26/04/2023 16:28 GMT+7

Doanh nghiệp Nhật xem xét mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam

Ngày 26-4, hội thảo về định hướng phát triển công nghiệp tại TP.HCM do Sở Công Thương TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chủ trì.

Doanh nghiệp Nhật xem xét mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hơn 200 chuyên gia, doanh nghiệp góp ý phát triển công nghiệp TP.HCM diễn ra ngày 26-4 - Ảnh: CÔNG TRUNG

Công nghiệp ở TP.HCM còn nhiều thách thức

Mở đầu hội thảo, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng nền kinh tế bền vững dựa trên nền tảng công nghiệp sản xuất. Bởi nền tảng sản xuất mới đáp ứng yêu cầu phục vụ người tiêu dùng, tránh nguy cơ bị phụ thuộc. TP.HCM hướng đến phát triển hiện đại, công nghệ cao nhưng vẫn đặt trọng tâm cho phát triển sản xuất.

"Do vậy cần thiết phải thay đổi trong tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố trong việc chuyển đổi sản xuất công nghiệp" - ông Hoan nói.

Ngành công nghiệp TP.HCM chiếm 20% GRDP của thành phố, khoảng 30% sản lượng công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp 10% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Công nghiệp là ngành tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Vì vậy, TP.HCM xác định việc định hướng phát triển công nghiệp có vai trò mang tính dẫn dắt cho sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thúc đẩy phát triển công nghiệp trong nước. TP.HCM định hướng đến năm 2030 công nghiệp phát triển hiện đại, đạt giá trị gia tăng cao, đặc biệt là bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu. Tầm nhìn đến 2045, TP.HCM trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển công nghiệp của các nước và khu vực Đông Nam Á.

Tại hội thảo, TS Trương Huy Minh Vũ, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng có ít nhất bốn thách thức với ngành công nghiệp ở thành phố được minh định qua những con số. Trong đó, quy mô công nghiệp TP.HCM đang mất dần vị trí đứng đầu so với các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, diện tích đất công nghiệp khá hạn chế...

Doanh nghiệp Nhật xem xét mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh 2.

Nền kinh tế bền vững dựa trên nền tảng công nghiệp sản xuất. Bởi nền tảng sản xuất mới đáp ứng yêu cầu phục vụ người tiêu dùng và tránh nguy cơ bị phụ thuộc - Ảnh: HỮU HẠNH

Trong khi đó, ông Trần Việt Hà - phó trưởng ban Ban quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TP.HCM - cho biết tính đến nay TP có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.900ha, tỉ lệ lấp đầy đạt trên 80%.

Thống kê lũy kế đến tháng 10-2022, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỉ USD. 

Cứ một héc ta đất công nghiệp của các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố thu hút vốn đầu tư bình quân 6,23 triệu USD/ha. Dù vậy, theo ông Hà, là giá trị đầu tư còn thấp, trong khi diện tích đất dành cho công nghiệp hạn chế, chi phí sử dụng đất cao.

Khó khăn hiện nay khi các doanh nghiệp đang "do dự" đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị do thời gian còn lại của khu chế xuất, khu công nghiệp ngắn. Quỹ đất khu công nghiệp được phê duyệt từ năm 2004 đến 2014 chỉ có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích 5.921ha, đến nay vẫn không tăng.

Doanh nghiệp Nhật, Mỹ muốn tăng đầu tư

Ông Matsumoto Nobuyuki - trưởng đại diện Jetro TP.HCM - thông tin Việt Nam là điểm đến phổ biến của nhà đầu tư Nhật Bản. 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang xem xét mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. 

Theo ông, đây là con số ấn tượng với số lượng doanh nghiệp Nhật hoạt động đầu tư trên toàn thế giới. Rõ ràng sự chuyển dịch đa dạng chuỗi cung ứng các nhà đầu tư đang hướng về Việt Nam, trong đó TP.HCM là cứ điểm.

Dù vậy ông Matsumoto Nobuyuki cũng cho biết có những khó khăn về thủ tục hành chính, doanh nghiệp không đợi lâu được. 

Ngoài ra TP.HCM có thế mạnh nhân sự nhưng năng suất lao động vẫn còn thấp. Có lao động tốt, tài năng nhưng năng suất lao động chưa cao khó hấp dẫn nhà đầu tư. Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM vẫn còn yếu, doanh nghiệp Nhật vẫn khó mua hàng trong nước.

Ông Trương Huy Minh Vũ cho rằng cần phải nhìn lại định hướng chính sách công nghiệp TP.HCM trong tình hình mới. Tập trung vào các chính sách phát triển công nghiệp thành phố như sản phẩm công nghệ cao, liên kết vùng, nghiên cứu phát triển, nguồn nhân lực, sản xuất thông minh.

Bất ngờ với sản phẩm công nghiệp hỗ trợBất ngờ với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang nước ngoài hoặc cung ứng cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam với chất lượng và giá cả cạnh trạnh. Cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên