đã tồn ứ trên 100.000 tấn, nước từ rác âm ỉ chảy ra môi trường, tràn ra các con sông, con suối, gây ô nhiễm.

Trước đây, Phú Quốc từng có nhà máy xử lý rác ở ấp Bãi Bổn (xã Hàm Ninh) nhưng do trục trặc máy móc, không xử lý như công suất, dẫn đến lượng rác tồn đọng, gây ô nhiễm, chính quyền buộc nhà máy phải dừng hoạt động. UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã thu hồi dự án này.

Theo đánh giá của Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), tại các khu vực tập trung dân cư đông đúc như Dương Đông, các khu vực ven biển, làng chài An Thới và trải dài trên các trục đường chính hiện nay đã khiến cảnh quan môi trường đang bị ô nhiễm do rác thải sinh hoạt.

Tình trạng vứt chất thải rắn bừa bãi vẫn diễn ra khá phổ biến, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Ông Võ Chí Sĩ, trưởng Phòng quản lý đô thị thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết ban quản lý Khu kinh tế thành phố Phú Quốc đang cùng tỉnh kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác tại Phú Quốc (ban đầu có công suất 200 tấn/ngày).

Riêng nhà máy xử lý rác ở Bãi Bổn (xã Hàm Ninh) đang trong quá trình vận hành thử, khi hoàn thiện sẽ đưa toàn bộ lượng rác thải được tập trung về đây để xử lý.

CHÍ HẠNH - CHÍ CÔNG

Thế giới đốt rác phát điện từ... thế kỷ trước

290559477_572443774554476_4638326669580200794_n 1(Read-Only)

Công nhân đưa rác vào máy xử lý tại một nhà máy đốt rác thành điện ở Linköping của Thụy Điển - Ảnh: AFP

Theo số liệu từ Avfall Sverige, hiệp hội tái chế và quản lý chất thải Thụy Điển, chưa tới 1% rác thải sinh hoạt của nước này được chôn lấp.

Khoảng 49% rác sinh hoạt được tái chế và khoảng 50% rác còn lại được đốt trong các nhà máy để tạo ra điện. Thụy Điển sớm sử dụng chất thải thành năng lượng. Nhà máy đầu tiên hoạt động vào cuối những năm 1940.

Điện tạo ra từ rác chiếm phần nhỏ trong tổng nguồn cung điện của Thụy Điển. Trong đó, thủy điện và điện hạt nhân tạo ra 83% điện và năng lượng gió chiếm 7%. Nhưng việc đốt rác cung cấp nguồn nhiệt sưởi ấm cho 10 triệu người dân nước này trong những tháng lạnh giá. Năng lượng từ đốt rác tương đương nhu cầu sưởi ấm cho 1,45 triệu hộ gia đình và nhu cầu điện cho 780.000 hộ.

Hiện nước này có 34 nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng. Một trong những nhà máy điện lớn nhất trong số đó là Sysav, đốt khoảng 600.000 tấn chất thải hằng năm, đủ

đáp ứng 60% nhu cầu nhiệt

cho thành phố 300.000 dân Malmo. Thậm chí, Thụy Điển còn thiếu rác để cung cấp cho các nhà máy điện. Vì vậy các nước châu Âu khác đã trả tiền cho Thụy Điển lấy rác của họ về đốt.

Việc xử lý chất thải thành năng lượng cũng đang phát triển mạnh ở nhiều nước. Có 492 nhà máy điện từ rác thải trên khắp châu Âu, đốt 96 triệu tấn rác thải để cung cấp điện cho gần 20 triệu người. Riêng ở châu Á, Nhật Bản đốt tới 60% chất thải rắn. Theo báo cáo của Hội đồng Năng lượng thế giới, Trung Quốc cũng tăng gấp đôi công suất xử lý chất thải thành năng lượng từ 2011 - 2015.

MINH KHÔI

Nhà máy đốt rác công suất 500 tấn/ngày bỏ hoang nhiều năm Nhà máy đốt rác công suất 500 tấn/ngày bỏ hoang nhiều năm

TTO - Được đầu tư từ năm 2016, nhà máy dự kiến đến tháng 4-2017 sẽ hoạt động với công suất xử lý 500 tấn rác thải/ngày, nhưng rồi bị bỏ hoang nhiều năm.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên