16/03/2022 10:36 GMT+7

Đón khách, đừng kêu khó do COVID-19

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Mở cửa chỉ là khởi đầu, làm gì để có thể đón khách khi hành vi và tâm lý du khách đã thay đổi rất nhiều do COVID-19, lại là thử thách đối với các doanh nghiệp du lịch.

Sau hai năm "đóng then cài chốt", Việt Nam đã khôi phục chính sách thị thực như trước dịch COVID-19, mở cửa thông thoáng để chào đón du khách quốc tế quay trở lại sau ngày 15-3. 

Mở cửa chỉ là khởi đầu, làm gì để có thể đón khách khi hành vi và tâm lý du khách đã thay đổi rất nhiều do COVID-19, lại là thử thách đối với các doanh nghiệp du lịch.

Trước mắt là chuỗi dài các khó khăn. Phải nhìn nhận một thực tế như vậy. Dù trong các khảo sát quốc tế đều cho thấy, sau khi nới lỏng hạn chế đi lại, hầu hết du khách cho biết sẵn sàng xách gói "vi vu". 

Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng thế nào lại khác nhau, tùy vào quy định của từng quốc gia, vùng lãnh thổ. Bởi có quá nhiều rào cản, từ dịch bệnh đến các biện pháp phòng dịch mà các nước, vùng lãnh thổ đang áp dụng khiến du khách dù có "cuồng chân" cũng phải đắn đo khi xuất ngoại. 

Quan trọng hơn là khách đến từ các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… vốn là thị trường đóng góp hơn 50% lượng khách quốc tế của Việt Nam vẫn cửa đóng then cài hoặc còn cách ly nghiêm ngặt. Khách đến từ Nga thường gắn với những chuyến đi dài, mạnh tay chi xài nay cũng vắng dần do xung đột và lệnh cấm vận…

Vì vậy, trước mắt, nhóm khách tiềm năng có thể khai thác ngay với du lịch Việt là thị trường châu Âu và Đông Nam Á. Vậy thì lúc này cần phải gia cố thêm sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch, sự thông thoáng trong quy định nhập cảnh và phòng chống dịch để tạo thêm động lực cho du khách xách vali lên đường đến Việt Nam. 

Chẳng hạn, chúng ta miễn thị thực trở lại cho nhóm khách Tây Âu và Bắc Âu nhưng vẫn cần hấp dẫn hơn, đó là kéo dài thời hạn tạm trú tại Việt Nam lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh thay vì 15 ngày. Hoặc vì sao chúng ta chỉ miễn thị thực với một số nước mà không mở rộng ra các nước như Úc, New Zealand, Canada và Thụy Sĩ…

Tạo ra sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch chính là các doanh nghiệp. Rồi đây nước nào cũng mở rộng cửa đón du khách như nhau. Vì vậy, trước mắt phải nâng cấp cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch. 

Trước mắt là hệ thống lưu trú phải sẵn sàng hoạt động, tận tình phục vụ, không thể lấy lý do vì COVID-19 nên phòng ốc xuống cấp, thiếu nhân viên phục vụ vì khách sạn chưa kịp tuyển mới. Càng không thể mong du khách thông cảm vì chất lượng dịch vụ chưa như ý. 

Du lịch vận hành trở lại, khách đến mà gặp phải tình huống này thì tiếng dữ đồn xa, lợi bất cập hại. 

Theo Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, nhiều địa phương chỉ có 50 - 60% số cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, còn phần lớn trong tình trạng khủng hoảng nhân lực trầm trọng, thiếu vốn để duy trì dịch vụ… Đấy là nỗi lo thật sự.

Du lịch quốc tế đã trở lại nhưng sẽ khó có làn sóng khách quốc tế "cuồng chân phải đi thôi" như du lịch nội địa. 

Vì thế, phải kiên trì nhưng sáng tạo để chọn đúng điểm rơi khi mọi người, mọi quốc gia thấy rằng đã đến lúc mở cửa, đã đến lúc đi được rồi, thì lúc đó chúng ta đã có sản phẩm du lịch độc đáo, hạ tầng du lịch đủ sức đáp ứng được yêu cầu của du khách quốc tế. 

Không kiên trì thì sẽ khó tận dụng được cơ hội mở cửa lại du lịch quốc tế.

Chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế: Không mở toang nhưng cũng đừng mở hé Chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế: Không mở toang nhưng cũng đừng mở hé

TTO - Theo TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dù chưa thể coi COVID-19 là bệnh thông thường nhưng Chính phủ nên mạnh dạn mở rộng cửa đón khách quốc tế, không mở toang nhưng cũng đừng mở hé.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên