21/05/2024 12:54 GMT+7

Đòi bản sao chứng thực trong 6 tháng: Bỏ ngay cho dân nhờ

Mặc dù không có quy định bắt buộc phải nộp bản sao chứng thực không quá 6 tháng nhưng nhiều bạn đọc cho biết chuyện này diễn ra khá phổ biến, gây khó khăn cho người dân.

Người dân làm hộ tịch tại phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân làm hộ tịch tại phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều bạn đọc lên tiếng sau bài viết "Yêu cầu bản sao có chứng thực trong 6 tháng: Quy định gây lãng phí!".

Mỗi nơi mỗi kiểu

Tài khoản Mr Hiển kể: "Có lần tôi làm thủ tục thừa kế nhà đất thì bị yêu cầu nộp bản sao sổ hồng, chứng minh sao y 6 tháng dù cán bộ thụ lý đang cầm bản chính xem. Giấy khai sinh hay giấy chứng tử cũng yêu cầu sao y trong 6 tháng".

Theo độc giả Minh Tuan: "Không chỉ cơ quan nhà nước mà các trường học cũng có quy định bất thành văn này, quá hạn chỉ một ngày vẫn không nhận, dù chỉ là những giấy tờ đơn giản".

"Tôi thấy ngay các tin tuyển dụng của các công ty cũng hay yêu cầu nộp bản sao có chứng thực trong 6 tháng. Rất lãng phí, nhà tôi chất cả đống các loại giấy tờ công chứng kiểu này" - bạn đọc Mr Quang cho biết thêm.

Còn tài khoản viet****@gmail.com cho hay: "Trường hợp chứng nhận tình trạng hôn nhân cũng vậy. Chứng thực ngay tại phường đang thường trú, nếu đăng ký kết hôn hay ly hôn thì cũng ra tại đó.

Tất cả thông tin đều đã lên hệ thống nhưng khi ra chứng thực mới sau hạn 6 tháng thì phường bắt buộc phải trình bản cũ (bản cũ nhiều khi không còn do đã sử dụng).

Khi chứng nhận để được mua bán, làm giấy tờ nhà, sở hữu tài sản như xe, nhà... đều cần phải có xác nhận tình trạng hôn nhân".

Cùng nỗi bức xúc, độc giả Hung chia sẻ: "Thường để đỡ mất thời gian mỗi lần công chứng sao y, tôi làm 5-6 bản, có người làm cả chục bản, nhưng nộp chỉ một bản, các bản còn lại để khi nào cần thì nộp.

Có khi cả năm chẳng cần tới, khi cần đi nộp thì đã quá hạn. Năn nỉ đủ cách, có khi đem cả bản chính để cán bộ đối chiếu nhưng vẫn nhất quyết không nhận. Thật sự không biết nói gì luôn!".

"Tôi cũng từng phải soạn bỏ rất nhiều bản sao y công chứng quá 6 tháng vì bị từ chối sử dụng. Không có quy định từ Nhà nước nhưng sao mỗi nơi lại yêu cầu mỗi kiểu" - tài khoản Tran Diep bày tỏ.

Cần bỏ yêu cầu lãng phí, phiền hà

Theo bạn đọc Dân: "Yêu cầu này gây tốn kém về thời gian và công sức cho cả xã hội, chứ không phải chỉ tốn kém vì tiền.

Người ta tiếc cái ngày công phải nghỉ để đi công chứng chứ không chỉ tiếc phí công chứng. Cứ mỗi người một ngày công thì cả xã hội trăm triệu người mất bao nhiêu ngày công cho những thủ tục này?".

Cho rằng bài viết trên nói đúng tình trạng bất cập lâu nay, bạn đọc Đức đặt vấn đề: "Nếu người nộp giấy tờ cố ý gian dối bằng cách nộp bản sao công chứng khác với bản chính thì yêu cầu bản sao trong vòng 3 tháng hay 6 tháng chẳng có ý nghĩa gì.

Người ta có thể hôm nay đi sao y bản chính, rồi ngày mai đi thay đổi nội dung bản chính. Yêu cầu bản sao chứng thực trong vòng 6 tháng là quá lãng phí và gây rất nhiều phiền hà cho người dân".

Đồng tình, độc giả tên Thanh đưa ra ví dụ: "Hôm nay công chứng sổ hồng xong nhưng ngày mai có thể lên đăng ký biến động. Vậy sổ hồng công chứng đó không còn giá trị vì thông tin trên sổ đã thay đổi.

Do đó, không yêu cầu công chứng tất cả mọi loại giấy tờ nhưng phải có bản chính đối chiếu với những giấy tờ có khả năng thay đổi như thẻ căn cước, sổ hồng, tài sản.

Những giấy tờ không thay đổi như bảng điểm, bằng cấp thì bản sao công chứng có giá trị không xác định thời hạn".

Còn bạn đọc Đoàn Hòa cho rằng: "Nên quy định thời hạn giá trị bản sao tùy trường hợp có thể phát sinh sau khi sao y như giấy cư trú, giấy chủ quyền nhà đất. Còn sao y các văn bằng và các loại giấy tờ cố định khác không áp dụng thời hạn".

Góp thêm ý kiến, bạn đọc Hoài Thuận viết: "Tôi nghĩ thời điểm số hóa điện tử và công nghệ 4.0 như hiện nay, tại sao không triển khai việc ký duyệt bản xác thực sao y bằng chữ ký số của cơ quan có thẩm quyền.

Người dân chỉ cần truy cập vào đó lập đề nghị cấp bản sao và cơ quan hành chính chỉ cần bấm duyệt và ký chữ ký số có mã số điện từ và mã QR là xong. Cơ quan nào cần thông tin chỉ cần quét mã QR là xác thực hồ sơ ngay".

"Đã số hóa thì chỉ cần đọc mã trên giấy tờ là xong. Bỏ hết chứng thực, sao y cho dân nhờ" - bạn đọc Hai Van lên tiếng.

Xây dựng khung pháp lý, cơ sở dữ liệu cho công chứng điện tửXây dựng khung pháp lý, cơ sở dữ liệu cho công chứng điện tử

Tiến tới công chứng điện tử là mục tiêu lớn phát triển nghề công chứng song hành với đề án 06 về chuyển đổi số quốc gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên