01/03/2022 09:47 GMT+7

Đội cứu hộ bãi biển Vũng Tàu cứu được nhiều người rơi vào ao xoáy

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Mặc áo màu vàng, quàng phao dài qua lưng, cổ đeo còi, họ đi dọc bãi tắm Vũng Tàu, cầm loa trên tay và mắt luôn hướng ra biển. Đó là hình ảnh những người cứu hộ ở Vũng Tàu đã kịp cứu mạng bao du khách...

Đội cứu hộ bãi biển Vũng Tàu cứu được nhiều người rơi vào ao xoáy - Ảnh 1.

Nhân viên cứu hộ gọi du khách tắm cách xa cột cờ đen để tránh lọt vào ao xoáy nguy hiểm - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Một ngày cuối tháng 2-2022, bãi tắm Vũng Tàu đầy du khách. Những nhân viên cứu hộ cũng có mặt đầy đủ trên bãi để kịp thời cứu các du khách lọt vào ao xoáy, bị dòng chảy ngầm cuốn xa bờ.

Hàng trăm người được cứu mạng

Đứng trên hành lang đài cấp cứu số 2, anh Lê Văn Tiền (44 tuổi) chăm chú nhìn xuống bãi tắm. Thấy nhóm du khách ra gần cột cờ đen, anh tức tốc chạy xuống, thổi còi và cầm loa nói lớn: "Cờ đen có ao xoáy rất nguy hiểm, đề nghị quý khách tắm cách xa cờ đen 30m. Anh chị di chuyển lên trên cho an toàn". Cùng lúc, những cứu hộ viên khác cũng bắt đầu kéo canô ra biển để "đi tuần", yêu cầu du khách ra xa bờ lùi vào trong...

Từ Tết Nhâm Dần 2022 đến gần hết tháng giêng, hơn 20 nhân viên cứu hộ thuộc Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu không ngày nào ngơi nghỉ, vì cứ có khách tắm biển là phải có người trực cứu hộ.

Chiều mùng 6 tháng giêng, anh Nguyễn M.Đ. (ngụ Củ Chi, TP.HCM) chẳng may lọt vào ao xoáy ở Bãi Sau, chới với giữa dòng. Hai du khách tắm gần lao ra cứu nhưng họ cũng bị lọt ao như anh. Cả ba cùng bị dòng chảy ngầm cuốn ra xa bờ. Rất nhanh từ trên bãi, 3 nhân viên cứu hộ là anh Nguyễn Thanh Phương, Bùi Nguyên Tuấn và Ngô Nhã Phương phóng ra biển, bơi nhanh đến nơi 3 người đang chới với nguy hiểm tính mạng. Sau ít phút vật lộn với sóng biển, cả 3 du khách đã được nhân viên cứu hộ bơi dìu vào bờ an toàn.

Trước đó, ngay sáng mùng 3 Tết, lực lượng cứu hộ cũng cứu vào bờ an toàn hai du khách nam, nữ ngụ tại quận 5, TP.HCM. Tiếp đó, mùng 5 Tết họ cũng cứu được hai cháu nhỏ từ Hà Nội vào Vũng Tàu du lịch cùng cha mẹ.

Mới đây nhất, trong hai ngày 19 và 20-2, các nhân viên cứu hộ bãi biển Vũng Tàu đã cứu được 6 du khách thoát khỏi lưỡi hái thủy thần. Trong đó, một cháu bé đã chìm dưới nước nhưng được kịp thời cứu sống.

Nhiều người sau khi được cứu vẫn còn hoảng loạn, không biết nói gì. Nhưng khi về nhà, họ bình tĩnh lại, tìm cách liên lạc với đội cứu hộ để gửi lời cảm ơn. Ngay trưa mùng 6 tháng giêng, một thanh niên trẻ lò dò tìm đến đài cứu hộ ở bãi biển Vũng Tàu để gửi lời cảm ơn. Anh xúc động nói rằng lúc được cứu, quýnh quá không kịp cảm ơn những người đã cứu mình, nay anh đến để gửi lời tri ân.

Với anh Đinh V.K. (ngụ Cần Giờ, TP.HCM), dù đã qua nhiều ngày sau sự kiện vợ con mình lọt ao xoáy được nhân viên cứu hộ biển Vũng Tàu đưa vào bờ an toàn nhưng đến nay vẫn còn xúc động. "Anh em cứu hộ rất có tâm, trách nhiệm. Gia đình tôi trên đường về lại nhà vẫn được anh Tộ điện hỏi thăm sức khỏe, dặn dò. Tôi thực sự không biết nói gì để cảm ơn" - anh K. chia sẻ.

Còn chị Hoàng Thị M.T. (ngụ Hà Nội) đến nay vẫn còn bàng hoàng sau vụ hai con mình bị lọt ao xoáy ở Vũng Tàu. Rất may lực lượng cứu hộ đã kịp thời cứu được hai cháu. Chị nói rằng khi con được cứu, vì quá lo lắng, hoảng sợ nên chưa kịp gửi lời cảm ơn. "Thực sự nếu không có đội cứu hộ thì chuyến du lịch ngày Tết của gia đình tôi đã không còn là du lịch" - chị xúc động nói.

Đội cứu hộ bãi biển Vũng Tàu cứu được nhiều người rơi vào ao xoáy - Ảnh 2.

Nhân viên cứu hộ quan sát du khách tắm biển để kịp thời ứng cứu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Cứu khách như cứu người thân

Đến với nghề cứu hộ 15 năm nay, anh Lê Văn Tiền không thể nhớ hết mình đã cứu được bao nhiêu người. Nhưng anh nhớ nhất là lần cứu đôi vợ chồng vào mùng 3 Tết cách đây chừng 4 năm. Lúc ấy, anh đang cắm cờ đen cảnh báo ao xoáy và không mang phao. Bất chợt, anh thấy hai người đang chới với nguy hiểm. Không chần chừ, anh Tiền lao ra khi chưa có phao. Anh nói rằng nếu quay lại lấy phao sẽ không kịp nên anh vừa lao ra vừa thổi còi báo đồng nghiệp. Và anh đã cứu được đôi vợ chồng nọ.

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, ông Nguyễn Tấn Hùng còn cường tráng như thanh niên. Làm nghề cứu hộ bãi biển từ năm 1999 đến 2018 thì ông nghỉ hưu nhưng nay còn sức khỏe và anh em trẻ còn cần những người kinh nghiệm, nên ngày nào ông Hùng cũng ra bãi tắm cùng cứu người.

Ông Hùng không thể nhớ hết mình đã cứu được bao nhiêu người. Nhưng ông nhớ nhất là lần cùng anh em cứu được toàn bộ 16 thầy cô giáo đến Vũng Tàu tắm biển cùng bị lọt vào ao xoáy. Đây là sự kiện ông nhớ nhất bởi số người được cứu là cả một đoàn khách. Và ông cũng nhớ chuyện cứu cô gái bị mắc kẹt ở hòn Bà. Hôm ấy, đường dẫn ra hòn lộ trên mặt nước lúc thủy triều xuống. Cô gái mải mê bắt ốc, khi ngẩng đầu lên thì nước đã ngập xung quanh.

Dù đi canô ra cứu nhưng ông Hùng phải dừng từ xa vì sợ đụng đá ngầm. Ông nhảy xuống biển, bơi dìu đưa cô gái lên canô. "Lúc bị kẹt trên đường ra hòn Bà, thấy trực thăng bay qua, cô gái đó đã đưa tay vẫy vẫy, kêu cứu. May là có ngư dân đi ngang thấy báo cho cứu hộ" - ông cười kể lại.

Những người làm cứu hộ ở biển Vũng Tàu tâm sự rằng sức khỏe là yếu tố cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả đó là đọc tình huống nhanh và phản ứng nhanh. "Cứu được người, anh em chúng tôi vui lắm. Còn cứu không kịp, để mất người là đêm về ngủ không yên" - ông Hùng trải lòng.

Cẩn thận với ao xoáy, dòng chảy ngược

Ao xoáy là tên thường gọi nhưng đó là hiện tượng "dòng chảy xa bờ". Khi nước biển liên tục đánh vào bờ thì sẽ có nơi hình thành những dòng chảy đi ngược ra ngoài. Dòng chảy này thay đổi vị trí liên tục.

Cách nhận biết nơi có ao xoáy, có dòng chảy xa bờ đó chính là những vùng nước mà trên mặt phẳng êm, sóng nhỏ. Nhưng kỳ thực bên dưới đang có dòng chảy ngầm rất mạnh, hướng ra xa bờ. Đây chính là điểm làm nhiều người lầm tưởng.

Khi lọt vào dòng chảy xa bờ nên bình tĩnh nằm yên để được đẩy đến nơi kết thúc vì dòng chảy này chỉ cuốn người ra xa mà không nhận chìm. Hoặc bơi song song với bờ biển để thoát ra. Không nên cố gắng bơi vào bờ - tức bơi ngược dòng vì sẽ kiệt sức và dẫn đến đuối nước.

Khi đi tắm biển, du khách nên tìm hiểu kỹ vùng biển nơi mình tắm và đặc biệt là cần nghe theo sự chỉ dẫn, cảnh báo của lực lượng cứu hộ.

Một phút chần chừ là mất mạng người

Ông Phạm Khắc Tộ, giám đốc Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu, cho biết từ Tết Nhâm Dần đến nay lực lượng cứu hộ bờ biển Vũng Tàu đã cứu được hơn 30 du khách. Năm 2019, có 330 người lọt ao xoáy và năm 2020 là 245 du khách được cứu sống. Ông Tộ cho biết thêm từ năm 2014, khi lực lượng cứu hộ được bố trí thêm xe cấp cứu và đội ngũ y tế túc trực trên bờ, những trường hợp đuối nước nặng được can thiệp kịp thời nên số người tử vong rất ít.

"Chỉ một phút chần chừ, không dứt khoát là mất mạng người. Anh em làm nghề cứu hộ ở Vũng Tàu tâm niệm cứu du khách như cứu người thân nên làm việc rất trách nhiệm" - ông Tộ chia sẻ.

'Hùng ra đi không chỉ mất mát với gia đình mà cả ngành cứu hộ, cứu nạn'

TTO - Trung tướng Phạm Hoài Giang - nguyên cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, nguyên chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - bùi ngùi khi nói về sự hi sinh của đại tá Nguyễn Hữu Hùng.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên