22/02/2024 08:50 GMT+7

Đối thoại về đường cao tốc

Khi có nhiều tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng thì những thắc mắc, tranh luận về quy mô đầu tư, đi lại an toàn cũng nhiều hơn.

Đoạn cuối cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo - Ảnh: T.T.D.

Đoạn cuối cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo - Ảnh: T.T.D.

Một cuộc "đối thoại" về đường cao tốc với PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Trường ĐH Giao thông vận tải - để có thêm thông tin về những tranh luận này.

Đối thoại về đường cao tốc- Ảnh 2.

Ông Toản cho hay về cao tốc, nhiều nước có quan niệm khác nhau nhưng thể hiện ở tên gọi phổ biến như expressway, freeway (Mỹ, châu Âu), autobahn (Đức)... Việt Nam gọi chung là đường cao tốc.

Tùy từng nước, đường cao tốc có giới hạn tốc độ tối đa và tối thiểu với xe đi trên đường.

Ngoại trừ đường autobahn (đường cao tốc liên bang) của Đức có nhiều đoạn không giới hạn tốc độ tối đa, chỉ giới hạn tốc độ tối thiểu, nhưng khuyến cáo không nên chạy quá 130km/h để đảm bảo an toàn.

Đến thời điểm này, hạ tầng giao thông của nước ta phát triển ngoài sức tưởng tượng của tôi vì ai cũng biết làm đường cao tốc cần chi phí rất lớn. Đến nay chúng ta đã hình thành hệ thống cao tốc, trong đó có những tuyến đường cao tốc không thua kém nước phát triển như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng rộng 33m, 6 làn xe, 2 làn dừng xe khẩn cấp.
PGS.TS NGUYỄN QUANG TOẢN

Không phải muốn là có ngay cao tốc tiêu chuẩn

* Thưa ông, nhiều người cho rằng ngoài việc khống chế các điểm ra vào, không có nút giao cùng mức với đường khác, đường cao tốc phải nhiều làn xe, được chạy với tốc độ cao... Ông có chia sẻ gì?

- Cao tốc chuẩn nhất được các nước châu Âu xây dựng có chiều rộng từ 28 - 32m, 4 làn xe chạy và 2 dải dừng xe khẩn cấp. Trong đó, đường chạy xe là 3,75m/làn (4 làn là 15m), 2 dải dừng xe khẩn cấp tối thiểu 3m/làn, 1m lề đường mỗi bên. Dải phân cách giữa rộng 5m thông thường (hoặc 4m hạn chế) gồm: 3m cho dải phân cách giữa, 2m lề hai bên là khoảng lưu không để xe không trôi vào.

Tại châu Á, lề dải phân cách giữa đường cao tốc thường rộng 0,75m, cao tốc nội đô rộng 0,5m nhưng châu Âu thường rộng 1m.

Người ta làm dải phân cách ở giữa rộng 5m có tác dụng không bị chói sáng bởi xe ngược chiều. Dải phân cách hẹp hơn thì làm tường chắn cao hơn hoặc rào chắn chống chói. Nhưng dải phân cách bằng tường cao dễ gây ức chế cho tài xế, nhất là người lái xe con. Chạy xe trên cao tốc thường đơn điệu nên đường phong quang mới mang tâm trạng thoải mái cho người đi đường.

Mong muốn, cách hiểu chung của nhiều người như trên là đúng. Tuy nhiên, tùy điều kiện thực tế và nhiều lý do khác nhau, không phải quốc gia nào cũng đầu tư ngay được toàn bộ đường cao tốc tiêu chuẩn rộng 28 - 32m và nhiều đoạn cao tốc của chúng ta đang nằm trong dạng "chưa như mong muốn" này.

* Đường cao tốc Bắc - Nam phía đông ở Việt Nam hiện được quy hoạch từ 4 - 10 làn xe tùy từng đoạn. Nhưng do nguồn lực còn hạn chế, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý đầu tư giai đoạn đầu một số đoạn theo quy mô 2 làn xe hoặc 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục (gọi là phân kỳ đầu tư). Ông đánh giá thế nào về cách làm này?

- Trong giai đoạn đầu làm cao tốc thì các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đầu tư những tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe, khi kinh tế phát triển họ mở rộng dần. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một số tuyến cao tốc 2 làn xe đi qua những nơi lưu lượng xe ít, nhu cầu vận tải chưa cao.

Chúng ta vì nguồn vốn hạn hẹp đang phân kỳ đầu tư cao tốc như kinh nghiệm một số nước đi trước. Với điều kiện của mình, có thêm tuyến cao tốc song song với quốc lộ, dù còn chật nhưng vẫn tốt khi không có đường ngang giao cắt cùng mức, không có xe máy, lại có thêm sự lựa chọn đường đi, giảm tải cho quốc lộ đông đúc.

Đường Đồng Đăng - Trà Lĩnh thời kỳ đầu ít xe, thiếu tiền nên làm chủ yếu rộng 13m không có dải phân cách giữa cũng là phù hợp.

Tất nhiên với những đường cao tốc 2 làn, 4 làn xe hạn chế ngoài tổ chức giao thông hợp lý, tài xế cần tuân thủ pháp luật, đi lại nghiêm túc để hạn chế tai nạn.

Lái xe trên cao tốc luôn được nhắc nhở giữ khoảng cách an toàn giữa các xe - Ảnh: Q.ĐỊNH

Lái xe trên cao tốc luôn được nhắc nhở giữ khoảng cách an toàn giữa các xe - Ảnh: Q.ĐỊNH

Cao tốc là con đường đặc biệt nguy hiểm

* Trong vụ tai nạn ngày 18-2 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (cao tốc 2 làn), nhiều người nhận định lỗi do tài xế xe 7 chỗ vượt không an toàn, nhưng có người nói do đường chưa chuẩn cao tốc. Ông đánh giá thế nào?

- Tại châu Âu, Nhật Bản đều có đường cao tốc 2 làn tại những khu vực lưu lượng xe ít, nhu cầu giao thông không cao. Họ quy định đường 2 làn xe, mỗi bên đường rộng 5,5 - 6m thì không làm dải phân cách giữa. Đường này giới hạn tốc độ tối đa, tối thiểu nhưng không làm làn dừng khẩn cấp. Do vậy, họ quy định xe phía trước chuyển làn sang phía lề đường để xe phía sau vượt lên.

Chúng ta làm cao tốc 2 làn nhưng không cho xe đi vào dải dừng xe khẩn cấp. Thay vào đó vài km lại mở rộng đường 4 làn để làm chỗ vượt xe. Nhưng khi gặp những xe tải nặng, xe chạy chậm trên những đoạn đường không được vượt thì nhiều tài xế phía sau mất kiên nhẫn đã lấn sang phần đường ngược chiều hoặc chạy vào làn khẩn cấp để vượt xe, rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn.

Cũng có nhiều tình huống đến điểm vượt xe thì xe chạy làn sát dải phân cách giữa vẫn chạy chậm, không nhường đường nên xe phía sau buộc chuyển làn để vượt phải. Trong khi đó, với xe có vô lăng bên trái như ở Việt Nam thì bên phải xe là góc chết của tài xế, rất khó thấy xe sau vượt bên phải. Tài xế chạy chậm nhưng bám làn trái buộc xe khác phải vượt bên phải hoặc lẽo đẽo theo sau rất cần phải thay đổi tư duy "tôi đang chạy thẳng, ông có nhu cầu vượt thì vượt bên phải".

Thực tế khai thác đường cao tốc ở châu Âu và Mỹ thì làn đường sát dải phân cách giữa dành cho xe chạy tốc độ cao hơn. Xe đi trên làn này thấy làn bên phải thoáng thì chuyển sang để làn sát dải phân cách giữa nhường làn cho xe chạy nhanh hơn.

Nhiều tài xế ở mình cứ bám sát dải phân cách giữa với tốc độ chậm buộc xe sau vượt làn bên phải xe mình là không đúng. Chạy chậm trên làn dành cho xe chạy tốc độ cao còn rất dễ bị xe phía sau đâm vào.

* Vậy có thể tổ chức lại thế nào trong tình huống này, nhất là với cao tốc 2 làn xe?

- Để hạn chế tình huống này, cao tốc 2 làn có thể tổ chức giao thông theo cách thức bắt buộc xe đi chậm phía trước nhường cho xe vượt bên trái tại điểm vượt xe. Hoặc cho xe phía trước né sang bên phía lề đường (hiện đang là làn dừng khẩn cấp) để xe sau vượt từ bên trái.

Tuy nhiên, giải pháp trên cũng chỉ đáp ứng được trên đường thông thoáng, ít xe. Nếu đường đông, xe trước lách sang để nhường cho xe sau vượt trái rồi nhưng bị ùn không trở lại được làn đường chính thì tài xế cũng không nhường xe sau vượt. Những đường cao tốc 2 làn chỉ nên làm ở những đoạn đường ít xe. Nếu có 500 - 600 xe/giờ/làn thì không thể khai thác tốc độ cao được khi khoảng cách bình quân giữa hai xe còn cách nhau 6 giây.

* Đường cao tốc tạo thuận lợi trong giao thông, rút ngắn thời gian đi lại. Nhưng có người nói đường cao tốc cũng là con đường nguy hiểm. Theo ông vì sao có nhận định này?

- Đường cao tốc có thiết kế rất an toàn nhưng cần nhớ rằng khi khai thác thì đó là con đường đặc biệt nguy hiểm, sểnh ra là tai nạn khi xe có tốc độ cao, thời gian xử lý tình huống tính bằng giây, thậm chí là phần trăm giây, sơ sẩy là tai nạn nghiêm trọng, 5-7 xe tông nhau là chuyện thường.

Có người thắc mắc tại sao ở Đức có cao tốc cho chạy quá tốc độ không bị phạt nhưng chạy dưới tốc độ tối thiểu lại bị phạt. Lý do là xe chạy chậm trên đường cao tốc rất dễ gây tai nạn khi người lái xe tốc độ cao trên đường cao tốc rất khó phân biệt được một xe chạy chậm với xe đứng yên. Khi phát hiện ra thì không đủ thời gian, khoảng cách để xử lý. Do vậy, đường cao tốc phải có làn dừng khẩn cấp để xe gặp sự cố hoặc vấn đề gì đó thì ra đây để sửa chữa hoặc gọi cứu hộ.

Như vậy, dù đường cao tốc hạn chế hay quy mô đầy đủ thì ý thức của tài xế rất quyết định, phải quan niệm đó là đường cực kỳ nguy hiểm để phòng tránh tai nạn. Ở nước ngoài, những người thần kinh không vững, không lái xe được ở tốc độ cao cũng rất ngại đi đường cao tốc.

Ra vô đường cao tốc đòi hỏi lái xe phải có kinh nghiệm xử lý và phán đoán sớm. Ảnh chụp trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, lối ra TP Phủ Lý (Hà Nam) - Ảnh: T.T.D.

Ra vô đường cao tốc đòi hỏi lái xe phải có kinh nghiệm xử lý và phán đoán sớm. Ảnh chụp trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, lối ra TP Phủ Lý (Hà Nam) - Ảnh: T.T.D.

Đổi tên có được không?

* Một số tài xế cho rằng với cao tốc 2 làn, 4 làn hạn chế chỉ khai thác được tốc độ tối đa 80 - 90km/h, tương đương quốc lộ, thì chưa nên gọi là đường cao tốc để người đi đường có ứng xử phù hợp. Ông nghĩ thế nào?

- Đường quốc lộ ngoài khu vực đông dân cư xe được chạy với tốc độ tối đa 80km/h (không có dải phân cách cứng ở giữa) đến 90km/h (có dải phân cách cứng). Nếu đi trên quốc lộ mà vắng xe thì tài xế không ức chế như đi cao tốc 2 làn, tốc độ tối đa 80km/h mà đông xe. Bởi vì nhiều người nghĩ đường cao tốc phải thông thoáng, tốc độ cao hơn quốc lộ nhưng thực tế vào đường cao tốc 2 làn hạn chế thấy quá đông, không chạy nhanh được.

Để đảm bảo an toàn giao thông thì điều kiện đường thế nào thì đặt tên, tổ chức khai thác cho đúng. Nếu hạn chế tốc độ chạy xe 80km/h thì nên gọi là đường ô tô thông thường cấp 1, cấp 2, cấp 3 và tổ chức khai thác, báo hiệu như đường ô tô thông thường để tài xế ứng xử cho đúng.

* Nhưng tên gọi đường cao tốc liên quan đến những yếu tố pháp lý trong quá trình đầu tư tuyến đường?

- Đúng là ở ta nếu làm đường cao tốc 2 làn xe mà không gọi tên là đường cao tốc thì không có cơ sở để giải phóng mặt bằng theo quy mô đầy đủ như quy hoạch của tuyến cao tốc đó. Đồng thời không thuyết phục được cấp thẩm quyền bố trí tổng mức đầu tư để làm đường theo tiêu chuẩn, chất lượng đường cao tốc. Vì vậy, phải gọi là đường cao tốc phân kỳ đầu tư.

Theo tôi, tên dự án thì gọi là cao tốc phân kỳ đầu tư. Còn khi đưa vào khai thác thì gọi là đường cấp 3, tổ chức giao thông phù hợp với quy mô đường và tốc độ khai thác cũng không ai thắc mắc. Giao thông cần đơn giản, giao thông mà phức tạp như trên bàn giấy thì rủi ro lớn, nguy cơ tai nạn cao.

Cần nhiều năm để hình thành văn hóa giao thông

Xe cấp cứu bị kẹt giữa những chiếc xe lấn làn khẩn cấp (khi xe ùn tắc do một tai nạn nhỏ) trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh chụp tại địa phận huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) hướng vào TP Hà Nội tối 6-2 - Ảnh: T.T.D.

Xe cấp cứu bị kẹt giữa những chiếc xe lấn làn khẩn cấp (khi xe ùn tắc do một tai nạn nhỏ) trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh chụp tại địa phận Thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) hướng vào TP Hà Nội tối 6-2 - Ảnh: T.T.D.

Trong bối cảnh nguồn vốn còn hạn chế và một số vấn đề về kỹ thuật cho đường cao tốc có thể phát sinh trong quá trình sử dụng, những ngày qua việc thích ứng, học hỏi, tập thói quen, kỹ năng lái xe an toàn trên loại hình giao thông khá mới mẻ với nhiều tài xế ở Việt Nam cũng được nhiều người nói đến.

* Luật Giao thông đường bộ là bộ luật được tuyên truyền thường xuyên liên tục, nhiều người bị xử phạt nhưng thực tế trên đường vẫn có nhiều người bất chấp, cố tình phạm lỗi. Ông lý giải thế nào?

- Không phải nước nào cũng có tiền để làm đường cao tốc ra cao tốc. Đường cao tốc là sản phẩm cao nhất của ngành xây dựng đường, xuất hiện từ các nước có nền kinh tế, công nghiệp phát triển, được sử dụng bởi những công dân có trình độ phát triển con người cao.

Để có được những con người như thế thì nước nào cũng phải trải qua quá trình rèn luyện, phát triển. Ví dụ, một trẻ em của nước phát triển ngồi trên ô tô đã biết phải tuân thủ cái gì nhưng ở ta nhiều người lớn vẫn không biết hoặc bất chấp. Ở nước phát triển, một người từ ghế sau tài xế mở cửa để bước xuống sẽ làm người khác rất kinh ngạc do khác hoàn toàn với thói quen đã được hình thành.

Với những hạn chế này của chúng ta, phạt là nên, thậm chí là phạt mức rất cao để người ta thay đổi hành vi. Nhưng cũng đừng quá sốt ruột. Bởi vì những thói quen cần 10 năm, 20 năm để hình thành. Nhiều tài xế vi phạm, lái xe ẩu vì chưa có thói quen, tác phong lái xe chuyên nghiệp chứ không hẳn là liều lĩnh. Khi còn đói khổ thì ai cũng coi chuyện an toàn thực phẩm như cái gì đó xa xỉ, nhưng khi ở điều kiện tốt hơn thì đây là chuyện đương nhiên.

* Theo ông, ngoài tuyên truyền, cần đầu tư hệ thống giám sát giao thông, phạt nguội qua hình ảnh, xử lý nghiêm mọi vi phạm, không có phân biệt xe cá nhân, xe kinh doanh vận tải, xe công vụ để tạo kỷ luật giao thông?

- Các nước châu Âu khi phát triển đường cao tốc trong thập niên 1960 cũng xảy ra nhiều tai nạn trên các tuyến đường mới trong vài năm đầu tiên. Những năm 1990 khi chúng ta vay vốn mở rộng quốc lộ 1, phía Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý mở rộng đường sẽ kéo theo số vụ tai nạn tăng trong những năm đầu và thực tế xảy ra như thế.

Tuy nhiên, vẫn cần tăng cường tuyên truyền, thực thi pháp luật nghiêm minh để dần dần đi vào nề nếp. Mọi vi phạm giao thông cần phải xử phạt nghiêm, liên tục, không có vùng cấm như xử lý vi phạm nồng độ cồn. Xử lý nồng độ cồn hiện nay dù có những phản ứng rất mạnh, người bị phạt có thể bực tức, nhưng thử hỏi vợ con họ nghĩ gì? Có thể đến thế hệ tiếp theo chúng ta sẽ có thói quen hành xử giao thông nghiêm túc, chuẩn chỉn hơn nếu tất cả làm nghiêm.

Tài xế xe gia đình cũng phải chuyên nghiệp

PGS.TS Nguyễn Quang Toản chia sẻ với giai đoạn mới đưa các tuyến cao tốc vào khai thác, cơ quan quản lý cần thận trọng theo dõi, rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý để bảo đảm an toàn.

Với tài xế, cần tuân thủ kỷ luật giao thông nghiêm túc, chỉ cần một tài xế xử lý sai thì dễ gây tai nạn dây chuyền. Trong khi đó, ở nhiều nước phát triển, quan niệm những người lái xe gia đình là những tài xế nghiệp dư, không phải hành nghề lái xe chuyên nghiệp nên xác suất xảy ra tai nạn cao hơn. Chúng ta mới phát triển, tài xế nghiệp dư rất nhiều nên nhìn chung khó tránh chuyện tai nạn xảy ra nhiều.

Có thể tài xế nghiệp dư thâm niên cầm lái cao, kinh nghiệm đầy mình nhưng chủ yếu chạy đường đô thị tốc độ thấp, suy nghĩ và phản xạ trong 3-5 giây không có tác dụng với đường cao tốc.

Rèn kỹ năng lái xe trên đường cao tốc

Xe tập lái chạy trên quốc lộ 1, đoạn qua huyện Cà Ná, Ninh Thuận - Ảnh: T.T.D.

Xe tập lái chạy trên quốc lộ 1, đoạn qua huyện Cà Ná, Ninh Thuận - Ảnh: T.T.D.

TS.KTS Nguyễn Bảo Thành (Trường ĐH Mở TP.HCM) cho rằng bên cạnh một số tuyến cao tốc được xây dựng chưa đảm bảo tiêu chuẩn, nguyên nhân lớn dẫn tới tai nạn xuất phát từ thiếu kỹ năng lái xe trên đường cao tốc và ý thức kém.

Ông Thành kể trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, ông tự lái xe đi du lịch dọc theo các cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo... và nhận thấy tình trạng "tài mới" thiếu kỹ năng xử lý tình huống gây va chạm giao thông rất dễ bắt gặp. Đáng chú ý nhất là hầu hết ô tô, xe tải vào cao tốc đều thi nhau chạy, quên luôn việc phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu.

"Thậm chí, có những "tài mới" chưa rành biển báo trên đường cao tốc, chạy chậm bám làn trái cản trở giao thông. Đến đoạn tách nhập làn thì họ khá lúng túng, đột ngột giảm tốc rất nguy hiểm. Ngoài ra, một số trường hợp tai nạn trên cao tốc cũng xảy ra do tài xế cố tình lái ẩu, vượt ẩu do không nắm được kiến thức về điểm mù của xe tải, xe container...", ông Thành đưa ra nhận định.

Từ đó, ông Thành đề xuất nên nghiên cứu để đưa thêm phần kỹ năng lái xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo, sát hạch lái xe một cách bài bản, đầy đủ. Trong đó, chú trọng vào kỹ năng đọc biển báo, tốc độ, nhập tách làn, ra vào cao tốc, vượt lên; kỹ năng giữ khoảng cách an toàn, xử lý tình huống bất ngờ... cũng cần được quan tâm đào tạo.

"Chương trình hiện nay có nhưng có vẻ chưa đủ nhắc nhớ, phần lớn học viên ít quan tâm và chỉ học đối phó. Thậm chí có thể đưa vào theo dạng tình huống mô phỏng nâng cao cảnh báo là rất cần thiết, giúp học viên bổ sung kỹ năng phản xạ tình huống có thể gặp trên cao tốc", ông Thành đề xuất.

Bàn về giải pháp chung một cách toàn diện, ông Thành cho rằng cần phải đồng bộ ba giải pháp cả về đáp ứng quy chuẩn đường cao tốc, kỹ năng lái xe trên cao tốc kết hợp chế tài nghiêm với cánh tài xế chạy ẩu.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Minh Sáu, chuyên gia về đô thị ở TP.HCM, chia sẻ thêm trong khi chờ hạ tầng thì có thể tập trung vào dạy kỹ năng, xử nghiêm vi phạm để chấn chỉnh.

"Chạy ẩu không thể đổ lỗi cho hạ tầng, không có đường sá nào đủ an toàn cho người đi ẩu", bà Sáu nói. Vì thế, cần tăng cường hệ thống camera ghi hình, phạt nguội "đúng người, đúng lỗi" một cách nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe.

Làm gì để giảm tai nạn trên cao tốc làm theo kiểu phân kỳ ở miền Trung?Làm gì để giảm tai nạn trên cao tốc làm theo kiểu phân kỳ ở miền Trung?

Tuyến cao tốc Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ (nối Đà Nẵng tới Quảng Trị) sẽ còn mất nhiều thời gian để mở rộng làn đường và làm dải phân cách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên