29/10/2019 17:55 GMT+7

'Do thám' nước ngầm để giữ lấy nước

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Sử dụng các cảm biến đa năng, công nghệ mới có tên Sensei cho phép quản lý và giám sát các chỉ tiêu chất lượng nước ngầm với tốc độ nhanh, giá thành rẻ nhưng chính xác so với cách làm hiện nay.

Do thám nước ngầm để giữ lấy nước - Ảnh 1.

Các cảm biến trong hệ thống Sensei - Ảnh: CSIRO

Trong thông cáo báo chí được phát đi ngày 29-10, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc (CSIRO) cho biết Sensei được thiết kế để chịu đựng môi trường khắc nghiệt tại khu mỏ Four Mile của nước này trong 12 tháng nên có thể yên tâm về độ bền hoạt động.

Sensei là hệ thống cảm biến đa năng cho phép người dùng thu thập dữ liệu về độ pH, nguy cơ nguồn nước ngầm bị thiếu hụt là bao nhiêu, nhiệt độ và độ dẫn điện của nước ngầm. 

Công nghệ này sẽ giúp thay thế việc giám sát thủ công phải tốn thêm nhân lực, cũng như giúp tiết kiệm tài nguyên. Các cảm biến của Sensei có thể tích hợp vào các giếng nước ngầm và các tầng ngậm nước, liên tục truyền dữ liệu trong nhiều tháng mà không cần phải đo lường thủ công hay bảo trì.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Kathie McGregor khẳng định hệ thống mới này đem lại giải pháp mang tính cách mạng cho việc giám sát nước ngầm hiện nay. 

Với khả năng phân tích kịp thời, Sensei có thể cung cấp cảnh báo sớm để các công ty giảm thiểu các vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình quản lý nước ngầm thông qua điện toán đám mây. 

Nhờ đó, nhà quản lý có thể theo dõi tình trạng nước ngầm ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào và trên tất cả thiết bị từ laptop đến máy tính để bàn hay điện thoại thông minh.

Do thám nước ngầm để giữ lấy nước - Ảnh 2.

Một thánh đường Hồi giáo ở Jakarta của Indonesia chìm trong nước. Hệ thống ngăn nước biển của thành phố này đang được áp dụng theo kinh nghiệm của Hà Lan - Ảnh chụp màn hình

Sử dụng nước ngầm quá mức hoặc không hiệu quả thường để lại những hậu quả không thể cảm nhận ngay lập tức nhưng khi nó bắt đầu diễn ra, không gì có thể cản lại. Đơn cử như thủ đô Jakartar của Indonesia.

Việc khai thác nước ngầm quá mức đã khiến thành phố này bị lún với tốc độ 10cm mỗi năm - nhanh nhất thế giới. Điều này buộc giới chức Indonesia phải tính tới phương án dời thủ đô sang đảo Borneo.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức, trong đó có Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong 4.000 đô thị bị đe dọa vì nước biển dâng và sụt lún, TP.HCM đứng thứ 3 chỉ sau Jakarta và Manila của Philippines.

Trước thực trạng này cùng những cảnh báo của các chuyên gia, lãnh đạo TP.HCM đã tính đến việc dừng khai thác sử dụng nước ngầm, ra lộ trình lấp các giếng nước trên toàn địa bàn đến năm 2025.

Với địa bàn đặc thù như huyện Củ Chi, TP.HCM cũng cân nhắc phương án sử dụng xe bồn chở nước sạch cho người dân.

Chống sụt lún ĐBSCL, phải giải bài toán nước ngầm Chống sụt lún ĐBSCL, phải giải bài toán nước ngầm Khai thác nước ngầm sao cho khỏi cạn kiệt? Khai thác nước ngầm sao cho khỏi cạn kiệt? Sụt lún ĐBSCL vì khai thác nước ngầm quá sức chịu đựng Sụt lún ĐBSCL vì khai thác nước ngầm quá sức chịu đựng
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên