16/06/2021 12:59 GMT+7

Doanh nghiệp nuôi tôm xả thải đen cả một vùng biển, địa phương nói không biết

LÂM THIÊN
LÂM THIÊN

TTO - Hàng trăm người dân tại thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) vô cùng bức xúc trước tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng của một doanh nghiệp nuôi tôm nhưng không bị ai xử lý.

Hồ nuôi tôm của doanh nghiệp Ngọc Châu xả thải ra biển khiến nước biển đổi màu đen ngòm, bốc mùi tanh hôi  - Video: LÂM THIÊN

Danh nghiệp Ngọc Châu do ông Trần Ngọc Châu (ở huyện Phù Cát) làm chủ, có khu nuôi tôm tại thôn An Quang Đông nằm trên một bãi biển trải dài hàng trăm mét, cách khu dân cư khoảng 50-100m và cách mực nước biển chỉ hơn 30m. 

Bên trong cơ sở nuôi tôm này có hơn 20 đìa đang nuôi tôm thương phẩm.

Người dân ở đây cho biết toàn bộ quá trình nuôi tôm, nước thải được doanh nghiệp này thải trực tiếp ra biển bằng hệ thống ống cống lớn được đấu nối với nhau chạy thẳng từ khu nuôi tôm ra tới biển, khiến nước biển ở đây đổi màu đen sì, bốc mùi tanh hôi khủng khiếp.

Sáng 15-6, tại khu vực ống cống xả thải của doanh nghiệp Ngọc Châu, nước thải từ bên trong cơ sở nuôi tôm liên tục chảy ra ào ạt, có màu đục và bốc mùi tanh. Từ miệng ống cống đổ dọc về phía cửa biển Đề Gi, một khu vực biển dài hơn 1km bị nhuộm đen như mực.

Doanh nghiệp nuôi tôm xả thải đen cả một vùng biển, địa phương nói không biết - Ảnh 2.

Ống thải xả nước trực tiếp từ cơ sở nuôi tôm của doanh nghiệp Ngọc Châu đổ ra biển - Ảnh: LÂM THIÊN

"Trước đây bãi biển nơi này rất đẹp, ai tới cũng thích vì nước biển ở đây trong xanh, nhưng hiện giờ mọi người không ai dám bước chân xuống tắm nữa vì nước đã đổi thành màu đen, hôi. Hễ tắm ở đó là về nhà bị nổi mẩn ngứa rát khắp người" - anh Phạm Tí (ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) nói.

Cũng theo anh Tí, tình trạng này kéo dài trong nhiều năm nay, dù người dân đã phản ảnh lên chính quyền địa phương trong những đợt tiếp xúc cử tri nhưng không ai đứng ra giải quyết. "Cứ mỗi lần họp cử tri thôn là chúng tôi phản ảnh nhưng đâu thấy ai nói năng gì. Năm nào chúng tôi cũng nói đến việc này nhưng không ai đứng ra xử lý", anh Tí cho hay.

Ông N.V.L. (trú ở thôn An Quang Đông) bức xúc: "Dân ở đây mà không dám tắm biển gần nhà. Mỗi lần tắm là phải chạy đi thật xa mới dám tắm. Ban ngày thì nước còn bớt hôi chứ ban đêm nước thải ra hôi khủng khiếp. Ở xa hàng cây số nhưng gió thổi tới là muốn ói ngay tại chỗ. Không ai chịu được hết".

Doanh nghiệp nuôi tôm xả thải đen cả một vùng biển, địa phương nói không biết - Ảnh 3.

Hàng chục ao nuôi bên trong cơ cở nuôi tôm của doanh nghiệp Ngọc Châu - Ảnh: LÂM THIÊN

Theo người dân tại đây, từ lúc doanh nghiệp Ngọc Châu bắt đầu nuôi tôm và xả thải, cá biển nơi đây xuất hiện ít dần. "Không có con cá nào sống nổi ở khu vực đó", anh Phạm Tí nói.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Châu, chủ doanh nghiệp Ngọc Châu, cho rằng nước thải mà cơ sở nuôi tôm của ông thải ra biển đã qua xử lý cẩn thận và không độc hại.

"Tất cả nước thải từ hồ nuôi tôm của tôi trước khi thải ra biển đều được tập trung về một hồ chứa rộng 3.000m2 và được xử lý đúng theo quy trình xử lý nước thải chăn nuôi đã được quy định. Do nước trong hồ nuôi tôm lúc nào cũng phải có tảo để tôm sinh sống nên khi thải ra, nước thường có màu đục. Màu đục đó là của tảo biển chứ không phải chất độc hại", ông Châu khẳng định.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Hiếu, phó chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: "Doanh nghiệp Ngọc Châu do ông Trần Ngọc Châu làm chủ nuôi tôm thương phẩm hơn 10 năm nay với diện tích khoảng 10ha. 

Lâu nay xã chưa tiếp nhận được thông tin gì từ người dân về việc xả thải gây ô nhiễm biển của doanh nghiệp này. Trước đây xã có phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện kiểm tra nhiều lần tại đây nhưng là kiểm tra bên trong cơ sở chứ không kiểm tra tại ống xả ra biển. 

Từ trước tới nay, xã chưa ra nơi xả thải của doanh nghiệp nên không biết việc này. Hiện tại, xã không thể xác định nguồn xả thải của doanh nghiệp là như thế nào, có đúng quy định hay không nên rất khó để có căn cứ xử lý. Chúng tôi sẽ lập tức báo cáo việc này lên cấp trên", ông Hiếu cho biết thêm.

Doanh nghiệp nuôi tôm xả thải đen cả một vùng biển, địa phương nói không biết - Ảnh 4.

Nước biển cả một vùng rộng lớn bị đổi màu đen đục khi doanh nghiệp nuôi tôm xả thải ra biển - Ảnh: LÂM THIÊN

Ông Tạ Công Thượng, trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Phù Cát, cho hay: "Chúng tôi không nhận được thông tin gì về việc này. 

Từ trước tới giờ, chúng tôi có kết hợp với Sở Tài nguyên và môi trường đi kiểm tra tại doanh nghiệp Ngọc Châu nhiều lần nhưng không phát hiện sai phạm gì. Về vấn đề lần này, phòng sẽ lập tức tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc".

Còn theo bà Hà Thị Thanh Hương - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Định, trước đây sở cũng đã có đoàn kiểm tra tại cơ sở nuôi tôm Ngọc Châu nhưng không phát hiện có vấn đề gì. 

Hai năm nay, Sở Tài nguyên và môi trường không nghe kiến nghị gì từ người dân và địa phương và do dịch COVID-19 bùng phát nên không đi kiểm tra cơ sở nuôi tôm Ngọc Châu nữa.

"Thông thường nước thải đã được xử lý nhưng khi thải ra có mùi chứng tỏ là xử lý chưa đạt yêu cầu. 

Trong ngày hôm nay, sở sẽ cử người đi kiểm tra đường ống nối nước thải của doanh nghiệp Ngọc Châu được đấu nối từ đâu, xả như thế nào và lấy mẫu nước từ ống xả đó để kiểm tra các chỉ tiêu về mùi và màu của nước thải. 

Dựa trên kết quả kiểm tra, sở sẽ có phương án xử lý theo quy định", bà Hương nói.

Kẹt xe về miền Tây, người nuôi tôm đứng ngồi không yên Kẹt xe về miền Tây, người nuôi tôm đứng ngồi không yên

TTO - Trong các ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhiều tuyến đường bị kẹt xe kéo dài khiến việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng, làm người nuôi tôm miền Tây đứng ngồi không yên.

LÂM THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên