11/09/2011 10:10 GMT+7

Đọc sách thì lười!

HẰNG NGUYỄN
HẰNG NGUYỄN

TT - Tôi chọn ba cuốn sách, một cuốn sách ảnh, một cuốn có hình minh họa đẹp và một cuốn toàn chữ, mang cho Kíu Mẩy. Cô gái sống trong bản Tả Phìn của người Dao Đỏ, cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) hơn mười kilômet đường núi. Cô mười sáu tuổi, nhưng chỉ đi học đến hết lớp 5.

1

w3laNsWG.jpgPhóng to

Tôi đã vòng quanh những chồng sách rất lâu, lật cuốn này, bỏ lại cuốn kia. Gửi một cuốn sách, tôi cố gắng chọn lựa những gì sẽ có ý nghĩa với người nhận, sẽ trao tặng sự hiểu biết và mạnh mẽ, sẽ nhân lớn niềm tin và tình thương yêu. Gửi sách cho ai, tôi cũng nghĩ rất lâu xem người nhận liệu có đọc cuốn sách mình gửi không, hay họ sẽ thờ ơ với chúng. Cầm ba cuốn sách đi, lòng tôi thắc thỏm.

Nhưng tối hôm đó, Kíu Mẩy ngồi tựa vào cái cột gỗ của nhà mình, trong ánh sáng của ngọn đèn mờ, chăm chú lần giở từng trang sách đầy chữ. Cuốn sách kể những câu chuyện nhỏ từ một vùng xa xôi của đất nước, những thân phận người, những giấc mơ và niềm tin của họ.

Tôi đến bên, cô cũng không để ý. Cô nói ở đây người ta không có sách đọc. Có người mang đến một vài cuốn sách, và rồi các cô cậu sẽ chia nhau đọc, có rất ít. Cho nên, cô đang ngồi trong ánh sáng mờ của ngọn đèn buổi tối, đọc một trong vài cuốn sách đầu tiên cô được đọc trong đời, trừ sách giáo khoa ở trường học. Chỉ có lúc này là cô được đọc. Còn ban ngày, không ai cho cô làm điều đó. “Nếu không đi nương thì phải ngồi thêu, có khi vừa đi vừa thêu”, Kíu Mẩy bảo.

Nếu đọc sách vào những lúc đó, cô sẽ bị mắng vì lười biếng. Cô bảo rằng sẽ chỉ được đọc những quyển sách tôi tặng vào lúc nghỉ trưa hay là sau khi ăn tối.

Định nói một điều gì đó nhưng cổ họng tôi nghẹn lại. Ở thành phố tôi sống, cách nơi đây gần bốn trăm kilômét, người ta cũng nghĩ không khác về những cuốn sách!

2

Những gì các em bé được đọc thường chỉ là những bài học trong nhà trường. Các em đọc chúng và phải đọc thật thuộc để trả bài. Một hạnh kiểm tốt hay một xếp loại giỏi thường là phần thưởng cho những học sinh biết chăm chỉ để nói lại đúng những gì được viết ra trong sách giáo khoa.

Các em không được khuyến khích đọc những cuốn sách sẽ kể những thân phận người hoặc quanh em hoặc ở xa em, hoặc chăm chỉ hoặc lười biếng, hoặc hiếu nghĩa hoặc bặm trợn, nhưng đều biết buồn biết đau và có chung một dòng máu như em. Các em không được dành thời gian đọc những cuốn sách sẽ nói với em rằng một tình thương cộng với một tình thương có thể nhân thành muôn vàn tình thương khác. Những cuốn sách giáo khoa ngắn ngủi, liệu chúng có nói được với em, rằng bạo lực không thể hóa giải được hận thù, rằng những hố ngăn xa cách có thể sẽ mất đi nếu lòng ta thật lòng muốn lấp đầy chúng?

Các em không được đắm mình trong cây cỏ thiên nhiên, được gần với những lá và hoa, được biết rằng những cây latana ngũ sắc mà em thấy đẹp đẽ ở bên ngoài đang xâm thực và lấy đi đất sống của rất nhiều loài cây bản địa ngay cả ở trong vườn quốc gia. Không ai dẫn các em tìm những loài chim, cho các em biết lắng nghe tiếng cu rốc đang gõ mõ và tiếng cành cạch đang điểm chuông, chỉ cho em một chú giẻ cùi óng ánh vừa bay qua, làm rớt lại một chiếc lông xanh trên thảm cỏ.

Không ai chỉ cho các em khi đi qua những bờ biển, rằng những cây bần cây đước sẽ giúp ta chống nước mặn xâm thực và giảm đi tác hại của những cơn bão nhiệt đới. Không ai cho các em đi sâu hơn nữa trong những khu rừng, để các em tự mình biết rằng con người đang đẩy những loài thú vào sâu và xa hơn nữa, lấy đi đất đai của chúng, làm chúng sợ hãi và không thể sinh con đẻ cái, rồi tìm theo để bắt và giết những gì còn lại.

Thay vào đó, các em học thuộc những công thức hay định nghĩa về các loại gen và cây trồng. Nếu các em cứ muốn vào rừng nhìn cây cỏ và ra biển ngắm chim cá, bố mẹ sẽ than phiền về các em. “Lười biếng quá”, họ có thể nói. Nhưng xã hội còn than phiền nhiều hơn nữa, nếu một mai em lớn lên, vào quán ăn thịt thú rừng hay làm nhà máy xả nước thải vào những dòng sông!

3

Kíu Mẩy vẫn ngồi dựa lưng cột, đôi mắt dán vào những hàng chữ xa lạ. Còn tôi, tôi nhớ câu chuyện của một người làm việc cho một dự án của Mỹ hỗ trợ thư viện các trường phổ thông ở những vùng xa xôi của Việt Nam. “Ở đây chúng tôi cố gắng thuyết phục ban giám hiệu và những người thủ thư mở cửa thư viện nhiều giờ hơn, nhưng điều đó là rất khó khăn - chị bảo - Họ thường chỉ mở cửa trong giờ nghỉ và khi hết giờ vào các thứ sáu trước cuối tuần, vì nếu mở cửa nhiều hơn, họ sợ học sinh mượn sách thì về nhà sẽ lười không học bài”!

Thế là một trong những công việc mà chị cán bộ dự án này bỏ công nhiều nhất là đi làm những bản thuyết trình, thuyết phục người ta rằng đọc sách là có ích chứ không phải là lười biếng!

HẰNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên