11/06/2022 20:36 GMT+7

Đồng Tháp trữ nước ngọt 'cứu' vùng ĐBSCL là sứ mệnh quốc gia

ĐẶNG TUYẾT
ĐẶNG TUYẾT

TTO - Trữ nước ngọt "cứu" vùng Đồng bằng sông Cửu Long mang tính sứ mệnh của vùng, của quốc gia. Nếu nước không về, không có phù sa, phá vỡ cấu trúc đồng bằng… thì giải quyết như thế nào?

Đó là một trong nhiều nội dung được các chuyên gia kinh tế quan tâm tại hội thảo cuối kỳ quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ở Đồng Tháp ngày 11-6.

Kiến trúc sư Lê Văn Lợi - chủ tịch EAI 43 - đại diện đơn vị tư vấn trình bày nhiều nội dung trọng điểm của đề án. Thách thức do biến đổi khí hậu toàn cầu đồng thời là cơ hội chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, hài hòa và bền vững hơn; không chạy theo các chỉ tiêu mà phải song hành với các giá trị xã hội, môi trường và hạnh phúc con người.

Theo đó, đơn vị tư vấn đề xuất 4 phân vùng phát triển kinh tế, gồm: chuỗi đô thị và hành lang kinh tế sông Tiền; vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền; vùng kinh tế hậu cần ven sông Hậu; vùng kinh tế sinh thái - nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười.

Đồng Tháp trữ nước ngọt cứu vùng ĐBSCL là sứ mệnh quốc gia - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đình Thiên trình bày nhiều nội dung quan trọng trong hội thảo - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đánh giá cao về tính khả thi của đề án, không đặt mục tiêu thành tích, chọn mức tăng trưởng khá thấp 7%, mặc dù đánh giá tiềm năng thì Đồng Tháp còn rất nhiều khả năng phát triển.

Tỉnh cần đánh giá lại tiềm năng và thế mạnh trong một giai đoạn nhất định; nhận diện lại lợi thế và bất lợi của mình, cẩn thận kể cả với các phương án xấu nhất. Nếu nước không về, không có phù sa, phá vỡ cấu trúc đồng bằng… thì giải quyết như thế nào? Khái niệm thuận thiên được hiểu thế nào trong thời đại hiện đại công nghệ cao, thực tế về môi trường, phù sa ít, nước ngọt ít… để có giải pháp ứng phó.

"Biển hồ Tonle Sap và vùng Đồng Tháp Mười là túi trữ nước ngọt của cả Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệm vụ trữ nước ngọt "cứu" đồng bằng mang tính sứ mệnh của vùng, của quốc gia, nhất là khi nguồn nước đang có vấn đề, thì vai trò của Đồng Tháp rất quan trọng. Lợi ích về nước của Đồng Tháp sẽ là vô tận trong phát triển kinh tế, song song với nguồn cá tôm, thủy sản… ứng dụng công nghệ vào hỗ trợ", tiến sĩ Trần Đình Thiên nói.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - kiến nghị: "Đơn vị tư vấn xem xét lại một số nội dung, liên quan đến việc xây dựng hồ sinh thái nước ngọt, định hướng 5 hồ sinh thái ở 5 địa điểm liệu có đủ không? Có nên tích hợp trong vấn đề sử dụng quy hoạch để lấy khoáng sản để làm hồ thủy lợi, đảm bảo an ninh nguồn nước trong tương lai, cũng như đảm bảo các vấn đề phát triển hạ tầng đầu tư, san lấp".

Đồng Tháp trữ nước ngọt cứu vùng ĐBSCL là sứ mệnh quốc gia - Ảnh 2.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - phát biểu kết luận tại hội thảo - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Kết luận buổi hội thảo cuối kỳ, ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - nhấn mạnh định hướng phát triển của Đồng Tháp là thuận thiên, vì hạnh phúc con người, phát triển xanh, không phá vỡ môi trường. Đồng thời phát huy được 5 lợi thế: con người, tài nguyên, xã hội, giáo dục và văn hóa.

"Sau quy hoạch này, tôi muốn nhìn thấy con đường đi của Đồng Tháp rõ hơn, có một bộ tiêu chí để nhận được sự đồng ý, ủng hộ về chủ trương của trung ương. Đặt mục tiêu không đưa công nghiệp phá hoại môi trường, phải cân đối, đảm bảo phát triển hài hòa của đất sen hồng.

"Đơn vị tư vấn tập trung thực hiện, phối hợp từng sở ngành để tạo sự thống nhất, có thể đăng ký làm việc riêng với lãnh đạo UBND tỉnh ở đại diện từng lĩnh vực, đóng góp thêm ý tưởng. Cố gắng hoàn thành đề án quy hoạch trong tháng 6, chậm nhất tháng 7", ông Nghĩa nói.

ĐẶNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên