12/07/2020 06:05 GMT+7

Đòi nợ bất lương: Coi chừng xộ khám

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Đi đòi nợ nhưng đưa hàng chục người đến nhà con nợ để đe dọa, hành hung, ép ký giấy nhận nợ khiến nạn nhân bị dồn đến bước đường cùng. Đó là thực trạng của nhiều vụ án đi đòi nợ thuê hiện nay.

Đòi nợ bất lương: Coi chừng xộ khám - Ảnh 1.

Vụ việc ông L.T.T. (ngụ phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM) phải nhảy cầu tự tử vì áp lực do nhóm đòi nợ gây ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các vụ án vi phạm pháp luật núp dưới bóng việc đòi nợ thuê hiện nay.

Tự tử vì bị đòi nợ

Do vợ đi bán hàng rong, bản thân không có nghề nghiệp ổn định, không nhà cửa và phải nuôi hai con ăn học nên ông L.T.T. đã làm hồ sơ vay một công ty tài chính tại TP.HCM món nợ 40 triệu đồng.

Chiều 19-6, một nhóm khoảng 10 thanh niên đã xông vào nhà ông T. ở Gò Vấp để đòi nợ. Thấy cả nhóm hung hăng chửi bới, vợ ông T. phải đóng cửa cùng hai con trốn trong nhà. Khi ông T. đi làm về nhà được vợ mở cửa, nhóm đòi nợ cũng ùa vào theo. Cả nhóm tiếp tục uy hiếp, hành hung, buộc ông T. phải trả món nợ đã vay của công ty tài chính.

Do không có tiền trả nợ nên vợ chồng ông bị các đối tượng ép đến trụ sở một công ty viết giấy nhận nợ số tiền cả lãi và gốc lên đến 105 triệu đồng. Cả nhóm giao hẹn hai ngày sau vợ chồng ông phải đóng đủ tiền, nếu không sẽ lãnh hậu quả. Vợ chồng ông T. bị giữ tại trụ sở công ty đến 21h mới được về nhà.

Hai ngày sau, vì không có tiền trả nợ khi đến hạn, ông T. đã nhảy sông Sài Gòn tự tử. Liên quan vụ việc này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra thông tin để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Câu chuyện đau lòng nêu trên đã không còn là chuyện cá biệt. Trên thực tế, có hàng loạt vụ án đòi nợ thuê theo kiểu "xã hội đen" diễn ra khiến dư luận hoang mang. Dù pháp luật đã có quy định và chế tài cụ thể cho các hành vi này, nhưng các đối tượng đi đòi nợ thuê dường như vẫn không chút e sợ.

TAND TP Đà Nẵng từng đưa ra xét xử sơ thẩm Nguyễn Ngọc Xí (30 tuổi) và 4 đồng phạm về hành vi cưỡng đoạt tài sản khi đi đòi nợ. Bị hại trong vụ án này là ông Hồ Văn Quynh (47 tuổi).

Do cuộc sống túng quẫn, cần tiền trả nợ nên ông Quynh đã nhờ em gái là bà Hồ Thị Hoa vay giùm mình số tiền 16 triệu đồng. Mỗi tháng ông Quynh phải trả tiền lãi là 800.000 đồng. Tuy nhiên từ lúc mượn tiền, ông Quynh không trả lãi mà thường xuyên đi làm ăn xa nên bà Hoa phải đứng ra trả nợ thay.

Do không tìm được anh trai để đòi nợ nên bà Hoa nhờ nhóm Nguyễn Ngọc Xí (là con trai của bạn thân) đi tìm. Bà Hoa hứa với Xí nếu đòi được nợ của ông Quynh thì sẽ cho Xí 40% trên tổng số nợ đòi được.

Bà Hoa dặn Xí khi tìm được ông Quynh chỉ đòi tiền, chứ không được đe dọa hay đánh đập vì đó là anh ruột bà. Sau khi biết địa chỉ ông Quynh đang làm thuê, Xí đã rủ thêm ba người tìm đến chửi rủa, đánh vào mặt, dùng chân đạp vào bụng ông Quynh và buộc ông phải đưa 10 triệu đồng.

Khi cả nhóm đang nhận tiền của ông Quynh thì bị công an bắt. Hành vi của Xí và các đồng phạm bị đưa ra xét xử về tội "cưỡng đoạt tài sản". Riêng bà Hoa, tòa cho rằng bà bận công việc không đi tìm anh trai để lấy tiền nợ được nên nhờ nhóm của Xí đi lấy nợ thay.

Việc các bị cáo tự ý đánh đập, cưỡng đoạt tài sản của ông Quynh là ngoài mong muốn của bà. Xét hành vi của bà Hoa chưa có dấu hiệu phạm tội, nhưng tòa án cũng nhắc nhở bà cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi yêu cầu người khác trả nợ thay mình.

Biến tướng

Ông Vũ Phi Long - nguyên phó chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM - nhận định việc đi đòi nợ thuê với nhiều hình thức biến tướng hiện nay chứa đựng rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Các hành vi sử dụng biện pháp vũ lực, có tính chất cưỡng ép người khác trái quy định đều có thể bị xử lý.

"Trong trường hợp cụ thể của ông T., việc nạn nhân bị dồn ép đến bước đường cùng, phải nhảy cầu tự tử thì có thể xác định cái chết của nạn nhân là hậu quả tinh thần rất nghiêm trọng.

Việc dùng vũ lực, lời nói, đe dọa nạn nhân có thể không gây ra thiệt hại về tính mạng tại chỗ nhưng lại khiến nạn nhân phẫn uất dẫn đến tự tử, hậu quả này là tình tiết định khung rất nặng trong Bộ luật hình sự" - ông Long phân tích.

Luật sư Nguyễn Đình Thuận - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết việc vay nợ, đòi nợ thuê hiện nay có nhiều hình thức biến tướng khó xử lý. Có công ty cho vay tiền mặt, có công ty bán hàng và liên kết với các ngân hàng để cho người mua vay tiền với các điều kiện khá đơn giản.

Sau đó, người cần tiền sẽ bán món hàng vừa mua trả góp với số tiền "tươi" thấp hơn giá trị thật để lấy tiền mặt. Giai đoạn đòi nợ, ngân hàng hay công ty tài chính sẽ ký hợp đồng với đơn vị thực hiện dịch vụ thu hồi nợ. Các đơn vị này thường đòi nợ bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.

Thực tế có hàng loạt vụ án đòi nợ mà đương sự kéo đến tận nhà con nợ để chửi bới, hành hung, đập phá đồ đạc; đến tận cơ quan để bêu riếu, hạ nhục... Bằng cách nêu trên vẫn chưa đòi được tiền thì các đối tượng nhắn tin cho con nợ để đe dọa, khủng bố qua điện thoại, tung thông tin lên mạng xã hội để gây áp lực...

Theo ông Thuận, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín đã được quy định tại Bộ luật dân sự. Theo đó, danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật, cụ thể là xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

"Trong vụ việc của ông T., các đối tượng đã có hành vi xông vào nhà ông, áp giải vợ chồng ông về công ty để làm giấy nợ. Các hành vi này có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản và làm nhục người khác. Chưa kể đến việc nhóm đối tượng còn có hành vi đe dọa giết người khi có tin nhắn, chửi bới, dọa dẫm.

Việc kéo đến nhà ông T. gây mất an ninh trật tự cũng có thể bị xử lý về hành vi gây rối an ninh trật tự hoặc xâm phạm chỗ ở hợp pháp của công dân. Tất nhiên, nếu muốn xử lý phải có chứng cứ cụ thể" - luật sư Thuận cho biết.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cái khó hiện nay là chỉ xử lý được phần ngọn, tức là các tay đi đòi nợ thuê, còn các công ty tài chính phía sau vì họ không ra mặt nên rất khó xử lý.

Tuân thủ quy định về đòi nợ

Theo ông Vũ Phi Long, pháp luật hiện nay có đầy đủ quy định về việc đòi nợ. Muốn đòi nợ có thể khởi kiện dân sự, hoặc sử dụng các biện pháp khác được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, từ thực tiễn xét xử vẫn có hàng loạt vụ án đòi nợ theo kiểu "xã hội đen" diễn ra.

Cái khó là đơn vị cho vay không ra mặt, nạn nhân không biết kẻ đe dọa, khủng bố mình là ai. Cộng với tâm lý nợ tiền bị làm nhục nên họ rất xấu hổ. Trong trường hợp này, nạn nhân nên mạnh dạn tố cáo đến chính quyền địa phương để được bảo vệ.

Sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương khi công dân bị đe dọa, ép buộc... là điều hết sức cần thiết để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Một thanh niên treo cổ tự tử nghi do vay tiêu dùng lãi suất cao Một thanh niên treo cổ tự tử nghi do vay tiêu dùng lãi suất cao

TTO - Vài ngày trước khi chết, C. liên tục bị 'khủng bố' điện thoại đòi nợ. Sau đó, C. nghỉ làm rồi treo cổ tự tử ở nhà. Lực lượng chức năng phát hiện có 2 bản hợp đồng vay tiêu dùng của 2 tổ chức tài chính với lãi suất 47%/năm.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên