12/02/2018 16:24 GMT+7

Dinh dưỡng sau tết

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh

Do việc ăn uống thả cửa, sau mấy ngày tết là lên cân, thừa cholesterol, rối loạn tiêu hóa, bệnh đường ruột, và chán ăn. Vậy sau tết ăn gì?

Dinh dưỡng sau tết - Ảnh 1.

Canh nấm mèo thịt nạc. Ảnh: nauzi.com

Trong ba ngày tết, thật khó ai có thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của các thức ăn được bày đầy trước mặt. Quả thật tất cả các món ngon lạ đều được dành cho ngày tết. Thêm vào đó, trong bầu không khí sum họp, vui tươi, ấm áp cũng góp phần làm tăng thêm sự hứng khởi, rồi chén chú chén anh, nhâm nhi mỗi món một miếng cho biết, và như thế là dạ dày càng lúc càng nở, ngay cả với quý cô đang ăn kiêng và muốn giữ tấm thân thon thả cũng khó cưỡng lại sự thèm thuồng trước sự hấp dẫn của các món ăn ngon. 

Nào là bánh chưng, bánh tét, giò lụa, giò thủ, dăm bông, xúc xích, thịt kho, nem chua, chả giò… ôi thôi không biết bao nhiêu là đạm, trong khi chỉ có một ít dưa chua, dưa giá, dưa món hoặc củ hành củ kiệu đi kèm, thêm một ít bia bọt, rượu vang để khai vị, tuy nhiên các món này không đủ sức để đẩy nhanh lượng đạm và béo dư thừa ra khỏi cơ thể bạn một cách nhanh chóng, và hệ lụy dẫn theo sau mấy ngày tết là lên cân, thừa cholesterol, rối loạn tiêu hóa, bệnh đường ruột, và chán ăn.

Nhưng ông bà ta đã gọi là "ăn tết" chớ không gọi là "nhịn tết" cho nên tết mà không ăn thì "thà chết sướng hơn", vì vậy sau ba ngày tết, lục phủ ngũ tạng của chúng ta cũng mệt mỏi không kém vì phải tăng cường hoạt động, nhưng mà chúng ta không thể nhịn không ăn gì sau tết, nhưng ăn gì để không thiếu chất dinh dưỡng và không bắt dạ dày làm việc quá sức. Một số thực phẩm như:

- Các loại thực phẩm nhiều chất xơ: Các loại đậu xanh, đậu đỏ, đậu que, đậu đũa, đậu hòa lan, măng tre, giá, bắp cải, cà rốt, su hào, nấm… các chất này đóng vai trò chất xơ không hòa tan góp phần hạn chế sự hấp thu và kéo các chất béo ra khỏi cơ thể.

- Ăn thêm gia vị như hành, tỏi, nghệ, mùi tây, húng quế…các chất này giúp nâng cao hiệu quả của các vitamin nhóm B, giúp tăng cường chuyển hóa và giảm béo.

- Ăn thêm cá, rong biển, ốc, hến thay cho thịt, giúp dễ tiêu và không làm tăng thêm lượng calo cho cơ thể.

Các món ăn nhẹ nhàng thanh khiết giúp bảo vệ sức khỏe sau những ngày Xuân gồm có:

Canh: Trong ẩm thực, canh là món có lợi cho sức khỏe, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu nhất. Có nhiều loại canh và tùy theo khẩu vị của từng người mà chọn món thích hợp. Đây là những món canh dễ làm, dễ ăn và nên thuốc.

- Canh nấm mèo thịt nạc, thêm một nhúm rau hẹ, đun  nhỏ lửa cho sôi, uống, có tác dụng bồi bổ khí huyết, chữa bụng trướng, khó tiêu, giải độc cơ thể.

- Canh đại táo, rửa sạch nấu cho sôi, để ấm uống trong ngày, tác dụng kiện tỳ ích khí, chữa kém ăn, tỳ vị yếu mệt.

- Canh thịt giá củ năng, đây là loại canh thượng phẩm được ghi trong sách cổ dùng trong mùa xuân có tác dụng tăng cường sinh lực, ích khí cường thân, khi nấu  gồm ít thịt heo nạc, giá sống, bắp cải, củ năng, trứng gà, gừng, hành, dầu mè và ít gia vị, nấu nước thịt xong cho trứng gà vào, nêm nếm vừa miệng, sau đó mới cho giá và cải vào, đun chín rồi ăn.

- Canh trứng đậu hủ khô, gồm đậu hủ khô thái lát, nấm hương, trứng cút, hành tỏi, nấu canh xong nêm nếm vừa miệng, ăn trong ngày sẽ giúp bồi bổ tỳ vị, mạnh dạ dày, giúp ăn ngon miệng, phục hồi sức khỏe.

Cháo: Người Trung Hoa có thói quen ăn cháo, đặc biệt là cháo nấu từ ngũ cốc, vì nó chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng lại rất dễ hấp thu, không bắt dạ dày làm việc quá sức, nó còn giúp chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ. Vì vậy mà danh y Lý Thời Trân có nói: "Mỗi ngày dùng một bát cháo… là bí quyết tốt nhất của ăn uống vậy." Có nhiều loại cháo đơn giản mà rất hiệu quả.

- Cháo tỏi: Lấy tỏi tía, nấu trong nước cho nhừ, sau đó cho gạo tẻ vào nấu chung đến thật nhừ, ăn sẽ giúp ấm tỳ vị, chữa đầy bụng, ăn không tiêu, kiết lỵ, làm hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu.

- Cháo hoài sơn: Hoài sơn nấu chung với gạo cho nhừ, chữa chứng chán ăn, rối loạn tiêu hóa, tỳ vị hư nhược, người già bị tiểu đường, suy dinh dưỡng, trẻ em chậm lớn.

- Cháo gừng: Gừng tươi, đại táo, gạo tẻ nấu chung, ăn vào giúp chữa đầy hơi, sình bụng, khó tiêu do ăn quá nhiều thịt mỡ, chữa tiêu chảy, nôn mửa.

- Cháo bột ngô: Bột ngô nấu chung với gạo thành cháo, chữa mỡ máu cao, vữa xơ động mạch, cao huyết áp và phòng ngừa ung thư.

- Cháo bát bảo: Khiếm thực, hoài sơn, phục linh, hạt sen, ý dĩ, đậu cô ve, đảng sâm, bạch truật, nấu chung với gạo cho nhừ, ăn vào giúp cho cơ thể linh hoạt nhẹ nhàng, kiện tỳ vị, làm ấm cơ thể, chữa tiêu chảy, người mệt mỏi.

Nước ép trái cây, rau củ tươi: Theo các nhà dinh dưỡng học, nước trái cây tươi không chỉ bổ sung cho cơ thể nhiều loại vitamin cần thiết để phòng bệnh mà còn chữa được một số bệnh thông thường như cảm cúm, ho, viêm nhiễm, nó còn giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống lão hóa tế bào nên giúp con người giữ được nét trẻ trung như mơ, nho, dâu, cam, chanh, bưởi, sơ ri... 

Tuy nhiên nên dùng nước ép trực tiếp không qua chế biến hoặc đóng hộp vì có sử dụng chất bảo quản và nhiều vitamin đã bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Các chuyên gia còn khuyến cáo nên ăn nhiều loại rau củ quả khác nhau cho phong phú, mỗi loại một ít, có nhiều cách như ăn sống, sốt cà chua, dầu giấm, trộn xà lách, rau ghém, hoặc ép vắt lấy nước. Không nên đun quá chín hoặc để lâu sẽ làm mất nhiều hoạt chất.

Thức uống từ thảo dược:

- Tam đậu ẩm, gồm đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, bồi bổ sức khỏe, tiêu mỡ giảm béo.

- Đinh hương trần bì ẩm, khi uống thêm ít mật ong, công dụng làm ấm tỳ vị, bổ khí, chữa kém ăn, người mệt mỏi.

Trà dược: Để tăng cường thải độc cho gan, và giúp cơ thể nhẹ nhàng thư thái, nên bổ sung cho cơ thể các loại trà từ thảo mộc.

- Trà artichaud, trà nhân trần, tăng cường thải độc gan và còn giúp phục hồi tế bào gan bị tổn thương do uống quá nhiều bia rượu trong ngày tết.

- Trà lục mai, lấy lá chè xanh thêm một ít đài hoa mai còn xanh (sau khi cánh hoa rụng hết), pha trong nước sôi uống sẽ có tác dụng giúp khí huyết lưu thông, giảm đau bụng, đau dạ dày, đau tức hông sườn, người mệt mỏi, ăn kém, giải độc rượu, thuốc lá.

- Trà ô long gia giảm, gồm vài núm trà ô long, ít nụ hoa hòe, sơn tra, hà thủ ô đỏ, vỏ quả bí đao khô, nấu chung cho sôi, bài trà thuốc này có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon ngủ tốt, bổ khí huyết, bảo vệ sức khỏe và gia tăng tuổi thọ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên