26/11/2022 16:09 GMT+7

Doanh nghiệp du lịch làm lại từ đầu sau đại dịch

T.B.DŨNG
T.B.DŨNG

TTO - Nhằm chia sẻ kinh nghiệm ứng phó đại dịch, chuẩn bị cho những diễn biến bất khả kháng có thể xảy ra trong tương lai, ngày 26-11 UNESCO và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng phó, vượt qua cú sốc COVID-19.

Doanh nghiệp du lịch làm lại từ đầu sau đại dịch - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An) - Ảnh: B.D.

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, từng đỉnh điểm đón hơn 7 triệu lượt du khách nhưng COVID-19 đã làm tê liệt gần như các điểm đến tại tỉnh này. Từ 2020-2021 có tới hơn 90% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, hơn 14.000 lao động (chiếm tỉ lệ gần 80%) du lịch bị ngừng việc, làm việc không đủ thời gian hoặc bị mất việc làm.

Sau "nhiệm vụ kép" là "khó khăn kép"

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, doanh nghiệp du lịch đã từng đối diện với các đợt khủng hoảng trong quá khứ nhưng đại dịch COVID-19 xảy ra và đi theo một biểu đồ chưa từng có tiền lệ. Khác biệt lớn nhất là sự phức tạp về diễn biến, các doanh nghiệp và cộng đồng hầu như không biết đâu là điểm kết thúc. Thậm chí nhiều doanh nghiệp du lịch bi quan cho rằng ngành du lịch sẽ hoàn toàn biến mất.

Bà Huỳnh Thị Minh - chủ nhiệm nhân sự ngành du lịch Quảng Nam - dẫn số liệu từ cuộc khảo sát mức độ ảnh hưởng của ngành du lịch Quảng Nam và cho biết đa phần các doanh nghiệp đều ghi nhận một bức tranh bi thảm khi hoạt động kinh doanh hoặc dừng hẳn, hoặc cầm cự trong thoi thóp.

Doanh nghiệp du lịch làm lại từ đầu sau đại dịch - Ảnh 2.

Khách tới Hội An hiện nay vẫn chưa thấm vào đâu so với thời điểm đỉnh cao 2018 - Ảnh: B.D.

Trong bức tranh chung của du lịch cả nước, Quảng Nam được coi là địa phương linh hoạt nhất trong việc đưa ra các chính sách nhằm kích cầu, giúp các doanh nghiệp cầm cự. Nổi bật nhất là việc tỉnh này tiên phong đón du khách vào cách ly, tổ chức các chương trình du lịch "thức giấc", tổ chức đồng loạt các sự kiện kích cầu Năm du lịch quốc gia 2022. Các đòn bẩy này đã cho thấy hiệu quả khả quan với việc tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt hơn 4,7 triệu lượt năm 2022, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp cho biết đã đi qua những ngày khó khăn nhất, các chính sách và sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các sở ngành đã giúp cộng đồng làm du lịch hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên sau dịch, hiện tại khách quay lại Quảng Nam vẫn rất ít, đặc biệt là các dòng khách truyền thống.

Dịch tạm ổn nhưng hiện tại mới là thời điểm doanh nghiệp cảm nhận rõ hơn ai hết những sự tác động âm ỉ "hậu COVID-19"; đặc biệt diễn biến của chính trị toàn cầu, khủng hoảng tài chính làm việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn bất cứ lúc nào. Sau giai đoạn thực hiện "nhiệm vụ kép", hiện tại doanh nghiệp đang phải gồng gánh "khó khăn kép" mà không dễ để gỡ gạc.

Doanh nghiệp cần "hà hơi tiếp sức" nhiều hơn

Chia sẻ tại hội thảo, cộng đồng làm du lịch tại Quảng Nam cho biết gần như phải làm lại từ đầu sau dịch. Mỗi đơn vị có những ý tưởng, cách làm khác nhau nhưng cơ bản bám vào phao cứu sinh từ các bệ đỡ chính sách. Hơn lúc nào hết, cộng đồng du lịch đang cần sự vào cuộc thực chất hơn từ Nhà nước.

Doanh nghiệp du lịch làm lại từ đầu sau đại dịch - Ảnh 3.

Du khách trải nghiệm quán cà phê, nhà hàng trên đồng lúa ngoài rìa phố cổ Hội An - Ảnh: B.D.

Ông Nguyễn Xuân Hà - giám đốc Công viên Ấn tượng Hội An - cho biết khi dịch tạm lắng, Công viên Ấn tượng Hội An nỗ lực quảng bá các sản phẩm ra công chúng như đưa các mini show ra trình diễn ở phố cổ, tổ chức các phiên chợ quê mới lạ để tạo hấp dẫn cho điểm đến. Nhiều doanh nghiệp ở Hội An cũng chung tay cùng chính quyền để làm ấm phố cổ bằng các chương trình nghệ thuật đường phố, đưa "Hội An thức giấc".

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - tổng giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An - cho biết trước dịch hoạt động kinh doanh của đơn vị chưa bao giờ thua lỗ, cổ tức dao động 12% - 20%. Tuy nhiên dịch đã xóa sạch mọi thứ.

Doanh nghiệp du lịch làm lại từ đầu sau đại dịch - Ảnh 4.

Nhiều hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức nhằm làm ấm lại không khí du lịch tại phố cổ Hội An - Ảnh: B.D.

"Khi mở cửa trở lại, chúng tôi tập trung nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản phẩm phù hợp. Theo đó ưu tiên thị trường du lịch nội địa gần, phát triển sản phẩm theo hướng đặt sức khỏe con người lên hàng đầu, hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh. Chúng tôi cũng tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước để vực dậy doanh nghiệp" - bà Lan nói.

"Mở rộng không gian du lịch Hội An"

Để tạo thêm sức hấp dẫn cho phố cổ, theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh thì tư duy phát triển của thành phố trong tương lai gần sẽ tập trung xử lý hai hướng: Vừa giữ gìn, bảo tồn nguyên trạng nét xưa phố cổ nhưng đồng thời cũng sẽ mở rộng không gian ra bên ngoài.

"Hội An sẽ phát triển thêm các sản phẩm mới theo định hướng gồm du lịch tâm linh, du lịch đường thủy, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch môi trường, du lịch có trách nhiệm... Chúng ta sẽ không đi theo lối mòn và không phụ thuộc bất cứ một thị trường nào để tránh bị động như thời gian vừa qua" - ông Lanh nói.

Quảng Nam muốn đưa Hội An trở thành thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch Quảng Nam muốn đưa Hội An trở thành thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch

TTO - Đến năm 2030, Quảng Nam sẽ xây dựng và phát triển TP Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường.

T.B.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên