29/01/2024 13:26 GMT+7

Độc đáo mai thân, mai tình

Trong giới chơi mai, mai thân, mai tình được sánh ngang mai hương, hoàng mai đất Huế. Giá đắt đỏ nhưng loại mai này luôn được giới sưu tầm cây kiểng săn tìm.

Ông Kiệm cùng tán mai thân, mai tình quý hiếm chuẩn bị đón xuân

Ông Kiệm cùng tán mai thân, mai tình quý hiếm chuẩn bị đón xuân

Mai thân, mai tình nổi tiếng, nhưng hiếm người biết lịch sử hai cội mai già đầu tiên và câu chuyện xứ sở mai thân, mai tình ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

Ngoài đẹp, giá trị kinh tế hai giống mai này cũng rất cao, chơi càng lâu, giá càng cao. Hai giống mai này như đất mặt phố, càng qua thời gian càng lên giá.

Anh Hà Thanh Vương

Ký ức 2 cội mai già

Những ngày giáp Tết cổ truyền, về thương cảng cổ Thu Xà (xã Nghĩa Hòa), mùa xuân ngập tràn với những chậu mai đang bung nụ. Làng quê thanh bình chào đón những đóa hoa mai thân, mai tình đầu tiên rực vàng trổ sớm.

Ông Nguyễn Trí Dũng (59 tuổi, thôn Hòa Bình) đang tỉa lại lá non để nhường chỗ hoa khoe sắc. 20 năm trồng mai, ông Dũng có hơn 40 chậu mai bonsai tuyệt đẹp. "Ở Nghĩa Hòa, nhà nào cũng có ít nhất một cây mai trước sân. Nhà thích mùi hương thì trồng mai thân, người chuộng sắc vàng rực rỡ trồng mai tình", ông Dũng nói.

Ký ức ùa về, ông nhớ hai cội mai quý ở vườn bà Thân và vườn bà Tình. Thuở đó, đất nước thiếu thốn đủ bề, Tết rất đơn sơ. Ai cũng lo cái ăn, và không khí Tết rõ nhất là vườn nhà bà Thân, bà Tình ở cùng thôn Hòa Bình, khi cội mai bung sắc.

"Hồi tôi còn rất nhỏ đã thấy hai cây mai ấy rất lớn, xuân đến cây tự rụng lá, khoe sắc. Điều đặc biệt là mai nhà bà Thân bông năm cánh nhưng rất thơm, còn mai nhà bà Tình bông dày tận 8 - 9 cánh. Thời đó, người dân thường đến xin chặt vài nhánh về cắm trong nhà, hai bà đều vui vẻ cho", ông Dũng kể.

Hai cội mai ấy khi rụng lá là nhắc nhớ người dân mùa xuân đang về. Chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Vân (32 tuổi, thôn Hòa Bình) yêu thích hai giống mai đặc biệt của quê hương này, đã học hỏi các bậc cao niên chăm sóc và đang có cho mình vườn mai tuyệt đẹp với nhiều dáng thế.

Anh Vân khẳng định ở Nghĩa Hòa, mọi người đều có thể kể về lịch sử dòng mai thân, mai tình. Dịp Tết, nhiều người từ Đà Nẵng, Huế, Bình Định... ghé về Nghĩa Hòa sưu tầm mai. Anh Vân đã bán được gần 10 cây mai tình và ba cây mai thân. Trước khi khách chở mai rời khỏi Nghĩa Hòa, anh đã mời họ ghé vườn bà Thân, bà Tình và kể chuyện nơi xuất phát hai dòng mai nổi tiếng này.

"Tôi rất vui và may mắn khi được chú bác trong làng kể lại hai cội mai ấy. Nhờ đó mà tôi lại kể chuyện cho khách hiểu nguồn gốc xuất xứ hai dòng mai quê mình", anh Vân tâm sự tiếc là vườn bà Thân, bà Tình không còn hai cội mai ấy nữa.

Tầm 20 năm trước, một số nhà sưu tầm cây kiểng biết đến vẻ đẹp hai cây mai này đã ra giá cao ngất để sở hữu. Trong chuyện góp nhặt, có người nói một trong hai cây mai về nhà mới vì tuổi đời quá cao nên đã chết, còn một cây qua tay nhiều nhà sưu tầm, giờ chẳng biết lưu lạc nơi nào.

Tuy nhiên người dân Nghĩa Hòa đã may mắn khi mấy chục năm trước, hai cội mai còn ở đó, họ thấy quá đẹp đã lấy hạt về gieo ở vườn nhà, hoặc xin cành ghép. Nhờ vậy mà giống mai được gìn giữ và cả làng ai cũng trồng trước nhà.

Đặc biệt là cây mai tình trước sân nhà ông Huỳnh Ngọc Rân (thôn Hòa Tân). Ông kể hơn 20 năm trước, khi xây nhà mới, ông đã đến nhà bà Tình và bà Thân lấy hạt về ươm và trồng khoảng 200 cây mai thân, mai tình khắp vườn nhà. Thời đó không có lưới chắn, gà vịt cắn phá, cuối cùng chỉ còn duy nhất cây mai tình trước sân nhà.

Cây mai ấy giờ đồ sộ, hoành gốc (chu vi) hơn 100cm. Dù nhiều người hỏi mua, ông vẫn từ chối. Gia đình khó khăn, ông cần tiền, nhưng "cây mai này chính xác là ươm từ hạt cụ mai nhà bà Tình. Nhiều người muốn sưu tầm, nhưng tôi lắc đầu", ông Rân tâm sự.

Trong ký ức mình, ông Rân bảo rằng nếu hai cội mai già cụ Thân và cụ Tình ấy không bán đi, giờ một người ôm không xuể. Bởi hơn 20 năm trước, ông đến lấy hạt, ôm cây mai suýt đủ một vòng tay.

Anh Thanh Vương cuối năm ghé Nghĩa Hòa sưu tầm mai - Ảnh: TRẦN MAI

Anh Thanh Vương cuối năm ghé Nghĩa Hòa sưu tầm mai - Ảnh: TRẦN MAI

Làng mai bung sắc, kinh tế đi lên

Giống bao người Nghĩa Hòa, những ngày giáp Tết, điều ông Mai Văn Kiệm (62 tuổi) quan tâm nhất chính là 30 chậu mai khắp vườn. Dẫn chúng tôi đi tham quan, ông kể công phu gần 20 năm tạo tác từng thân cành để có được dáng thế như giờ.

Ông Kiệm bảo dù sức sống rất mạnh mẽ, ít bệnh tật, nhưng mai thân, mai tình lớn rất chậm. Bây giờ, những người chơi mai ở Nghĩa Hòa cũng đạt tầm nghệ nhân, họ bảo thời cuộc thay đổi, cây mai trồng ngoài đất để phát triển tự nhiên không còn nhiều. Đến 90% người dân tạo tác từ cây con để có những tác phẩm bonsai tuyệt đẹp.

Ông Bảy Hoàng (75 tuổi) có khoảng 10 cây mai đều "đẹp xuất sắc". Ông bảo đã trồng gần 20 năm, nhưng từ nhỏ đã chỉnh sửa nên mai lớn chậm. Đổi lại, ông có cho mình những tác phẩm ưng ý nhất. Rằm tháng chạp, những chậu mai nhà ông Bảy Hoàng bắt đầu bung sắc thắm.

Ôm cháu nội, ông nói: "Từ đầu tháng có chục người đến hỏi mua những cây mai của tôi rồi. Con tôi nói ba già rồi bán lấy tiền tiêu, nhưng nhìn mấy cây nở hoa đẹp quá, tôi tiếc chưa muốn bán". Và 10 cây mai nhà ông nếu bán hết cũng ngót nửa tỉ đồng.

Ông Ngọc Rân bên hậu duệ cội mai nhà bà Tình thuở xưa - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Ngọc Rân bên hậu duệ cội mai nhà bà Tình thuở xưa - Ảnh: TRẦN MAI

Ở Nghĩa Hòa, những khu vườn bạc tỉ không hiếm. Từ ngày giới sưu tầm biết đến mai thân, mai tình, giá hai dòng mai này cũng tăng cao. Nhất là "mai rin" không cắt ghép có giá "trên trời". Dịp cuối năm, anh Hà Thanh Vương ghé Nghĩa Hòa săn lùng một cây mai ưng ý về chưng Tết.

"Cây mai có hoành thân tầm 30 - 40cm, thế đẹp một tí có giá vài chục triệu đồng. Tôi tốn một ngày đi dạo quanh làng nhưng chưa hết, nên mai tôi sẽ tiếp tục ghé thăm. Khi nào dạo hết và chọn ra cây ưng ý nhất, sẽ xuống tiền đưa về nhà", anh Vương nói.

Theo anh Vương, mai thân, mai tình có giá cao là xứng đáng bởi độ đẹp, nở chuẩn Tết. Và hơn nữa dòng mai này có sức sống mạnh mẽ, việc chăm sóc dễ dàng và mua một lần chơi một đời. Hiếm thấy hai dòng mai này yếu, bỏ cành như các dòng mai khác.

Ở làng mai Nghĩa Hòa, có những tỉ phú trẻ tuổi giàu lên từ hai dòng mai gốc gác quê mình. Anh Mai Xuân Thu (32 tuổi) cùng người bạn góp vốn mua những cây mai trong dân về chăm sóc. Sau tám năm theo đuổi, giờ chăm sóc mai là nguồn thu nhập chính của gia đình anh.

"Trung bình dịp Tết, tôi bán mai thu nhập tầm 300 triệu đồng, chưa kể bán trong năm cho giới sưu tầm", anh Thu nói.

Mai thân, mai tình có gì đặc biệt?

Nếu như hoa mai truyền thống của Quảng Ngãi chỉ có 5 cánh, thì mai thân, mai tình nở ra 6 - 8 cánh, có khi lên đến 12 cánh. Kích thước hoa cũng to gần gấp đôi so với mai truyền thống. Búp hoa tròn, to, nở ra hoa rất bền, phải tầm 7 - 10 ngày trở lên hoa mới bắt đầu tàn.

Đặc biệt mỗi búp khi bung ra sẽ có tận 7 - 9 nụ bông, rất lạ so với các dòng mai khác, nhìn búp có thể ít nhưng khi ra bông cực kỳ rực rỡ.

Riêng hoa mai thân, ngoài đặc trưng có màu sắc hoa rực rỡ hẳn so với nhiều loài mai khác, còn có thêm mùi thơm nồng nàn.

Thưởng lãm 300 Thưởng lãm 300 'kiệt tác' mai vàng ở thủ phủ mai An Nhơn

Hàng trăm người dân và du khách cả nước có mặt tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) để thưởng lãm 300 tác phẩm mai vàng độc đáo đang khoe sắc tại Triển lãm mai vàng nghệ thuật 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên