05/04/2022 09:09 GMT+7

Đồng rúp tăng giá giữa 'bão' trừng phạt

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bước sang tuần thứ năm "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine, các nước phương Tây tiếp tục kêu gọi tăng cường trừng phạt Matxcơva, đặc biệt nhân báo cáo về vụ hàng trăm thường dân thiệt mạng ở thành phố Bucha của Ukraine.

Đồng rúp tăng giá giữa bão trừng phạt - Ảnh 1.

Nhiều nước phương Tây thấm đòn do giá nhiên liệu và hàng hóa tăng cao - Ảnh: AFP

Một số nhà lãnh đạo EU đang coi các lệnh trừng phạt như bình phong cho sự không hành động của họ. Các biện pháp trừng phạt nhằm mang lại hòa bình cho Ukraine chứ không phải để xoa dịu lương tâm cắn rứt của châu Âu.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki viết trên Twitter.

Nhưng lần này, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang "bị soi" về tính hiệu quả.

Đồng rúp chưa thành "rác"

Trong những ngày đầu Nga đưa quân sang biên giới Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cam kết sẽ "làm tê liệt khả năng tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của (Tổng thống) Vladimir Putin" và hủy hoại nền kinh tế Nga.

Đến nay, kinh tế Nga dường như đã vượt qua đợt trừng phạt đầu tiên, khi đồng rúp tăng trở lại gần bằng mức trước chiến dịch quân sự ở Ukraine và châu Âu vẫn phải trả hàng trăm triệu euro mỗi ngày để mua năng lượng của Matxcơva.

Cuộc phản công kinh tế của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh thời gian qua đã phong tỏa hàng trăm tỉ USD tài sản của Nga và chặn đứng một phần lớn thương mại quốc tế của nước này. Hơn 1.000 công ty, tổ chức và cá nhân Nga bị cho vào "danh sách đen", trong khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga. Cấm vận khiến kinh tế Nga bị "sốc" và đồng nội tệ mất gần nửa giá trị.

"Những đòn trừng phạt này đã biến đồng rúp gần như lập tức trở thành rác", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong chuyến công du tại Ba Lan vào tháng trước.

Tuy nhiên, "ông Putin đã nhắc thế giới rằng ông có vũ khí kinh tế của riêng mình dùng để gây ra một số đau đớn (cho phương Tây) hoặc chống đỡ các cuộc tấn công", tờ New York Times đánh giá.

Đầu tháng 4-2022, đồng rúp đã trở lại gần như mức trước khi bị trừng phạt, đạt 85 rúp đổi 1 USD vào cuối tuần trước, do các nỗ lực của Matxcơva nhằm kiểm soát tài chính, nâng lãi suất để giảm lạm phát... Một phần khác là giá dầu, khí đốt tăng giúp Nga tăng nguồn thu và ổn định đồng nội tệ.

Trong động thái khác nhằm củng cố đồng rúp, Điện Kremlin đã dọa khóa van khí đốt cho các quốc gia "không thân thiện" nếu không thanh toán bằng đồng rúp, khiến các nước như Đức và Ý lo lắng vì vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng Nga.

Phụ thuộc vào năng lượng của Nga là yếu điểm và cũng là vấn đề gây chia rẽ lớn tại châu Âu hiện nay.

Tiếp tục theo đuổi cấm vận năng lượng?

Theo số liệu của Viện kinh tế Bruegel tại Bỉ, châu Âu hiện vẫn trả khoảng 850 triệu USD mỗi ngày để mua năng lượng từ Nga. Nhờ giá năng lượng tăng, Tập đoàn Gazprom của Nga đã bơm khoảng 9,3 tỉ USD vào kinh tế nước này trong tháng 3-2022.

Một ước tính của Hãng tin Bloomberg vào cuối tuần trước cho thấy Nga có thể kiếm được 321 tỉ USD từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay nếu tiếp tục bán dầu và khí đốt, tăng 30% so với năm ngoái.

Bài học cho phương Tây là các biện pháp trừng phạt tài chính chỉ có hiệu quả đến một mức nào đó nếu không đi kèm các trừng phạt thương mại", Tổ chức tư vấn Oxford Economics nhận định.

Đó là chưa kể các nước châu Âu đang chịu tác động ngược từ trừng phạt, như Đức mới đây kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí đốt do lo ngại thiếu hụt năng lượng. Trong khi đó, ở bờ bên kia Đại Tây Dương, Mỹ đã xuất hiện những tín hiệu của khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.

Ngày 3-4, Đức cho biết phương Tây đã đồng ý sẽ tăng cường trừng phạt Nga sau thông tin thường dân thiệt mạng ở Bucha (Ukraine). Trung và Đông Âu đang mâu thuẫn với Tây Âu và mâu thuẫn lẫn nhau về mức độ của trừng phạt. Ba Lan muốn nâng thuế để triệt đường xuất khẩu nhiên liệu của Nga, trong khi Estonia đề xuất lập tài khoản đặc biệt để "giam" các khoản thanh toán cho năng lượng của Nga cho đến khi lực lượng Matxcơva rút khỏi Ukraine, theo tờ Politico.

Tây Âu tỏ ra thận trọng và tập trung vào hoàn thiện các biện pháp trừng phạt hiện có, bất chấp nhiều áp lực từ bên trong về việc tăng cường trừng phạt. Hôm 2-4, Ủy viên phụ trách về kinh tế của châu Âu Paolo Gentiloni nói rằng EU muốn tăng cường trừng phạt Nga nhưng phải tránh ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói châu Âu phải bàn đến việc cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga, điều mà Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã nói ngay sau đó rằng sẽ khó thực hiện ngay lập tức, để buộc Matxcơva trả giá cho vụ Bucha.

Ủng hộ việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, chuyên gia Rüdiger Bachmann cho rằng biện pháp này có thể gây thiệt hại kinh tế cho Đức nhưng trong tầm kiểm soát. "Câu hỏi là liệu chính phủ có sẵn sàng sử dụng các công cụ dành cho khủng hoảng hay không, như các chương trình việc làm ngắn hạn hay hỗ trợ các ngành công nghiệp bị đe dọa", tờ Washington Post dẫn lời ông Bachmann nói.

Mỹ nói đồng rúp phục hồi không bền vững

Phương Tây đến nay vẫn tin vào hiệu quả của việc trừng phạt Nga với dự báo của Viện Tài chính quốc tế rằng GDP của nước này sẽ giảm đến 15% trong năm tới. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nói rằng việc đồng rúp hồi phục là do sự "thao túng" của chính quyền Nga và sẽ không bền vững.

Nhưng Nga cũng sẽ không ngồi yên để chịu trừng phạt và Điện Kremlin đã nói sẽ hướng đến các đối tác ở phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ. "Thế giới rộng lớn hơn nhiều so với châu Âu, và trên thực tế, Nga cũng lớn hơn châu Âu rất nhiều", người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói.

Nga cảnh báo thanh toán khí đốt bằng đồng rúp chỉ là khởi đầu Nga cảnh báo thanh toán khí đốt bằng đồng rúp chỉ là khởi đầu

TTO - Điện Kremlin cho biết việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp sẽ là 'nguyên mẫu' cho việc mở rộng sang các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác, đáp trả việc phương Tây đóng băng tài sản Nga.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên