22/10/2021 11:15 GMT+7

Đông Bắc Á chạy đua tên lửa SLBM

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Lần đầu tiên sau nhiều năm úp mở, Triều Tiên công bố hình ảnh chiếc tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo do nước này tự phát triển. Động thái này được dự báo sẽ đẩy khu vực vào cuộc đua vũ trang mới.

Đông Bắc Á chạy đua tên lửa SLBM - Ảnh 1.

Tàu ngầm 824 của Triều Tiên với khoang phóng tên lửa mở sau vụ bắn SLBM kiểu mới vào ngày 19-10 - Ảnh: Reuters

Vụ phóng thử của Triều Tiên diễn ra ngày 19-10 vừa qua đánh dấu bước tiến mới trong chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của nước này. Ngoài Triều Tiên, toàn thế giới hiện chỉ 7 nước có năng lực này gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Vén màn bí ẩn

Trong bản tin ngày 20-10, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết tên lửa SLBM mới được trang bị nhiều công nghệ dẫn đường tiên tiến, có khả năng xoay chuyển nhiều hướng để khó bị đánh chặn hơn. 

Việc truyền thông Triều Tiên không sử dụng từ "chiến lược" để nói về SLBM mới cho thấy nhiều khả năng nó sẽ được trang bị đầu đạn phi hạt nhân, tương tự loại SLBM vừa được Hàn Quốc thử nghiệm tháng trước.

SLBM mới của Triều Tiên có vẻ ngoài tương tự tên lửa đạn đạo KN-23 được biên chế cho lục quân, đầu vát nhọn và sắc hơn, không giống các SLBM khác của nước này. Trong vụ bắn ngày

19-10, tên lửa đạt độ cao 60km và bay khoảng 590km, phù hợp với các đặc điểm của loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM).

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc gọi SLBM mới là phiên bản "mini" vì có đường kính dưới 1m, nhỏ hơn đáng kể so với các SLBM khác là Pukguksong-1 và Pukguksong-5. 

Một điều thú vị là SLBM "mini" này đã được trưng bày trong triển lãm quốc phòng tại Bình Nhưỡng vào ngày 11-10, nhưng đến khi Triều Tiên phóng thử thì người ta mới chú ý đến nó.

KCNA cũng cung cấp hình ảnh rõ nét một tàu ngầm số hiệu 824 đang trồi lên mặt nước với một thiết bị giống như nắp che ống phóng tên lửa đang mở. 

Theo KCNA, chiếc tàu ngầm "anh hùng" này thuộc lớp Gorae (hay lớp Sinpo) đã thực hiện vụ bắn thử SLBM "mini" và Pukguksong-1 năm 2016. 

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên công bố hình ảnh tàu ngầm lớp Gorae, sau khi các vệ tinh phương Tây đã "biết" về nó vài năm qua. Hiện chỉ mới có 1 chiếc lớp Gorae hoạt động và giữ vai trò như tàu ngầm thử nghiệm.

Đông Bắc Á chạy đua tên lửa SLBM - Ảnh 2.

Dữ liệu: DUY LINH - Nguồn: Yonhap, CSIS - Đồ họa: TUẤN ANH

Cuộc đua ở Đông Bắc Á

Vụ bắn thử SLBM của Triều Tiên diễn ra không lâu sau khi Hàn Quốc tuyên bố trở thành nước thứ 8 phóng thành công SLBM từ tàu ngầm diesel-điện Dosan Ahn Chang-ho. Loại SLBM họ dùng là biến thể của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B, có tầm bắn 500km, dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt trong tương lai gần. 

Tàu ngầm lớp Dosan Ahn Chang-ho có kích thước lớn hơn các tàu ngầm của Triều Tiên và hiện đại hơn, được trang bị hệ thống đẩy không phụ thuộc không khí (AIP) nên hoạt động êm ái và ẩn mình tốt hơn.

Hiện Hàn Quốc đang có 3 tàu ngầm lớp này, trong đó 1 chiếc đã được đưa vào trực chiến, 2 chiếc khác đang hoàn thiện sau khi hạ thủy. Mỗi tàu trang bị 6 ống phóng thẳng đứng có thể phóng ít nhất 6 SLBM, tạo ra sức mạnh vượt trội so với Triều Tiên vì các tàu ngầm hoán cải của Bình Nhưỡng chỉ được trang bị 1 hoặc 2 ống phóng SLBM.

Việc thu nhỏ SLBM có ý nghĩa quan trọng với Hải quân Triều Tiên - lực lượng được cho là sở hữu tàu ngầm nhiều thứ hai tại Đông Bắc Á nhưng đa số đã qua nhiều năm hoạt động. 

Trong một bức ảnh Triều Tiên công bố hồi năm 2019, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang thị sát nhà máy hoán cải một tàu ngầm lớp Romeo. Bức ảnh bị che một số chi tiết ở phần tháp tàu ngầm khiến nhiều người nghi ngờ Triều Tiên đang cải tạo lắp thêm ống phóng tên lửa vào vị trí này.

Hình ảnh tàu ngầm 824 được công bố ngày 20-10 cho thấy suy đoán trên là chính xác. Cộng thêm việc thu nhỏ kích thước SLBM, có thể suy đoán Triều Tiên đang muốn cải tạo hạm đội tàu ngầm. 

Nhiều tàu ngầm nhỏ được trang bị SLBM nếu cùng tấn công vào một mục tiêu sẽ đặt ra thách thức không nhỏ cho hệ thống phòng thủ của bất cứ nước nào.

Nhật Bản đang ở đâu?

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa pin lithium-ion lên tàu ngầm quân sự thành công, cho phép chúng hoạt động lâu hơn.

Tuy nhiên, Nhật cũng là quốc gia duy nhất tại Đông Bắc Á chưa có SLBM dù các tàu ngầm của họ được đánh giá là tàu ngầm phi hạt nhân mạnh nhất thế giới.

Nguyên nhân là do Hiến pháp hòa bình được thiết lập sau Thế chiến thứ II ngăn Nhật sở hữu vũ khí tấn công. Xét về số lượng tàu ngầm có khả năng phóng SLBM, Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu Đông Bắc Á với 6 tàu ngầm Type 094 đang trong biên chế, mỗi tàu có 12 ống phóng SLBM.

Vì sao tàu ngầm lúc nhúc ở biển Đông? Vì sao tàu ngầm lúc nhúc ở biển Đông?

TTCT - Tàu ngầm hạt nhân Connecticut của Hải quân Mỹ làm gì trên Biển Đông, chính xác là ở đâu, mà đụng phải một vật thể chưa xác định? Câu hỏi này không chỉ được “khổ chủ” đặt ra, mà còn nhiều phía muốn biết.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên