16/06/2022 11:01 GMT+7

Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản

N.AN
N.AN

TTO - Sáng 16-6, Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với đa số ý kiến tán thành, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp luật định.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản - Ảnh 1.

Ông Vũ Hồng Thanh trình bày giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội thông qua Luật kinh doanh bảo hiểm - Ảnh: Quochoi.vn

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023 với điểm đáng chú ý là doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng sẽ được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng.

Đồng thời, được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.

Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng quy định, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm khi đầu tư ra nước ngoài phải tách biệt việc đầu tư và không được dùng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm, luật quy định phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc có chứng chỉ bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm, hoặc chứng chỉ môi giới bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp theo quy định của bộ trưởng Bộ Tài chính.

Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, có ý kiến cho rằng việc tổ chức thi, cấp, cấp đổi, thu hồi chứng chỉ bảo hiểm... nên để tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia thực hiện. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy, do kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

"Để bảo đảm chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực, cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm tương tự như quy định đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán", ông Thanh nói.

Đối với vấn đề giữ hay không giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến của các đại biểu. Kết quả, 250/498 đại biểu (chiếm 50,20%) đồng ý không quy định Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nên dự thảo luật trình Quốc hội biểu quyết tiếp thu theo đa số đại biểu.

Theo đó, toàn bộ số dư quỹ, hiện khoảng 1.000 tỉ đồng, sẽ do Bộ Tài chính quản lý để dùng chi cho mục đích bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm nếu doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.

Trình Quốc hội sửa Luật kinh doanh bảo hiểm để ‘theo kịp quốc tế’ Trình Quốc hội sửa Luật kinh doanh bảo hiểm để ‘theo kịp quốc tế’

TTO - Các quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro…

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên