02/12/2021 09:33 GMT+7

Đoàn viên sau đại dịch: Nhớ nội, pha một tô mì

TRẦN LÊ ANH TUẤN
TRẦN LÊ ANH TUẤN

TTO - Khi tôi lớn lên, biết đọc, biết viết, biết ý thức với thế giới xung quanh thì lưng nội đã còng. Nội quê Hưng Yên. Lấy ông tôi khi ông tập kết ra Bắc. Ông tôi mất sớm khi ba, cô và các chú còn nhỏ xíu.

Đoàn viên sau đại dịch: Nhớ nội, pha một tô mì - Ảnh 1.

Góc nhà bình yên - Ảnh: Tác giả cung cấp

Nội đưa cả nhà vào lại Phú Yên. Trong giọng nói cả nhà đã mang nặng đất Bắc.

Xóm Củi hẻo lánh của miền núi Phú Yên từ đó có thêm ngôi nhà nhỏ. Từng mảng bùn nâu quệt với rơm khô vậy mà đắp lên cũng thành cái nhà tranh vách đất. Mùa hè ở trong nhà rất mát nhưng đến mùa đông thì rất lạnh.

Mùa đông sương xuống thấp quấn lấy ngôi nhà như cái chăn bông mà nội phải vất vả mang từ ngoài Bắc vào. Ngọn đèn dầu giữa nhà đã nhỏ lại càng như thu nhỏ lại. Trong ánh sáng ấm áp thoang thoảng mùi bùn non, ngôi nhà chìm vào giấc bình yên bên núi rừng đã thiêm thiếp sương bay.

Ngày qua ngày, nội một thân một mình bươn chải nuôi nấng đàn con khôn lớn. Nội đi mót lúa, làm thuê, làm mướn hết ruộng lúa này đến đồi nương khác để từng người con lần lượt được học hành đến nơi đến chốn. Nội lưng còng, tóc bạc, răng đen.

Không biết nội nhuộm răng từ khi nào. Bởi khi lớn lên tôi đã thấy răng nội đen nhánh như thế rồi. Chỉ có đôi chiếc đã rụng đi vì tuổi tác. Mỗi khi vui, nội cười trông rất hóm hỉnh. Nhà ngay đường lộ. Nội làm cái tủ bỏ dăm gói thuốc, căng sợi dây treo vài bì bánh, kiếm vài đồng rau chợ.

Nội thường ăn sáng bằng cách bẻ nhỏ bánh tráng sống, cho nước sôi vào rồi trộn ít nước mắm. Một kiểu phở của nội chăng. Nội thường ngồi trước hiên nhà nhìn bóng nắng để đo thời gian. Khi còn nhỏ nhà không có đồng hồ tôi thường chạy sang hỏi nội mấy giờ rồi.

Nhìn vệt nắng chạm vào ngưỡng cửa, nội nói tầm 11h đó cháu. Vệt nắng lưng chừng sân, nội nói 3h chiều rồi đấy. Dù không biết chữ nhưng nội nhớ rất nhiều truyện cổ tích. Tôi thường thích ngồi nghe nội kể chuyện say sưa đến quên cả thời gian.

Có câu chuyện nội hay kể đi kể lại là chuyện anh tiều phu lên núi lượm được cục vàng mà không biết, cứ tưởng là cục đá, về nhà đem ném đuổi đàn gà quậy phá trước sân.

Có lần nội nấu bánh đúc, cho tôi một chén, ăn ngon tới tận bây giờ. Xóm Củi có món ba đậu gần giống với bánh đúc, rất thơm, béo ngậy, đậm đà bởi được làm từ gạo và đậu xanh, đậu nành, đậu phộng.

Đậu phộng càng nhiều thì món ba đậu càng dẻo và ngon. Hôm giỗ đầu của nội, cả nhà tính làm vài mâm đãi khách để trả ân tình. Nhưng rồi vì an toàn mùa dịch COVID-19, chỉ có con cháu trong nhà tề tựu. Sắp xếp từ sớm vậy mà tôi cũng không về được.

Nhớ nội, tôi pha tô mì, bẻ thêm ít miếng bánh tráng bỏ vào. Tôi thường ăn món "phở" của nội, như ông bạn tôi thích ăn bông bí luộc, như cô em tôi ăn canh mướp già đầy hột. Những người thích ăn cái xa xưa của một thời gian khó như thế.

Nếu ngày trước, phải đợi những dịp năm mới thì cả đại gia đình với cô, dượng, chú, bác và các anh, chị, em cùng sum họp về nhà nội, thì nay có thêm ngày giỗ, nhưng giờ lại không có nội trong ngôi nhà nhỏ nữa. Ba cây chanh nội trồng trước sân vẫn còn đó.

Tôi vẫn nhớ nội với cái lưng còng, ngày qua ngày loay hoay xới đất, tưới từng vốc nước cho ba cây chanh nhỏ xíu. Qua bao mùa mưa nắng, nay chúng đã cao lớn, xanh tươi, trổ hoa, trĩu quả. Xuân này, nội đã hóa thành kỷ niệm ấm áp khi con cháu sum vầy.

Đoàn viên sau đại dịch: Nhớ nội, pha một tô mì - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đoàn viên sau đại dịch: Ước mong sum họp ấy phải thành Đoàn viên sau đại dịch: Ước mong sum họp ấy phải thành

TTO - Như thường niên, báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi viết dành cho bạn đọc tải tâm tư, trăn trở, niềm hạnh phúc, nỗi âu lo khi năm cũ sắp qua năm mới sắp đến. Năm nay, cùng đơn vị đồng hành Piaggio Việt Nam, cuộc thi có tên: Đoàn viên sau đại dịch.

TRẦN LÊ ANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên